Chuyện học ở dòng họ Đinh Công

Là một trong những dòng họ học tập tiêu biểu của xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, những năm qua, dòng họ Đinh Công (người dân tộc Mường) luôn làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, phát huy tinh thần hiếu học góp phần làm rạng danh dòng họ người dân tộc thiểu số trên mảnh đất vùng cao xa xôi.

Con đường dẫn vào khu Đông Vương thênh thang, sạch sẽ, hai bên là những ngôi nhà xây kiên cố. Dẫn chúng tôi đến nhà Trưởng dòng họ, đồng chí Đinh Công Hữu – Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã chia sẻ: “Dòng họ Đinh Công là một trong những dòng họ đông nhất trên địa bàn xã với hơn 50 hộ, trên 200 nhân khẩu tập trung ở các khu Đông Vương, Đông Thịnh, Trung Thịnh. Đây là dòng họ có truyền thống hiếu học và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương”.

Các thế hệ trong dòng họ Đinh Công thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về công tác khuyến học của dòng họ.

Bên chén trà nóng, những bậc cao niên trong dòng họ kể lại, trước đây, nhận thức của các thành viên trong họ về công tác khuyến học còn hạn chế. Về sau với sự tuyên truyền, vận động của những người cao tuổi và cả những người trẻ đã thành công trên con đường học vấn, với phương châm mưa dầm thấm lâu nên các gia đình trong dòng họ đã quan tâm đến việc học tập. Không chỉ vận động 100% con cháu trong dòng họ đi học, mà luôn khơi dậy tinh thần ham học hỏi của các thế hệ, học để biết, học để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, để lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế gia đình.

Trải qua nhiều thế hệ, dòng họ Đinh Công đã duy trì được truyền thống đáng quý là con cháu trong họ không có ai thất học, bỏ học, gia đình sống hòa thuận, không có người mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Đến nay, dòng họ đã có gần 20 người đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng...; nhiều gia đình đạt danh hiệu “gia đình học tập tiêu biểu”, con cháu trong dòng họ nhiều người đảm nhiệm các công việc trong ngành giáo dục, y tế, tham gia làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước... và nhiều người đã mở những xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh của riêng mình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Tiêu biểu như gia đình anh Đinh Công Tiến - đời thứ tám của dòng họ Đinh Công. Anh hiện là bác sĩ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Yên Lãng, hai người con trai của anh hiện cũng nối nghiệp cha theo ngành Y. Anh Tiến chia sẻ: “Những khó khăn vất vả, thiếu thốn của một quãng đời niên thiếu đã thôi thúc tôi nhất định phải thành công trên con đường học tập, chỉ có học mới có thể thay đổi cuộc sống của mình, giúp ích cho xã hội và thiết thực nhất là giúp đỡ bà con dân bản mình. Chính thế hệ cha ông là những người đã luôn động viên chúng tôi nhất định phải học, cho đến sau này khi lập gia đình và sinh con tôi cũng luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các con tôi được học tập và phát huy năng lực, sở trường của bản thân”.

Mặc dù là một dòng họ không “mạnh” về vật chất, kinh phí hoạt động không nhiều nhưng phong trào học tập, tinh thần học tập trong dòng họ Đinh Công luôn được các thế hệ tiếp nối và lan tỏa một cách tích cực. Các bậc cao niên trong họ thường xuyên tuyên truyền, vận động, trực tiếp đến các gia đình để thăm hỏi việc học tập của con cháu cũng như giữ mối liên hệ với nhà trường tại địa phương để nắm bắt tình hình học tập, từ đó kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và dòng họ một cách hiệu quả.

Ông Đinh Văn Minh – Trưởng dòng họ Đinh Công cho biết: “Dòng họ luôn khích lệ con cháu nêu cao tinh thần hiếu học, người lớn làm gương cho người trẻ, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào, thường xuyên đọc sách báo, cập nhật thông tin. Trẻ em được chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, được giáo dục trong môi trường thân thiện, tích cực của gia đình, dòng họ, nhà trường. Một số gia đình còn có hình thức khen thưởng riêng cho con cháu học giỏi như mua sắm quần áo mới, xe đạp, đồ dùng học tập, đồ chơi... Dù những phần quà không lớn nhưng là nguồn động viên kịp thời để các cháu tiếp tục nỗ lực vươn lên trong học tập”.

Không chỉ học trên mạng internet, trên tivi... các thành viên trong dòng họ còn tích cực tham gia các hoạt động tại trung tâm học tập cộng đồng xã, nhất là chương trình phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm trồng rừng, chăn nuôi... góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ có truyền thống hiếu học, con cháu trong dòng họ sẵn sàng hiến đất làm đường góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tháng Giêng, khi công việc trên đồng ruộng đã ngơi tay, dòng họ Đinh Công tổ chức họp họ, tổng kết những thành quả của một năm đã qua, việc học tập của con cháu, việc làm ăn phát triển kinh tế của các gia đình, biểu dương các cháu có thành tích học tập tốt và chấn chỉnh những điều chưa đúng để con cháu được tiến bộ và thành công hơn. Đồng thời đây cũng là dịp để trưởng họ phổ biến nội dung các tiêu chí của “Dòng họ học tập” và “Gia đình học tập” đến các hộ gia đình và vận động các gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”. 100% các hộ gia đình trong dòng họ đều phấn khởi tự nguyện đăng ký đồng thời các gia đình đều quyết tâm thi đua phấn đấu làm kinh tế giỏi để đoạn tuyệt cái nghèo.

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với hướng đi và cách vận động phù hợp, mỗi gia đình trong dòng họ Đinh Công đều đang nỗ lực quan tâm, chăm lo việc học hành của các con. Với họ dành bao nhiêu của cải cho con rồi cũng hết nhưng giành cho con cái chữ là còn mãi hay như bà con người Mường ở đây vẫn bảo rằng: “Đói ăn thì vác mai, vác thuổng ra rừng là có củ mài, củ sắn, cái măng ăn ngay, nhưng đói cái chữ thì không đào đâu ra được”. Những tư tưởng tiến bộ cùng với mục tiêu vươn lên làm chủ tri thức trong cuộc sống, nói khác đi là để đổi đời hy vọng sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài của dòng họ Đinh Công được duy trì và ngày càng vững mạnh.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/chuyen-hoc-o-dong-ho-dinh-cong/204252.htm