Chuyển hướng đầu tư công, khơi thông nhiều dự án

Trong khoảng thời gian qua, các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư bị ngưng lại, dẫn đến nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.

Phối cảnh cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái

Phối cảnh cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái

Nguyên nhân khiến nhiều dự án BT trên phạm vi cả nước phải dừng là do từ ngày 1-1-2018, Quyết định 23/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tự động hết hiệu lực. Để tiếp tục thực hiện các dự án, UBND tỉnh đã phải chuyển sang phương án đầu tư công.

* Nhiều dự án “nằm chờ”

Cách đây hơn 2 năm, dự án xây dựng hai tuyến đường chống ùn tắc khu vực ngã tư Tân Phong (đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp) được nhà đầu tư “hồ hởi” lập thủ tục đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng. Công việc tiến triển tốt và tưởng chừng dự án sẽ được khởi công sớm, người dân ở các phường Tân Phong, Trảng Dài đang vui mừng chờ đợi thì dự án phải dừng lại do vướng mắc chính sách BT thanh toán bằng quỹ đất.

Cũng trong thời gian này, trên địa bàn TP.Biên Hòa đã có khá nhiều nhà đầu tư đến “dạm ngõ” các dự án, cụ thể như: dự án đường ven sông Cái, dự án đường ven sông Đồng Nai, dự án hương lộ 2 (giai đoạn 1, thuộc phường An Hòa)… Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa chia sẻ: “Các dự án của thành phố cần số vốn rất lớn, thời điểm đó thành phố không đủ vốn, ngân sách của tỉnh cũng có hạn nên phải cân đối cho nhiều địa phương. để triển khai được các dự án, thành phố đề xuất chủ trương đầu tư bằng hình thức BT thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư”.

Các dự án của TP.Biên Hòa có số vốn khá lớn nên việc tìm kiếm nhà đầu tư đủ năng lực cũng không phải dễ, đơn cử như dự án đường ven sông Cái có tổng kinh phí gần 2 ngàn tỷ đồng, một số nhà đầu tư đến rồi đi do không đủ khả năng.

Đường ven sông Cái sẽ được kết nối từ cầu Hiệp Hòa đến đường Trần Quốc Toản. Trong ảnh: Cầu Hiệp Hòa hiện hữu có mật độ lưu thông cao. Ảnh: K.Giới

Cả tỉnh có hơn 10 dự án, công trình trọng điểm, trong đó TP.Biên Hòa chiếm nhiều nhất với 6 dự án. Từ ngày 1-1-2018, Quyết định 23/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT hết hiệu lực, trong khi đó Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ thay thế cho Quyết định 23/2015, lại chưa có hướng dẫn thực hiện nên các dự án đầu tư theo hình thức này phải “nằm chờ”.

* Nghị định 69 chưa gỡ được khó

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho hay, cho đến nay Nghị định 69/2019/NĐ-CP vẫn chưa thể thực hiện được do phải chờ hướng dẫn.

Theo điều 3 của Nghị định 69/2019, nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công nêu rõ: Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải đảm bảo theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán và được xác định như sau: giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Đồ họa thể hiện một số quyết định, nghị định quy định về hình thức đầu tư BT; các dự án trong điểm triển khai theo hình thức BT của TP.Biên Hòa dự kiến khởi công trong năm 2020. (Thông tin: Vân Nam - Đồ họa: Hải Quân)

Theo các chuyên gia kinh tế thì điểm khó của Nghị định 69/2019 khi thực hiện là vấn đề xác định kết quả đấu giá. Nhiều năm qua, việc không đấu giá tài sản được xem là “kẽ hở”, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước khi thực hiện BT. Bởi xác định giá đất qua hình thức thẩm định giá độc lập, do cơ quan nhà nước chỉ định hoặc nhà đầu tư chọn không đấu giá riêng tài sản nên thường xảy ra tình trạng giá đất không sát với thực tế, mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư.

Nghị định 69/2019 đã được Chính phủ đưa vào đấu giá dự án BT, thế nhưng việc đấu giá dự án cụ thể như thế nào, đấu giá tài sản trước hay đấu giá dự án trước chưa có thông tư hướng dẫn nên không thực hiện được. Vấn đề nữa là khi đấu giá dự án thì không thể đấu giá tài sản vì tài sản đã nằm trong dự án nên không thể đấu giá 2 lần. Đây cũng là lý do khiến Nghị định 69/2019 đã được ban hành nhưng các địa phương vẫn lúng túng trong khi chờ thông tư hướng dẫn.

* Chuyển hướng đầu tư công

Chờ Nghị định 69/2019 lâu khiến các dự án bị đình trệ nên UBND tỉnh đã đưa các dự án trọng điểm vào đầu tư công. Để có vốn đầu tư các dự án này, tỉnh đã cho đấu giá các lô đất “vàng” ở các địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tỉnh sẽ điều tiết nguồn vốn từ đấu giá đất để đầu tư các dự án trọng điểm. “Các dự án trọng điểm thời gian qua vướng về vốn nên không thể triển khai, đến nay đã gỡ được vấn đề vốn nhờ đấu giá các khu đất công, hiện tại các địa phương tập trung hoàn tất các thủ tục để đầu tư công trình” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nói.

Các dự án trọng điểm được xác định sẽ khởi công trong năm 2020 bằng nguồn vốn ngân sách là: cầu Vàm Cái Sứt (trên hương lộ 2, thuộc xã Long Hưng, TP.Biên Hòa); cầu Thống Nhất và đường ven Sông Cái. Những dự án này trước đây được bàn thảo rất nhiều lần nhưng vẫn không thực hiện được do “nút thắt” từ phương thức đầu tư. Để thực hiện được dự án đường ven sông Cái, theo tính toán thì TP.Biên Hòa phải đổi 14 khu đất (53 hécta) cho nhà đầu tư. Một khó khăn là các khu đất này nhà đầu tư lại phải thực hiện đền bù nên tổng mức đầu tư cho dự án tăng lên rất lớn. Cụ thể là tổng mức đầu tư khoảng 2 ngàn tỷ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng hết hơn 1.500 tỷ đồng, riêng tiền giải phóng mặt bằng các khu đất đổi cho nhà đầu tư khoảng 850 tỷ đồng.

Về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, việc thực hiện phương án đấu giá đất công lấy vốn đầu tư và thực hiện đấu thầu các dự án đầu tư là tốt nhất vì sẽ không bị vướng mắc gì lớn về thủ tục. Điều quan trọng hơn cả là sẽ minh bạch và không gặp khó khăn cho thanh tra, kiểm toán sau này.

Khắc Giới

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201909/chuyen-huong-dau-tu-cong-khoi-thong-nhieu-du-an-2962946/