Chuyện hậu trường rùng rợn của loạt phim kinh dị nổi tiếng

Đằng sau những thước phim kinh dị gây ám ảnh của 'The Exorcist', 'The Nun', 'The Conjuring' là vô vàn câu chuyện hậu trường kỳ quái và đáng sợ.

The Omen (1976): Bộ phim kinh dị tâm linh này từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực bởi những điềm gở diễn ra xung quanh nó. Khi The Omen đang được thực hiện, nam diễn viên Gregory Peck và biên kịch David Seltzer bay tới nước Anh trên hai chuyến bay khác nhau và cả hai đều gặp phải sét đánh. Khách sạn nơi Richard Donner trú ngụ bị đánh bom bởi tổ chức IRA và sau đó vị đạo diễn còn bị xe hơi tông phải.

Trong ngày đầu tiên bấm máy, một vài thành viên chủ chốt của đoàn làm phim suýt mất mạng trong một tai nạn xe hơi. Chuyến bay mà đoàn làm phim hủy bỏ vào giờ chót sau đó bị rơi và toàn bộ hành khách tử vong. Tuy có nhiều điềm gở như vậy nhưng không có ai gặp phải chấn thương nghiêm trọng trên phim trường của The Omen.

Trong ngày đầu tiên bấm máy, một vài thành viên chủ chốt của đoàn làm phim suýt mất mạng trong một tai nạn xe hơi. Chuyến bay mà đoàn làm phim hủy bỏ vào giờ chót sau đó bị rơi và toàn bộ hành khách tử vong. Tuy có nhiều điềm gở như vậy nhưng không có ai gặp phải chấn thương nghiêm trọng trên phim trường của The Omen.

The Exorcist (1973): Đây là bộ phim kinh dị gây tranh cãi nhất những năm 70-80 thế kỷ trước vì những cái chết kỳ bí liên quan đến nó. The Exorcist được William Peter Blatty viết kịch bản dựa theo một tiểu thuyết cùng tên xuất bản vào năm 1971. Nội dung tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về thế giới ma quỷ đã nhập vào cậu bé John Hoffman 14 tuổi sống tại thành phố Cottage, tiểu bang Maryland, Mỹ năm 1949. Trong phim, nhân vật chính lại là một cô bé.

Khi The Exorcist được bấm máy, một loạt sự cố kỳ lạ đã xảy ra. Một diễn viên bị chấn thương xương sống vĩnh viễn vì một cảnh quay lỗi. Ngôi nhà dựng làm trường quay bị cháy rụi nhưng phòng ngủ quỷ ám của nhân vật chính lại không hề hấn gì. "Lời nguyền The Exorcist" bắt đầu lan rộng khi có một số trường hợp tử vong xảy ra trong quá trình làm phim và ngay sau khi nó được hoàn thành. Nữ diễn viên Ellen Burstyn (vai người mẹ Chris McNeil) khẳng định rằng có 9 cái chết được xác định chính thức và nhiều trường hợp qua đời khác liên quan đến bộ phim này.

The Amityville Horror (bản 1979 và 2005): Căn nhà Amityville là nơi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu của gia đình DeFeo. Nó được xem là một trong những địa điểm bị ma quỷ ám. Trong bản phim The Amityville Horror 1979, nam diễn viên James Brolin - người thủ vai George Lutz - đã đồng ý tham gia bộ phim bởi những hiện tượng kỳ lạ ông gặp phải trong lúc đọc cuốn sách và kịch bản Amityville.

Các sự việc ma quái tiếp tục xảy ra với bản phim The Amityville Horror 2005. Trong thời gian quay phim, nam diễn viên Ryan Reynolds thường tỉnh dậy lúc 3 giờ 15 phút sáng. Đây là thời điểm mà George Lutz thật thường tỉnh giấc sau khi chuyển vào căn nhà, cũng là khoảng thời gian vụ thảm sát xảy ra. Ngoài ra, ê kíp sản xuất The Amityville Horror còn từng phải hoãn quay do có một xác chết dạt vào bờ biển, ngay gần phim trường.

The Possession (2012): Nguồn gốc của bộ phim là từ một mặt hàng trên eBay có tên “hộp dybbuk” đính kèm một câu chuyện rùng rợn do chủ nhân Kevin Mannis viết ra. Trong truyện dân gian Do Thái cổ, dybbuk là một linh hồn độc địa có khả năng ám và chiếm giữ người sống. Đằng sau những thước phim kinh dị của The Possession là câu chuyện hậu trường rùng rợn không kém.

