Chuyện kể của những cựu binh

Cựu chiến binh sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người đều có riêng cho mình những câu chuyện kể. Điểm chung trong những câu chuyện đó là lòng tự hào về những gì mình làm được cho đất nước, người dân.

“Tự hào chúng tôi không chiêu hồi”

Cựu chiến binh Đặng Phước Sinh tham gia cách mạng từ năm 22 tuổi và từng là tù binh tại Phú Quốc. Ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương. Giờ đây, ông có quyền tự hào vì đã giữ trọn tấm lòng son sắt với Đảng, Bác Hồ và Tổ quốc. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Sinh đã giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh. Đến năm 1942, ông thoát ly đi bộ đội, hoạt động ở khu vực Đám lá tối trời. 4 năm sau, ông bị địch bắt, giam ở nhà tù Phú Quốc. 5 năm ở "địa ngục trần gian", ông và đồng đội vẫn giữ vững khí tiết người đảng viên.

Ông Sinh kể: “Hồi đó, bọn chúng chọn tôi với một số anh em nữa làm ban đại diện giúp việc cho bọn cai ngục. Tôi là thư ký. Làm ban đại diện, chúng tôi thường xuyên gần gũi với cai ngục. Bọn chúng phô bày cuộc sống sung sướng, quyền lực khi làm việc cho chế độ ngụy. Và điều khiến tôi rất tự hào là dù cho ở trong môi trường đó nhưng tất cả anh em chúng tôi đều không chiêu hồi”.

Cựu chiến binh Đặng Phước Sinh và bà Phạm Thị Phấn - vợ ông

Cựu chiến binh Đặng Phước Sinh và bà Phạm Thị Phấn - vợ ông

Là thành viên của ban đại diện nên ông Sinh có cơ hội đi lại giữa các buồng giam và các khu. Tận dụng điều đó, ông làm nhiệm vụ thông tin, liên lạc, góp phần vào việc thành lập và duy trì hoạt động các chi bộ Đảng. Ở vị trí thành viên ban đại diện, ông Sinh ra sức tạo lòng tin, tín nhiệm với bọn cai ngục để thuận tiện cho việc của mình. Không chỉ làm nhiệm vụ thông tin trong nhà tù, ông còn là mắt xích trong đường dây thông tin từ bên ngoài vào trong tù.

Ông Sinh nói: “Hồi đó, người nhà được gửi đồ vô thăm nuôi, gói đồ thăm nuôi bằng giấy báo, trong đó có thông tin từ bên ngoài chuyển vào cho anh em trong tù nắm được tình hình. Cai ngục thấy giấy gói là vứt ra hết. Tôi với mấy anh em ban đại diện giúp cai ngục khám xét đồ thăm nuôi và bí mật kiểm tra xem giấy gói nào có thông tin nhắn gửi của ta thì để qua một bên. Người khác âm thầm giấu đi để đưa cho anh em trong phòng giam khi có cơ hội”.

Thậm chí, ông Sinh và vợ còn dùng cả con mình làm “bồ câu” đưa thư. Khi ông Sinh bị kết án tù ở Phú Quốc, bà Phạm Thị Phấn - vợ ông đang hoạt động hợp pháp tại quê nhà và vừa sinh con chẳng bao lâu. Khi con tròn 1 tuổi, vợ ông đưa con đi thăm chồng. Lúc gặp, bà đưa con cho ông ẵm, trong lai quần của con có sẵn thư của tổ chức gửi vào. Ông vừa ẵm con dỗ dành, vừa bí mật lấy thư.

Có lần, địch nghi vấn nên bắt ông và một số đồng chí khác lên phòng tra tấn vì tình nghi ông đang là “đầu sỏ” các hoạt động đấu tranh trong tù. Chúng tra tấn, đánh đập dã man. Khi ông suy kiệt, chúng nhốt vào chuồng cọp, bỏ mặc suốt mấy ngày. Lần đó, có đồng chí đã hy sinh vì sự tàn ác của kẻ thù.

Đến năm 1973, ông Sinh được trả tự do và đưa ra Hà Nội điều trị, nghỉ ngơi, học tập. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về lại Long An làm việc ở Tỉnh đội, Ty giáo dục. Sau đó, ông được điều về làm Bí thư Chi bộ tại Trường THPT Cần Giuộc rồi chuyển sang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, sau đó nghỉ hưu.

