Chuyển hướng thị trường xuất khẩu nông sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm 2021 cả nước ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm 2021 cả nước ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt khoảng 3,14 tỷ USD, tăng 19,0%; nhóm chăn nuôi đạt 52 triệu USD, tăng 13,8%; thủy sản đạt hơn một tỷ USD, tăng 0,7% và nhóm lâm sản chính đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2020. Về thị trường xuất khẩu, hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 33,05% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,88 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần; EU đạt 594 triệu USD; Nhật Bản đạt 573 triệu USD, tăng 15,5%; Hàn Quốc đạt khoảng 410 triệu USD, tăng 18%...

Ngoài kết quả dễ nhận thấy là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu, thì một điểm nhấn đáng chú ý chính là Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với những con số tăng trưởng kim ngạch mạnh mẽ tại các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., điều này cho thấy ngành nông nghiệp nước ta đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ để tiếp cận và chinh phục các thị trường chất lượng cao; chủ động mở rộng thị trường, hạn chế phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Ðồng thời, kết quả trên cũng chứng tỏ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam thật sự có uy tín, khẳng định được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn từ thị trường Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao-su, hạt điều…, còn nhiều mặt hàng khác như gạo, trái cây thì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế; trong khi đây lại là những mặt hàng thế mạnh của nước ta và thu hút lực lượng lao động tương đối lớn. Nguyên nhân là do chưa có nhiều mặt hàng thuộc các nhóm sản phẩm này đáp ứng đủ tiêu chí, chất lượng để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mặc dù trên thực tế nhu cầu và dư địa của thị trường Mỹ về hàng nông sản hiện vẫn rất lớn.

Chính vì vậy, để đa dạng mặt hàng nông nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản..., điều tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt để đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP..., cũng như các chứng nhận mang tính riêng biệt của từng quốc gia nhập khẩu. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ nét về thuế quan cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Việc tập trung thực hiện các tiêu chí chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn là sự đầu tư đáng giá để ngành nông nghiệp sinh lời hơn nữa trong tương lai.

Tiến Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/chuyen-huong-thi-truong-xuat-khau-nong-san-637810/