Chuyện hậu trường khi dịch tiểu thuyết kinh điển của Alexandre Dumas

'Bá tước Monte Cristo' - tiểu thuyết phiêu lưu của nhà văn người Pháp Alexandre Dumas được xem là một trong những tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại.

Lấy bối cảnh nước Pháp thời Napoleon, cuốn sách xoay quanh các chủ đề về công lý, trả thù, tình yêu và sự tha thứ. Vào ngày tươi đẹp nhất của chàng thanh niên Edmond Dantès, khi chuẩn bị cưới nàng Mercédès xinh đẹp, sắp được thăng chức làm thuyền trưởng thì bị những người bạn ghen ghét vu khống, cam chịu giam giữ trong hầm ngục suốt 14 năm.

Sau khi vượt ngục, nhờ kho báu bí mật của người bạn tù là nhà bác học - linh mục Faria, Dantès đổi tên thành bá tước Monte Cristo, thâm nhập vào cuộc sống của những kẻ mưu hại ông và bắt đầu kế hoạch trả thù. Những thủ đoạn khó đoán, những cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm, những bí mật không thể giải đáp, tất cả đã tạo nên một tác phẩm ly kỳ, hấp dẫn.

Một tác phẩm ly kỳ, hấp dẫn với nhiều thế hệ độc giả.

Một tác phẩm ly kỳ, hấp dẫn với nhiều thế hệ độc giả.

Nhà phê bình George Saintsbury nhận xét trên tạp chí The Fortnightly Review (1878): “Người ta cho rằng, ngay từ khi ra mắt và trong suốt quãng thời gian sau đó, Bá tước Monte Cristo là cuốn sách phổ biến nhất ở châu Âu. Có lẽ không một tiểu thuyết nào sở hữu lượng độc giả khổng lồ, du nhập vào nhiều quốc gia chỉ trong vài năm ngắn ngủi như thế”.

Với một cuốn sách kinh điển nổi tiếng, việc chuyển ngữ sang tiếng Việt không phải là một điều dễ dàng.

Trao đổi cùng VietNamNet, PGS.TS Lê Đình Chi - người phụ trách biên dịch cuốn sách Bá tước Monte Cristo (NXB Văn học và Đinh Tị Books phối hợp phát hành) nêu 3 khó khăn anh gặp phải.

Thứ nhất, chưa bao giờ anh dịch một tiểu thuyết dài 117 chương, với dịch giả "khối lượng công việc quá lớn khi chuyển ngữ có thể gây sức ép".

Thứ hai, Bá tước Monte Cristo được viết từ thế kỷ 19, cho dù chỉ là ngôn ngữ văn học đại chúng song vẫn có sự biến đổi nhất định so với tiếng Pháp ngày nay. Rất nhiều điều trong cuộc sống thường ngày vào thế kỷ 19, giai đoạn 1815 - 1838 giờ đã trở nên xa lạ, buộc người dịch phải tìm hiểu kỹ về bối cảnh câu chuyện để lựa chọn câu từ thích hợp nhất.

Cuối cùng, đâylà tiểu thuyết có số lượng nhân vật tương đối lớn, với không chỉ một tuyến diễn biến. Điều này yêu cầu nhà biên dịch phải cảnh giác để duy trì được sự nhất quán về cách chuyển ngữ cho những nhân vật ở một tuyến hành động cụ thể.

PGS.TS Lê Đình Chi thừa nhận: "Luôn có độ chênh không tránh khỏi khi chuyển ngữ một tác phẩm từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích". Điểm tế nhị nhất là tránh cảm xúc cá nhân với các nhân vật, đẩy lựa chọn ngôn ngữ của bản dịch đi quá lệch so với tông điệu câu chuyện mà tác giả lựa chọn. Anh nhận mình may mắn vì đã sống, học tập một thời gian tại chính Marseille nên nhiều địa điểm trong truyện liên quan tới nơi này đã trở nên quen thuộc.

Hơn nữa, PGS.TS Lê Đình Chi từng chuyển ngữ một cuốn tiểu sử của Napoleon, nhờ đó cũng có được hiểu biết tương đối rõ về bối cảnh đương thời trong tác phẩm. "Tôi cũng đọc nhiều về giai đoạn đầu thế kỷ 19 của Pháp và châu Âu nói chung nên có sẵn chút vốn liếng thông tin cơ bản, giúp cho việc định hướng tìm hiểu tra cứu khi chuyển ngữ được nhanh chóng, chắc chắn hơn".

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/le-dinh-chi-ke-hau-truong-dich-tieu-thuyet-kinh-dien-cua-alexandre-dumas-2144408.html