Chuyện 'hạt mầm gieo nơi đất tốt'

Con tướng cướp trở thành Trạng nguyên, con thầy đồ lại thành tướng cướp. Câu chuyện khiến người xem suy ngẫm về tầm quan trọng của giáo dục.

Đề cao vai trò giáo dục và ý nghĩa nhân quả, vở diễn là câu chuyện thú vị hướng con người tới sự tử tế.

Đề cao vai trò giáo dục và ý nghĩa nhân quả, vở diễn là câu chuyện thú vị hướng con người tới sự tử tế.

Một cảnh trong vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” tại buổi tổng duyệt.

“Những đứa con oan nghiệt” – một kịch bản nổi tiếng của NSND Doãn Hoàng Giang, mới đây lại được Nhà hát Cải lương Hà Nội khai thác để truyền tải những thông điệp sâu sắc về giáo dục và sự tử tế.

Gieo mầm nào gặt quả nấy

Theo Nhà hát Cải lương Hà Nội, vở diễn do nghệ sĩ Đình Tư chuyển thể, được dàn dựng công phu với sự phối hợp của đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai cùng tài năng của các nghệ sĩ: Quang Thanh vai thầy đồ, Thái Vân vai bà đồ, Tuấn An vai Tư chớp, Thiên Hương vai Hạnh, Trang Nhung vai Cả Hoi và Đoàn Thắng vai Đức.

Sau buổi tổng duyệt mới đây, Hội đồng nghệ thuật TP Hà Nội đánh giá vở diễn đạt chất lượng cao về nghệ thuật với những mâu thuẫn, tình tiết hấp dẫn và lối diễn xuất sắc của các nghệ sĩ. Vở cải lương đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống.

Vở diễn xoay quanh câu chuyện hai gia đình thầy đồ và tướng cướp Tư chớp. Họ sống chung trong một ngôi làng, nhưng cách sống và cảnh sống lại hoàn toàn khác nhau.

Thầy đồ giỏi chữ nhất vùng, chỉ chăm lo truyền dạy đạo đức thánh hiền thì cảnh nhà thanh bạch, trong khi gia đình tên ăn cướp khét tiếng lại giàu sang. Hắn là người lanh lẹ, chuyến hàng nào cũng được giải quyết nhanh như chớp nên Doãn Hoàng Giang cho hắn cái tên Tư chớp.

Suốt một đời sống nhờ ăn cướp, nhưng về già Tư chớp cảm thấy lo lắng cho tương lai đứa con mới sinh nên đem con mình đánh tráo với con ông thầy đồ - với ước muốn, thằng con ấy sẽ thành người lương thiện. Và quả vậy, sống nơi cửa Khổng sân Trình, Nhân - con trai Tư chớp - lớn lên thành một thanh niên nho nhã, sớm đỗ Trạng nguyên.

Còn Đức - cậu con bị đánh tráo của ông thầy đồ, dẫu mang trong mình dòng máu của người cha đức độ vẫn trở thành một gã du côn khi sống trong nhà kẻ cướp.

Vì ghen ghét đố kị, Đức cùng anh trai đã ra tay sát hại Nhân trong lúc anh trở về vinh quy bái tổ. Chứng kiến bi kịch ấy, trong tột cùng đau khổ - Tư chớp đã thức tỉnh, tự nói ra sự thật.

Nhớ đến câu nói của nhà sân khấu chủ trương phương pháp kịch gián cách Bertolt Brecht: “Trong xã hội tàn bạo mà con người hiền lành là con người ngu ngốc”, nên Doãn Hoàng Giang đã mạnh tay cho gã du côn giết chết đứa con trai nho nhã theo tư tưởng ác giả ác báo.

Quá hứng khởi vì đã tìm ra được hình thức để chuyển tải nội dung mang đầy tính hiện thực trong câu nói của nhà văn Mỹ, Doãn Hoàng Giang chỉ mất một đêm để hoàn thành kịch bản.

Một cảnh trong vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” tại buổi tổng duyệt.