Đất nước hòa bình, ông vừa tham gia công tác, vừa cùng vợ chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con. Giờ đây, cả 3 người con của ông đều đã có cuộc sống và công việc ổn định. Người cựu tù Phú Quốc hài lòng với cuộc sống của mình. Mỗi ngày, ông Sinh cùng vợ chăm sóc cây cảnh trước sân, thỉnh thoảng, ông bà cùng nhau ôn lại chuyện xưa.

Nhấp một ngụm trà, người thương binh 55 năm tuổi Đảng nói: “Với tôi, cuộc sống bây giờ là quá tốt rồi. Tôi và vợ đều được nhận chế độ đãi ngộ phù hợp. Các con có cuộc sống ổn định. Trách nhiệm với gia đình, với đất nước, chúng tôi coi như đã hoàn thành. Năm nào cũng vậy, cứ lễ, tết là địa phương có đoàn đến thăm, tặng quà. Hai năm một lần, tôi còn được đi nghỉ dưỡng theo chế độ nữa”.

Ở độ tuổi ngoài 80, ông Sinh cất giữ những ký ức hào hùng của mình như báu vật và luôn sẵn sàng chia sẻ lại để thế hệ sau hiểu rõ hơn những vất vả, hy sinh của người đi trước trong hành trình giành lại độc lập, tự do của toàn dân tộc.

“Quân ngũ rèn cho tôi tính chịu khó”

Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Phú Thạnh, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Rô là một trong 74 đảng viên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2017-2021). Ở khu phố Phú Thạnh, ông Rô nắm rõ từng hộ gia đình từ hoàn cảnh đến nhân khẩu và cả số điện thoại liên lạc. Những ngày dịch Covid-19 hoành hành, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông luôn tiên phong trong công tác phòng, chống dịch: Truy vết, phát lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tiêm ngừa,... Khi được hỏi vì sao ông không để lực lượng trẻ thay mình chống dịch, ông Rô cười: “Tôi nghĩ mình là bí thư chi bộ thì đi đầu là chuyện đương nhiên, với lại, thời gian ở trong quân ngũ đã rèn cho tôi tính chịu khó, không sợ gian nan”.

Còn sức khỏe, còn làm việc được là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Phú Thạnh - Nguyễn Văn Rô còn cống hiến

Tinh thần hết lòng vì công việc của ông không chỉ phát huy trong mùa dịch. Trước giờ, ông luôn là nòng cốt trong mọi công tác tại địa phương: Giữ gìn an ninh, trật tự, vận động người dân đóng góp làm đường, hòa giải, gắn kết tình làng, nghĩa xóm,... Ngoài việc ra sức vận động, ông còn tiên phong đi đầu, tạo động lực để người dân làm theo. Khu phố Phú Thạnh có 13 khu nhà trọ, số người nhập cư thuê trọ nhiều. Ông thường xuyên lui tới các khu nhà trọ để nắm rõ tình hình, nhắc nhở chủ trọ về việc bảo đảm an ninh. Ông cũng là một hòa giải viên “mát tay” khi hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp trong khu phố, hàn gắn tình làng, nghĩa xóm giữa các gia đình. Không cần phải có đơn thư, khi nắm được thông tin về sự bất hòa của gia đình hoặc xóm giềng trong khu phố là ông có mặt, tìm hiểu và lựa lời khuyên giải.

Trước đây, ông Rô là bộ đội, sau khi xuất ngũ, ông về công tác tại thị trấn Tầm Vu, được tín nhiệm vào các vị trí: Phó Chủ tịch UBMTTQ, Chủ tịch UBMTTQ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục cống hiến cho địa phương với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố. Với ông Rô, còn sức khỏe là còn làm việc, phục vụ cho Đảng, cho người dân vì ông luôn tự hào mình đã và đang tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình. Ông Rô kể: “Hai cậu của tôi, bác tôi, ba vợ và chú vợ tôi đều là liệt sĩ, ngoại vợ tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng, ba ruột tôi cũng có công với cách mạng nên tôi rất tự hào mình là cựu chiến binh, là đảng viên. Con gái út của tôi cũng là đảng viên được 10 năm rồi”.

Ông Sinh, ông Rô đều là những cựu binh đã cống hiến thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Những câu chuyện của họ xứng đáng để thế hệ sau học tập, noi theo./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ke-cua-nhung-cuu-binh-a138799.html