Chuyện ít biết về một Phó giám thị trại giam

Đã thành thói quen từ mấy chục năm nay, ngày nào cũng vậy, nghe báo cáo tình hình, giao việc cho từng CBCS xong, Đại tá Nguyễn Bá Thắng, Phó giám thị trại giam Ngọc Lý lại làm một vòng cuốc bộ quanh khuôn viên phân trại nơi mình phụ trách. Buồng giam, nhà kho, nhà bếp, trạm xá, nơi đón tiếp gia đình phạm nhân và cả những đội sản xuất xa nhất, ông Thắng đều ghé qua ít nhất một lần. Ông bảo mỗi bộ phận đều có một lực lượng riêng phụ trách nhưng là người quản lý chung thì không được quan liêu, giáo điều và xa dời thực tế.

“Tôi từng phục vụ trong quân ngũ nên việc ngày nào cũng đi bộ gần chục cây số đã trở thành thói quen, mưa nắng cũng vậy”, Đại tá Thắng cho biết. Trước câu đùa của chúng tôi rằng, có khi nào mệt quá tự cho phép mình nghỉ một hôm không, ông bình thản: “Mưa nắng thì đi chậm hơn, mệt đâu thì nghỉ lại đó, nhân thể kiểm tra sổ sách, nghe báo cáo. Hết mệt lại đi tiếp”. Ông nói chuyện không màu mè, rào trước đón sau mà trên gương mặt luôn trực sẵn nụ cười hồn hậu.

Ấn tượng đầu tiên phải tốt

Đó là câu nói của Đại tá Nguyễn Bá Thắng khi tâm sự với chúng tôi về công việc mà ông đang phụ trách. Ông bảo: “Mình phụ trách phân trại trung tâm, là nơi tiếp nhận phạm nhân, sau khi hoàn tất một số thủ tục như kiểm tra sức khỏe, học nội qui trại sau đó đưa đi các phân trại khác để cải tạo lao động. Thế nên việc tạo ấn tượng đầu tiên đối với phạm nhân mới đến rất quan trọng”.

Là người lãnh đạo đi lên từ người lính, có bề dày kinh nghiệm quản lý, canh coi phạm nhân nên ông Thắng thấu hiểu suy nghĩ của những phạm nhân mới phạm tội lần đầu. Hầu hết đều có tâm lý e dè, sợ sệt, bởi trước khi bước chân vào trại cải tạo, họ đã được nghe nhiều người mô tả về nơi này như một vùng đất đáng sợ. Nhiều phạm nhân sau này khi về nơi cải tạo đã tâm sự rằng, rất ngỡ ngàng khi thấy khuôn viên trại sạch đẹp, ngăn nắp và qui củ, cán bộ thì niềm nở, quan tâm và chia sẻ.

“Tôi đã từng có suy nghĩ rất lệch lạc về trại cải tạo. Ngày tạm giam, nghe các bạn tù kể chuyện này, chuyện nọ ở trại giam, tôi đã tưởng tượng ra đó là một thế giới xa lạ, cách biệt và đầy rẫy sự đố kỵ, hận thù. Tôi từng khóc thầm vì nghĩ ở trại tạm giam còn thế này, đến lúc đi trại lớn chỉ có đường chết. Nhưng khi bước chân về Ngọc Lý, tôi lại không ngờ môi trường ở đây lại không phải như thế. Mọi thứ được sắp đặt qui củ, ngăn nắp, rõ ràng, khoa học. Cho dù có tới vài ngàn con người đang sinh sống mà chỗ nào cũng gọn gàng, sạch đẹp. Chỗ ăn ở, khu sản xuất đều quang đãng, vệ sinh và sạch sẽ”, phạm nhân Lương Tuấn Đạt, SN 1973 tại xã Gia Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Đạt vốn là một giáo viên dạy nhạc trường tiểu học, vì đam mê ca hát mà bỏ nghề, mở quán karaoke để kinh doanh và đi hát cho các đám hiếu hỉ. Dính dáng đến ma túy, Đạt bị kết án 4 năm tù, vào trại Ngọc Lý cải tạo từ tháng 8-2016. Hiện phạm nhân này đang cải tạo lao động ở đội mi giả, phân trại số 1.