Đề cao giá trị giáo dục

“Dù đề tài câu chuyện không mới, nhưng đã luận giải được một cách mạch lạc về sự hình thành của thiện - ác, đen - trắng, ánh sáng - bóng tối nơi mỗi người. Hạt mầm tốt mà bị gieo trên đất xấu thì khó xanh tươi, cũng như ở bất cứ thời đại nào thì con người cũng cần được giáo dục trong môi trường tốt” - NSND Hoàng Quỳnh Mai.

“Những đứa con oan nghiệt” - kịch bản đã được nhiều đơn vị nghệ thuật ở nhiều loại hình sân khấu lựa chọn dàn dựng trước đây. Đi đến đâu, thái độ “tuyên chiến” với môi trường xấu nhằm giành lại nhân cách cho con người của tác giả vở kịch cũng được sự đồng tình của khán giả.

NSND Doãn Hoàng Giang từng nói: “Đừng trách con người mà phải trách môi trường”. Một triết gia từng nói, kẻ xấu có trăm ngàn thủ đoạn để xấu thì người tốt cũng cần có trăm ngàn “thủ đoạn” để tốt mới mong tồn tại.

Doãn Hoàng Giang thông qua “Những đứa con oan nghiệt” gửi đi một lời kêu gọi, để “con người đừng bị hiền lành một cách ngu ngốc” và để “người thiện biết trăm ngàn phương cách để tốt” - thì hãy cho con người một môi trường sống tử tế.

Một kịch bản quá nổi tiếng, song vẫn thấy hấp dẫn với cách dàn dựng rất riêng của NSND Hoàng Quỳnh Mai. Câu chuyện xưa mang tính dân gian, nhưng qua cách dàn dựng và thể hiện thì lại làm nổi bật một chân lý mà tác phẩm muốn khẳng định.

Đó là vai trò quan trọng của môi trường giáo dục, cũng như bài học về quy luật nhân - quả, gieo nhân nào gặt quả đấy, môi trường giáo dục tốt sẽ nhận về nhân cách đẹp và ngược lại.

Quy luật mà vở diễn truyền tải khiến khán giả nhớ lại đánh giá nổi tiếng của một triết gia về cuộc chiến của Thành Cát Tư Hãn tròn 800 năm trước. Khi đó, kẻ cai trị thành phố Otrar của Khwarezmia đã giết 499 người trong đoàn lạc đà Mông Cổ phái đến để thiết lập quan hệ: “Kẻ nào gieo hạt mầm khô thì không có thu hoạch, nhưng kẻ nào gieo mầm thù oán thì phải nhận thành quả là sự hối hận”.

Chuyển tải triết lý giáo dục thông qua câu chuyện nhuốm màu bi kịch nhưng theo dõi vở diễn, người xem không thấy sự khô cứng, giáo điều. Ngược lại, công chúng được tiếp nhận mạch diễn một cách nhẹ nhàng.

Đặc biệt, vở cải lương đi sâu lột tả diễn biến tâm lý nhân vật, những dằn vặt sâu kín của tướng cướp Tư chớp - người duy nhất biết và chung sống với bí mật đánh tráo hai đứa trẻ.

Xuyên suốt vở diễn, những đối thoại giúp lột tả sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân - quả, giữa tiền bạc và trí tuệ, âm mưu và duyên nghiệp… Đạo diễn cũng khéo léo lồng gắn nhiều chi tiết hóm hỉnh để “cuộc sống hóa sân khấu”.

Đặc biệt sự xuất hiện của múa đương đại, kết hợp cách xử lý âm nhạc hiện đại theo tiết tấu dồn dập đã làm nên hình thức thể hiện mới mẻ cho vở diễn.

Câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng đạo diễn và ê-kíp sáng tạo của “Những đứa con oan nghiệt” đã mang tới cho khán giả, cũng như mọi gia đình những suy ngẫm về vấn đề thời sự là giáo dục - vun đắp nhân cách con người.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-hat-mam-gieo-noi-dat-tot-post600151.html