Chuyện 'hậu trường' trên hải trình ra Trường Sa

Đằng sau mỗi chuyến tàu đưa các đoàn công tác ra thăm Trường Sa là những người âm thầm thực hiện công tác hậu cần. Việc chuẩn bị phải triển khai trước chuyến đi cả tháng trời, từng chi tiết cho cả hành trình, từ đất liền, trên tàu và ra mỗi điểm đảo. Tất cả nhằm đảm bảo cho chuyến đi được diễn ra tốt nhất, an toàn nhất.

Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối

Đầu tháng 4/2023, Thành ủy Hà Nội ban hành kế hoạch về việc tổ chức đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến đi sẽ bắt đầu từ ngày 20/4.

Thời gian rất gấp, lãnh đạo đoàn công tác phải triệu tập liên tiếp 3 cuộc họp để thảo luận, thống nhất các nội dung, chương trình và phân công nhiệm vụ; đồng thời ban hành quy định, nội quy và tổ chức hội nghị phổ biến quán triệt tới 100% thành viên.

Thực hiện bản tin phát thanh buổi tối trên tàu.

Thực hiện bản tin phát thanh buổi tối trên tàu.

Với số lượng đại biểu 91 người đến từ nhiều đơn vị khác nhau, điểm đến của đoàn lại là khu vực đặc biệt, vào nhiều điểm đảo mà việc đi lại không thuận tiện như trên đất liền. Ngoài việc phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị thì để lo chu đáo và an toàn tuyệt đối toàn chuyến đi cũng không đơn giản.

Lãnh đạo đoàn công tác quyết định thành lập Tổ giúp việc và biên chế đoàn thành 4 tổ công tác, phân công các đồng chí thành ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 301 làm tổ trưởng để triển khai thực hiện các nội dung.

Tổ giúp việc lập tức vào cuộc, tích cực chuẩn bị nội dung chương trình hoạt động của đoàn tại các điểm đảo, nhà giàn; phối hợp với Quân chủng Hải quân, hãng Hàng không Việt Nam thống nhất về kế hoạch, nội dung, thời gian, lịch trình chuyến công tác. Hiệp đồng chặt chẽ với Vùng 4 Hải quân chuẩn bị tốt các khâu bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, phương tiện, trang bị, lương thực, thực phẩm; các hoạt động thăm, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở các điểm đảo, nhà giàn. Phối hợp trong các hoạt động giao lưu, văn hóa, văn nghệ nâng cao tình đoàn kết giữa các đại biểu và với cán bộ, chiến sỹ, nhân viên tàu KN-490.

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tổ chức phát động ủng hộ “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam năm 2023”, cùng với các cơ quan liên quan tham mưu, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ủng hộ 50 tỉ đồng đầu tư xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Đông B. Thành đoàn Hà Nội phát động học sinh viết thư, vẽ tranh gửi tặng các chiến sĩ nơi đảo xa.

Bên cạnh đó, Tổ công tác giúp việc đã nhanh chóng huy động và thực hiện tiếp nhận quà của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Trước khi đoàn khởi hành 2 ngày, toàn bộ gần 20 tấn hàng hóa là các vật dụng thiết yếu và nông sản, thực phẩm đặc sản các địa phương của Thủ đô làm quà tặng các đảo đã được đóng gói, bảo quản cẩn thận và vận chuyển bằng ô tô vào Cảng Cam Ranh.

Cùng chia sẻ trên hải trình

Trong hải trình 6 ngày ra Trường Sa, ngoài thời gian đi thăm các đảo khoảng từ 3-4 tiếng/ngày, thời gian còn lại, mọi sinh hoạt của đoàn đều diễn ra ở trên tàu KN-490. Trên tàu cũng không chỉ có riêng đoàn Hà Nội, mà còn có 6 đoàn từ các đơn vị, địa phương khác. Làm thế nào để các đại biểu gắn kết, phối hợp hỗ trợ nhau là vấn đề đặt ra.

Trước ngày tàu rời cảng, hàng hóa chuyển từ Hà Nội vào cũng được Tổ giúp việc phối hợp với Vùng 4 Hải quân đưa lên gọn gàng trên kho tàu. Đồng chí Nguyễn Minh Long - Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó trưởng đoàn công tác, cùng đồng chí Nguyễn Mạnh Quân - Phó chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Tổ trưởng Tổ giúp việc, tiền trạm tàu KN-490, kiểm tra từng phần việc, hiệp đồng với chỉ huy tàu để đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện khác, phục vụ tốt nhất cho toàn bộ 250 đại biểu của 7 đoàn trên tàu.

Các thành viên tham gia nhặt rau giúp nhà bếp.

Tương tự, một nhóm khác do đồng chí Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Phó trưởng đoàn công tác, cũng lên phương án tổ chức các cuộc thi sáng tác văn, thơ, ảnh, clip; thi cờ tướng, thi hát; tổ chức các cuộc giao lưu cho toàn bộ thành viên các đoàn trên tàu. Ban giám khảo là những thành viên từ các đoàn, được lựa chọn theo đúng chuyên môn nghề nghiệp. Đã có hàng chục bài thơ, bài viết, ca khúc được ra đời ngay trên tàu tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Nhóm phóng viên thì phân công nhau thực hiện các bản tin về hoạt động của đoàn cũng như cập nhật tin tức qua sóng radio đặc biệt để phát mỗi buổi sáng và buổi tối hằng ngày trên hệ thống loa tàu. Bản tin này rất được mọi người đón chờ vì hành trình trên biển không có sóng viễn thông, không có phương tiện để theo dõi thời sự.

Mỗi người mỗi tay, cứ như vậy công việc âm thầm được triển khai. Trong suốt hành trình, với tinh thần cộng động trách nhiệm, chân thành, các thành viên tham gia đoàn cũng đều sẻ chia và đoàn kết. Thành viên là bác sĩ thì sẵn sàng hỗ trợ về y tế, giúp đỡ những người say sóng. Rất nhiều chị em, những lúc rảnh rỗi lại chạy qua khu bếp trò chuyện, động viên anh em tổ phục vụ trên tàu, hỗ trợ nhặt rau, rửa bát, chia phần ăn...

Chị Nguyễn Thị Anh Đào, phụ trách đội văn nghệ của Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội còn tổ chức các buổi múa hát của đội ngay tại phòng ăn, vừa để tập luyện chuẩn bị biểu diễn trên các đảo, cũng vừa để cổ vũ anh em tổ phục vụ. Có lẽ, bếp chính là nơi gần gũi nhất trên tàu. Ở đấy, lúc nào mọi người cũng tất bật và ở đó lúc nào cũng rất cần những sự giúp đỡ, dù chỉ là những việc lặt vặt.

Mỗi ngày trên hành trình, bắt đầu từ lúc 5h sáng khi tiếng loa phát lên câu lệnh: “Hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu”, cho đến khi tiếng bạn phóng viên cất lên lúc 21h30: “Kính thưa Thủ trưởng và các đồng chí, sau đây là bản tin ngày...”.

Đó là những dấu mốc cho một ngày hành quân an toàn. Khi đó những người làm công tác hậu cần mới thôi tất bật chạy ngược chạy xuôi khắp tàu, để dành cho mình chút thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị cho công việc của ngày hôm sau...

Nữ Quỳnh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-hau-truong-tren-hai-trinh-ra-truong-sa-155569.html