Đại tá Nguyễn Bá Thắng đi thăm xưởng may trong trại giam và chia sẻ với những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hà My

Đại tá Nguyễn Bá Thắng đi thăm xưởng may trong trại giam và chia sẻ với những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hà My

Phân công lao động phù hợp để phạm nhân yên tâm cải tạo

“Mặc dù mục tiêu là tạo ấn tượng tốt để phạm nhân yên tâm cải tạo, chấp hành tốt nội qui của trại trong thời gian thi hành án nhưng anh em chúng tôi luôn xác định vị trí mình đang công tác có tính đặc thù riêng biệt, không giống như các phân trại khác. Nơi đây là tiếp nhận phạm nhân đến và cũng từ đây, phạm nhân được phân về các khu lao động. Họ làm việc thế nào, có phù hợp với sức khỏe, năng lực, tâm lý có thoải mái hay miễn cưỡng đều ít nhiều chịu ảnh hưởng khoảng thời gian lưu lại phân trại chúng tôi. Thế nên mọi công tác từ khâu khám sức khỏe, cho học nội qui đến việc tìm hiểu gia cảnh, năng khiếu, tâm tư nguyện vọng đều được tiến hành một cách cẩn trọng và tỉ mỉ. Mục tiêu là làm sao để phạm nhân yên tâm cải tạo”, ông Thắng cho biết.

Rồi ông kể về trường hợp phạm nhân tên là Nguyễn Đức Ngơi, có vợ cũng cải tạo ở trại giam Ngọc Lý. Vì lớn tuổi nên Ngơi được phân công lao động ở đội trực sinh, ngày ngày thu dọn rác bỏ vào xe kéo nhưng phạm nhân này lại tha thiết xin được đi làm ruộng. “Mấy lần đi ngang qua nơi phạm nhân này lao động, tôi thấy anh ta nét mặt đăm chiêu liền gọi vào hỏi chuyện. Ngơi nói muốn đi làm ruộng, vất vả cũng được. Tôi bảo đi rồi là không quay về nữa đâu nhé. Phạm nhân này cười tươi, rối rít bảo nghĩ kỹ rồi, không xin lại lần nữa đâu”, ông Thắng kể.

Gọi quản giáo phụ trách lên hỏi về trường hợp phạm nhân Nguyễn Đức Ngơi, ông Thắng biết được rằng sở dĩ Ngơi xin đi làm ruộng vì nghe nói lối ra đồng ngang qua phân trại nữ, nơi vợ anh ta cải tạo. Tuy nhiên, quản giáo lại không đồng ý với lý do Ngơi mắc bệnh thấp khớp, sức khỏe không cho phép để lội đồng.

Hôm sau, Phó giám thị Nguyễn Bá Thắng gọi phạm nhân Ngơi lên, trực tiếp nói chuyện với anh ta. Ông mô tả vắn tắt công việc sẽ phải làm khi ra đội sản xuất, phân tích cái hơn, cái được ở hai vị trí lao động rồi bảo phạm nhân này cứ suy nghĩ cho kỹ rồi hãy đưa ra quyết định. “Tôi bảo Ngơi là dù cải tạo ở vị trí nào thì Ban giám thị cũng tạo điều kiện để vợ chồng Ngơi mỗi tháng gặp nhau một lần, được ăn với nhau một bữa cơm chung. Cho anh ta 2 ngày để suy nghĩ nhưng mới gặp hôm trước, hôm sau Ngơi đã xin được gặp. Anh ta hết lời cảm ơn tôi và xin được ở lại đội cũ lao động. Sau lần đó, phạm nhân này tư tưởng thoải mái hơn, lần nào gặp tôi cũng tươi tỉnh chào”, ông Thắng kể.

Không chỉ quan tâm tới phạm nhân, thường xuyên nhắc nhở cán bộ cấp dưới làm tốt nhiệm vụ được giao, ông còn trực tiếp đi kiểm tra để kịp thời đôn đốc và chỉ đạo nếu xảy ra tình huống phát sinh. Ông bảo đây là nơi tập trung đông người sinh sống nên không thể chủ quan, bỏ qua bất cứ công tác nào.

Hỏi ông có bí quyết gì mà từ CBCS đến phạm nhân, khi gặp ông đều tỏ thái độ gần gũi, thân cận, vị lãnh đạo này cười hiền lành: “Muốn được người khác tôn trọng thì mình phải gương mẫu. Còn với phạm nhân thì chế độ chính sách phải đầy đủ, công khai. Môi trường làm việc phải thể hiện không khí thân thiện nhưng có phép tắc”.

Đó chỉ là điều khái quát mà ông Thắng cho chúng tôi thấy chứ để hiểu được nhiều hơn về Phó giám thị mấy chục năm công tác ở trại giam này chắc hẳn còn phải nhiều lần gặp gỡ nữa...

Hà My - Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-it-biet-ve-mot-pho-giam-thi-trai-giam-161254.html