Chuyện 'hiệp sĩ công lý' từng bị chồng bạo hành đến chấn thương sọ não

Nhiều năm phải sống với bạo lực tình dục, bạo lực thân thể tới chấn thương sọ não, chị Oanh đã tự tìm cho mình lối thoát và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh giống mình.

Chị Nguyễn Thị Oanh (dân tộc Mường, sinh năm 1969, Tân Lạc, Hòa Bình) lấy chồng năm 1990, khi 21 tuổi. Tới năm 1994, chị Oanh vừa sinh con trai đầu được 2 năm, cũng là lúc cuộc sống như địa ngục của chị bắt đầu.

Ngày ấy, mẹ chồng chị Oanh thường xuyên dùng bồ cào (dụng cụ làm nông, gồm nhiều răng nhọn) tấn công con dâu mỗi khi bực tức. Nhiều lần, bà còn hắt cả nồi nước đang sôi vào người chị Oanh.

“Bà nói rằng tôi cướp mất con trai bà, vì tôi mà con trai đối xử với bà không tốt. Bà chửi bới, đánh đập tôi suốt ngày. Hàng đêm, tôi phải nhét bông gòn vào tai mình và các con để không nghe thấy tiếng chửi của bà”, chị Oanh chia sẻ.

“Lúc đầu, chồng cũng bênh tôi. Nhưng dần dần, anh quay sang bạo lực với vợ để thỏa lòng mẹ”, chị Oanh rưng rưng kể tiếp.

Suốt 23 năm, từ năm 1994 đến 2017, chị Oanh liên tiếp phải chịu những trận đòn roi của chồng. Khi thì tát, lúc anh lại dùng cả thanh củi lớn đánh vợ. Người chị Oanh luôn đầy những vết trầy xước, bầm tím.

Chân dung chị Nguyễn Thị Oanh - Ảnh: Nguyễn Liên

Chân dung chị Nguyễn Thị Oanh - Ảnh: Nguyễn Liên

Lần bị thương nặng nhất là vào năm 2015. Ngày ấy, sau khi bị người chồng dùng thanh củi giáng mạnh vào đầu, chị Oanh ngất lịm. Chị được người nhà đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó lại nhanh chóng chuyển lên viện tỉnh vì vết thương khá nặng. Các bác sĩ kết luận: chị Oanh bị chấn thương sọ não, phải nằm viện điều trị dài ngày. 2 tháng nằm viện, chi phí điều trị gần 20 triệu, chị phải nhờ người thân vay mướn để có tiền chữa bệnh.

Bạo lực thể xác đã đành, chị Oanh còn thường xuyên bị bạo lực tình dục bởi chính người chồng của mình.

“Chồng tôi thường xuyên đòi hỏi, nhưng sức tôi lại không chịu được. Anh bảo vì tôi là vợ, nên anh có quyền. Bất kể khi nào anh muốn, cả sáng, trưa, tối, tôi đều phải “đáp ứng” dù có đang mệt hay ốm yếu”, chị Oanh kể.

Có những hôm, 4h sáng, chị phải dậy sớm, xuống bếp ngồi để tránh sự va chạm vợ chồng.

Suốt quãng thời gian bị chồng và mẹ chồng bạo hành, chị Oanh gần như rơi vào trầm cảm. Chị thường xuyên nhốt mình trong nhà, không muốn gặp hay tiếp xúc với ai vì xấu hổ. Chị luôn dằn vặt mình, cho rằng bản thân không tốt nên mới bị như vậy.

“Tôi đã 3 lần muốn ly hôn nhưng không được chấp thuận. Phụ nữ dưới tôi yếu thế, ăn cơm còn không được ăn chung mâm với đàn ông, mua bán trong nhà đàn ông quyết hết, kể cả là đứa bé trai 5 tuổi. Anh không chịu kí, tôi cũng không biết làm thế nào. Tôi không có quyền gì để bảo lãnh cho cuộc đời mình”, chị Oanh xúc đông nhớ lại.

Nhiều lần, chị Oanh định ôm con bỏ trốn nhưng không thành, vì phong tục địa phương không chấp nhận con gái đã lấy chồng bỏ về nhà ngoại. Cũng có những lần, chị tìm cách tự vẫn, nhưng rồi cũng may mắn sống sót.

“Thời điểm ấy, tôi cảm thấy không còn đường để đi. Tôi cũng không dám nói với ai, chỉ biết âm thầm chịu đựng”, chị Oanh bảo.

Vài năm trước, nghe tin Hội Phụ nữ địa phương và Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) có chương trình hỗ trợ người bị bạo lực, chị Oanh giấu chồng đăng kí tham gia. Từ nhà đến lớp học hơn 10km, nhưng chị ngày nào cũng kiên trì đi học, sáng đạp xe đi, chiều đạp xe về.

Dần dần, chị Oanh học được cách tự bảo vệ bản thân khỏi những trận bạo lực.

“Học đến đâu áp dụng đến đấy. Có lúc, tôi cố tình để các tài liệu chống bạo lực khắp nhà cho anh đọc”, chị Oanh bảo.

Sự kiên trì của chị Oanh cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Chồng chị dần thay đổi, giảm bớt những trận mắng chửi, đánh đập và cuối cùng là ngừng hẳn.

Chị Oanh (thứ 2 từ trái sang) trở thành 1 trong 5 "hiệp sĩ công lý" được vinh danh năm 2019 vì hoạt động tích cực trong công tác chống lại bạo lực phụ nữ và trẻ em - Ảnh: Nguyễn Liên

Thoát khỏi bạo lực, chị Oanh trở thành người truyền cảm hứng, giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh giống mình. Chị lập ra nhóm “Gia đình hạnh phúc” ở địa phương để chia sẻ với các chị em câu chuyện của mình, giúp họ tìm hướng đi.

“Mỗi khi có cuộc gọi của chị em nói rằng mình đang bị đánh, tôi sẽ lập tức gọi tổ hòa giải của xóm đến để cùng hỗ trợ, tư vấn và can ngăn. Rất nhiều người đã như tôi, may mắn thoát khỏi bạo lực và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị Oanh chia sẻ.

Ngày 4/11 vừa qua, chị Oanh vinh dự trở thành 1 trong 5 “Hiệp sĩ công lý” được nhận bằng khen tại Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội vì những đóng góp của mình trong phòng trào đấu tranh chống bạo lực tình dục với phụ nữ tại địa phương.

Điều hạnh phúc nhất với chị Oanh là bây giờ, chồng và mẹ chồng không những ngừng bạo lực mà còn hoàn toàn ủng hộ công việc chị đang làm.

“Có những hôm, nửa đêm có cuộc gọi của chị em cần giúp đỡ, chồng tôi còn tình nguyện đèo tôi đi”, chị Oanh tủm tỉm kể.

Nghĩ đến quãng thời gian khó khăn đã trải qua, chị Oanh vẫn thấy thật kỳ diệu. Chị bảo, có lẽ điều lớn nhất giúp chị vực dậy là suy nghĩ phải tự đứng lên để cứu lấy mình, cứu lấy con.

“Chỉ có lên tiếng, cùng sẻ chia mới có thể giúp những phụ nữ yếu thế bị bạo hành như chúng tôi chiến thắng. Tôi muốn nói với các chị em rằng hãy mạnh mẽ đứng lên, tự tìm con đường cho mình, vì mình, và vì cả con nữa”, chị Oanh nói.

Nguyễn Liên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/bi-chong-bao-hanh-den-chan-thuong-so-nao-594919.html