Chuyện kể của một người mù: Chưa khi nào tôi tuyệt vọng

(Dân Việt) - Tôi sinh năm 1958, bên dòng kinh Vĩnh Tế trong một gia đình nghèo có 6 người con. Ký ức tuổi thơ tôi là những tháng ngày thiếu đói triền miên, đẫm mồ hôi và nước mắt.

Năm tôi 10 tuổi, cha mắc bạo bệnh qua đời. Thương mẹ oằn vai nặng gánh gia đình, tôi phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp mẹ mưu sinh.

Một năm sau, trong lần làm ở ngoài đồng, tôi va phải quả đạn M79 do chiến tranh sót lại và bị mất đôi mắt. Tôi suy sụp mất một thời gian. Lấy lại tinh thần, tôi mò mẫm đi từ nhà ra vườn rồi ra đồng, tập làm những việc đơn giản. Chẳng nhớ hết bao nhiêu lần vấp ngã, chảy máu, u đầu, tay chân thâm tím, có lúc lạc đường, suýt rơi xuống ao, mương... Nhờ chăm chỉ luyện tập, tôi đã thuộc lòng đường đi, quen với cây dao, cán búa, giúp mẹ nấu nước, quét nhà, chăn bò, nuôi vịt...

Dù không còn đôi mắt anh Khổng vẫn lão luyện trong việc chọn bò.

Như một sự đền bù của số phận, ngoài 20 tuổi tôi được một cô gái con nhà giàu đem lòng thương mến, đồng ý về chung sống dưới một mái nhà mặc cho gia đình cô quyết liệt phản đối, ngăn cản. Rồi 3 đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng tôi đã nghèo lại càng thêm khó. Hai vợ chồng thay phiên nhau đi làm, thức khuya dậy sớm để xắt khoai mì mướn cho các cơ sở làm bột. Tôi chẻ củi, cắt cỏ, cuốc đất, chăn bò, chỉ mong sao có đủ rau cháo qua ngày cho cả nhà.

"Dù thiếu đôi mắt nhưng mình vẫn còn có hai lỗ tai, hai bàn tay và mũi tinh hơn người khác, không thể để vợ con thế này mãi được", ý nghĩ ấy đã dẫn đường cho tôi đến với nghề buôn bán bò. Tôi tìm những người lái bò tài giỏi nhất trong vùng để học hỏi. Với người sáng mắt thì dễ, còn tôi, muốn biết bò tốt - xấu, mập- ốm, hay - dở phải tập trung cao độ các giác quan kết hợp với kinh nghiệm đã tích lũy được.

Chẳng hạn như muốn biết bò có khỏe hay không phải theo dõi tiếng khịt mũi. Còn muốn biết bò cày, bò kéo hay - dở phải chú ý bước chân của con vật nhanh hay chậm, mạnh hay yếu, nhất là tiếng rống của nó.Theo thời gian, tôi nằm lòng từng thủ thuật xem tướng bò, chỉ dùng tay sờ mó, vuốt ve cũng có thể chọn ra được những con bò thịt, bò đẻ hoặc bò kéo tốt. Chẳng thế mà nhiều người trong xóm ấp, khách hàng ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… đến Tịnh Biên đều thuê tôi chọn mua bò giúp.

Giờ đây, trong tay vợ chồng tôi thường xuyên có đàn bò hàng chục con, gần một mẫu ruộng. Các con tôi đã trưởng thành. Nhưng mãn nguyện nhất, tôi đã tự khẳng định giá trị của bản thân. Dù không còn đôi mắt nhưng tôi đã làm được những việc mà không phải những ai sáng mắt cũng làm được...

Anh Trần Văn Khổng (ấp Xuân Phú, xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang).

Biên Minh (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/92691p1c36/chuyen-ke-cua-mot-nguoi-mu-chua-khi-nao-toi-tuyet-vong.htm