Khi phim khởi quay vào năm 2011, Jason - người sở hữu chiếc hộp dybbuk - muốn nhà sản xuất phim thử dùng chiếc hộp thật làm đạo cụ. Tuy nhiên, cả ê-kíp làm phim và dàn diễn viên đều từ chối vì sợ chiếc hộp thật cùng những điềm gở nó mang tới. Sau đó, một loạt sự việc bí ẩn đã xảy đến với họ. Bóng đèn liên tục cháy dù hệ thống điện không gặp sự cố nào. Hơi lạnh thổi qua trường quay mà không rõ xuất phát từ đâu. Chuyện đáng sợ nhất là vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ khu vực nhà kho và lan ra toàn bộ đạo cụ của đoàn làm phim. Người ta đã tiến hành điều tra nhưng nguyên nhân vụ cháy vẫn không được làm sáng tỏ.

The Innkeepers (2012): Đạo diễn Ti West cho hay, đoàn làm phim sống trong khách sạn The Yankee Pedlar Inn đã thực sự bị ma ám. Họ thường xuyên thấy tivi trong phòng tự động tắt - bật và mơ thấy ác mộng. Thậm chí, nữ chính Sara Paxton còn có cảm giác một linh hồn sống cùng phòng với mình. Trước đó, Ti West từng chọn khách sạn này làm nơi dừng chân cho ê kíp The House of the Devil và họ cũng gặp những hiện tượng tương tự.

The Conjuring (2013): Ê kíp sản xuất The Conjuring đã liên tục trải qua nhiều sự việc rùng rợn. Đầu tiên, khách sạn nơi đoàn làm phim nghỉ chân gặp phải hỏa hoạn khiến mọi người phải sơ tán. Đường dây điện thoại ở đó cũng bị cắt không thể sử dụng được. Trong một cảnh quay trên phim trường, các thành viên đoàn làm phim bỗng nhiên rợn tóc gáy vì một cơn gió lạnh thổi đến, dù họ cho biết cây cối xung quanh không hề lung lay.

Nội dung kinh dị của The Conjuring đã ám ảnh nữ diễn viên Vera Farmiga. Cô không dám cầm kịch bản về nhà vì cảm thấy không yên tâm. Thậm chí Vera Farmiga còn không dám đọc nó vào ban đêm vì có lần màn hình máy tính của cô xuất hiện 3 vết xước như thể có bàn tay của sinh vật nào đó cào lên. Sau ngày quay đầu tiên của The Conjuring, trên tay của Vera Farmiga xuất hiện 3 vết đỏ mà không rõ nguyên nhân. Nữ diễn viên khẳng định: “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, trừ khi tôi bị muỗi đốt và gãi bằng ba ngón tay”.

Những hiện tượng kỳ quái cũng xảy đến với đạo diễn James Wan khi anh làm việc trong đêm. Chú cún cưng của anh nhìn chằm chằm vào một điểm trong nhà và sủa liên tục. Anh còn cho biết: “Sau đó con chó còn làm một chuyện kinh dị hơn nữa. Nó đã đuổi theo một thứ vô hình nào đó quanh phòng, khiến tôi hoảng sợ vô cùng. Đó là khoảnh khắc tôi nhận ra rằng câu chuyện có thật đó đã ăn sâu vào tâm trí và ảnh hưởng vô cùng lớn đến tôi”.

The Nun (2018): Khi đoàn phim thực hiện cảnh quay tại hành lang thánh giá bên trong một lâu đài cổ, đạo diễn Corin Hardy được sắp xếp ngồi trong một căn phòng và theo dõi cảnh phim qua màn hình được nối với máy quay. Khi bước vào phòng, anh thấy có vài người ngồi trong đó. Anh nghĩ họ làm việc trong tổ âm thanh nên chủ động chào hỏi rồi ngồi vào chỗ của mình, xoay lưng lại với họ. Sau khoảng nửa tiếng, cảnh quay hoàn thành, Corin Hardy quay lại với ý định bàn luận với các cộng sự về phân đoạn đó. Thế nhưng, kỳ lạ là anh không còn thấy bất cứ ai. "Căn phòng có duy nhất một cửa ra vào", vị đạo diễn khẳng định.

Nguyên Hạnh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-hau-truong-rung-ron-cua-loat-phim-kinh-di-noi-tieng-post971664.html