Chuyển hóa nguồn lực văn hóa Thủ đô – Bài 2: Thúc đẩy kinh tế du lịch

Hệ thống di tích, lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, làng nghề truyền thống phong phú, cùng với cảnh quan tự nhiên hấp dẫn là nguồn lực để Hà Nội khai thác, mang lại nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế du lịch.

Du khách khi tới Bát Tràng sẽ được trải nghiệm các hoạt động như vuốt, nặn vẽ tạo hình các sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Du khách khi tới Bát Tràng sẽ được trải nghiệm các hoạt động như vuốt, nặn vẽ tạo hình các sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Từ các chất liệu này, nhiều giá trị mới được hình thành. Đó là các sản phẩm văn hóa sáng tạo, mang đặc trưng riêng, phục vụ đời sống tinh thần của người dân, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô.

Tạo các giá trị mới

Bảo tàng Văn học Việt Nam nằm ẩn mình trong con ngõ ở đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, trước kia không được nhiều người biết tới. Tuy vậy, từ cuối năm 2022, khi tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” ra đời, địa chỉ này trở thành điểm hẹn của đông đảo du khách Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Tour du lịch văn học "Chữ Tâm, chữ Tài" (tổ chức vào các tối cuối tuần) đưa du khách đến gần hơn với tác giả, câu chuyện, nhân vật thông qua một hình thức trải nghiệm nhẹ nhàng, giải trí, khám khá, cuốn hút trong một không gian đầy cảm xúc mà du khách dành cho tác giả, câu chuyện, nhân vật mình yêu thích. Du khách được trải nghiệm khu vườn tượng 20 danh nhân văn học Việt Nam; được tham gia hoạt động gánh chữ Tâm, chữ Tài; khám phá không gian văn học thời kỳ cổ - trung đại; văn học cận - hiện đại; cùng các hoạt cảnh, nghe thơ trên nền nhạc, nghe chuyên gia ngôn ngữ và văn học nói chuyện, hát các ca khúc phổ nhạc từ thơ, được trải nghiệm giải ô chữ... Mỗi tối cuối tuần, các tour đa phần đều kín chỗ và du khách đều tỏ ra hào hứng.

Tham gia trải nghiệm tour du lịch văn học "Chữ Tâm, chữ Tài", chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, sinh viên khóa 3, thạc sĩ Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Tour mang tính nửa học thuật, nửa đời thường. Khi học trên sách vở, mọi người sẽ thấy xa vời nhưng khi trải nghiệm thực tế thì thấy dễ hiểu hơn rất nhiều, nhớ được những vấn đề mình đã học. Chương trình rất hợp với du lịch học đường.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm mới tại các điểm đến cũng được hình thành như: Tour du lịch đêm ở Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”… Tháng 4 vừa qua, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cũng ra mắt. Đoài Creative là nơi trình diễn nghệ thuật, workshop, phát triển sáng tạo và một số dịch vụ phục vụ du khách khi đến thăm làng cổ. Các hoạt động sáng tạo đều dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của Làng cổ Đường Lâm. Hay tại Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), bên cạnh Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt là nơi trưng bày sản phẩm, giới thiệu truyền thống nghề thì tại đây cũng mới khai trương “Nhà Gian khó” và nhà “Bát Tràng tôi còn nhớ”, là các điểm trưng bày, giới thiệu về văn hóa, truyền thống nghề và làng nghề, phục vụ khách tham quan.

Việc tạo các chương trình, sản phẩm mới không chỉ làm sống lại điểm đến mà còn tạo thêm giá trị cho những nơi này, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm nhiều hơn. Bên cạnh công tác bảo tồn, giữ gìn điểm đến, việc tạo giá trị mới chính là giải pháp hữu hiệu để phát huy lợi thế sẵn có, trên cơ sở tôn trọng những giá trị gốc. Truyền thống hài hòa với hiện đại sẽ tạo ra đặc trưng riêng, tạo sức hấp dẫn cho chính điểm đến văn hóa. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh lam thắng cảnh là tài sản quý, nguồn lực cho phát triển bền vững của Thủ đô, vì vậy cần có sự trân trọng, bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Thúc đẩy kinh tế du lịch

Kỳ nghỉ năm nay, anh Vince Grimm đến từ Tiểu bang New Jersey, Mỹ, đã chọn Hà Nội làm nơi khám phá, trải nghiệm văn hóa, lịch sử. Trong 4 ngày tham quan Hà Nội, anh đã tới thăm nhiều di tích nổi tiếng, tìm hiểu cuộc sống người dân Thủ đô, thưởng thức ẩm thực... Tối cuối tuần, được tham gia tour khám phá Hoàng thành Thăng Long về đêm, anh tỏ ra thích thú khi thưởng lãm không gian huyền ảo, lung linh của Hoàng thành trong ánh đèn, xem vở diễn múa rối nước tái hiện cuộc dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, khám phá khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Chia sẻ về hành trình khám phá tour đêm Hoàng thành Thăng Long, anh Vince Grimm cho biết: “Tôi đã đi nhiều tỉnh thành của Việt Nam và đây là một trong những tour ấn tượng mà tôi tham gia. Tôi ngạc nhiên vì tour tổ chức hấp dẫn, thú vị, mang lại nhiều cảm xúc cho khách”.

Tại nhiều di sản khác: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Phố cổ Hà Nội, đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, chùa Trấn Quốc… hay các Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, Làng cổ Đường Lâm… luôn là điểm đến hấp dẫn du khách. Với lợi thế về nguồn lực văn hóa, ngành Du lịch Thủ đô đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Nhiều sản phẩm du lịch được hình thành trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa để phục vụ du khách. Trong đó có những sản phẩm tạo dựng được thương hiệu cho ngành Du lịch Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm: Làng cổ là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng với 50 di tích có giá trị, lưu giữ được gần 100 nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống vùng nông thôn. Đây chính là đặc trưng hiếm có của Đường Lâm, tạo nên sức hút đối với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài khi đến Hà Nội. Trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút 120 nghìn đến 130 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có từ 6 nghìn đến 7 nghìn lượt khách quốc tế.

Thế mạnh của du lịch Hà Nội là du lịch văn hóa. Khách đến Hà Nội đa phần đều tham quan, trải nghiệm các loại hình văn hóa của Thủ đô. Tính chung toàn thành phố, năm 2022, Hà Nội đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm trước; trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón 22 triệu lượt khách, trong đó 3 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng.

Để phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngành Du lịch Hà Nội tập trung đầu tư, bảo tồn di tích gắn với phát huy giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ được tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả. Đồng thời, ngành Du lịch Hà Nội phối hợp với các sở, ngành sẽ tập trung vào các công trình trọng điểm: Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long; thành Cổ Loa; dự án bảo tồn, tôn tạo, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Làng gốm sứ Bát Tràng, Làng dệt lụa Vạn Phúc...

Bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Văn hóa là nền tảng cho phát triển du lịch, đồng thời du lịch cũng là nguồn lực, động lực để tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Sự đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa Hà Nội đang trở thành nguồn lực vô tận để phát triển du lịch, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Bài 3: Lực đẩy cho công nghiệp văn hóa

Đinh Thuận – Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/chuyen-hoa-nguon-luc-van-hoa-thu-do-bai-2-thuc-day-kinh-te-du-lich-20230530150709898.htm