Chuyện kể từ những người 'sống sót' trên sàn thương mại điện tử

'Thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào' là tình trạng khá phổ biến trên sàn thương mại điện tử... Điểm yếu then chốt của những người khởi nghiệp trên sàn này là quá tự tin vào sản phẩm của mình, biểu hiện ở nhiều khía cạnh như không/chưa biết đối thủ là ai...

Buổi ra mắt sách Cất cánh trên sàn thương mại điện tử của tác giả Trần Lâm (Sáng lập và CEO Công ty TNHH Natural House, đồng sáng lập Công ty TNHHLoli&TheWolf, sở hữu 5 thương hiệu Julyhouse, Macaland, Loli&theWolf, HevieFood và Bub&Mum với hơn 150 mã sản phẩm) tại TP.HCM cuối tuần rồi được cộng thêm giá trị gia tăng nhờ sự góp mặt của những khách mời có bề dày thực chiến trên sàn thương mại điện tử, chia sẻ kinh nghiệm “trày vi tróc vảy” trong quá trình phát triển sự nghiệp kinh doanh.

Không đòi hỏi nguồn vốn quá lớn, tiết kiệm chi phí mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiến kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hấp dẫn giới khởi nghiệp. Tuy nhiên, thị trường ngày càng khắc nghiệt. Những người "sống sót" sau nhiều năm "cày xới" trên nền tảng thương mại điện tử chia sẻ thất bại nhiều hơn là những bài học thành công.

Các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm thương trường tại sự kiện ra mắt sách Cất cánh trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Đào Thế Vinh, sáng lập thương hiệu thời trang Midori, được biết đến như người đầu tiên tổ chức bán áo thun giá 99 ngàn đồng/cái trên nền tảng thương mại điện tử. Giá vốn tốt là lợi thế cạnh tranh khiến anh mạnh dạn triển khai bán hàng. Thị trường lập tức phản ứng bầy đàn. Những tay chơi rần rần tham gia cạnh tranh bằng giá. Tất cả đều thua, cuộc đua xuống đáy. Khẩu vị tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Vinh tốn thêm hai tháng để quay lại thị trường áo thun.

Trước đó, Vinh cũng từng thất bại tương tự với mỹ phẩm chi phí thấp. “Mỹ phẩm giá rẻ khiến người tiêu dùng hoài nghi, liên tưởng đến kem trộn. Càng rẻ càng không bán được”, Vinh nhận xét điểm yếu then chốt của những người khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử là quá tự tin vào sản phẩm của mình, biểu hiện ở nhiều khía cạnh: không/chưa biết đối thủ là ai; thị trường thay đổi như thế nào; sản phẩm có phù hợp để kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hay không;…

Bùi Đức Thiện, người sáng lập thương hiệu giày Erosska, lại chủ động dừng phát triển sản phẩm khi đang thắng lớn với sản phẩm giày thể thao nhờ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp từ bên kia biên giới tiềm ẩn rủi ro. Kênh nhập hàng dịp cuối năm thường trục trặc, nhất là vào những kỳ nghỉ dài ngày. Kịch bản xấu nhất là chuỗi cung ứng đứt gãy. Thiện cùng đồng sáng lập ra quyết định có tính bước ngoặt, dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam.

Dịch chuyển chuỗi cơ bản thất bại. Hàng mẫu mã xấu hơn, chi phí lại cao, kéo tụt doanh số có thời điểm đến 90%. Khai tử dòng sản phẩm giày thể thao, Thiện khai sinh giày nữ đế cao thương hiệu Erosska. Công nghệ phức tạp hơn thời trang may mặc vô hình trung trở thành một trong những rào cản gia nhập ngành. Giày nữ Erosska sản xuất bởi chuỗi cung ứng Việt khởi sắc.

Theo doanh nhân Trần Lâm thì “thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào” là tình trạng khá phổ biến trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: CTV

Đồng tình, tác giả cuốn sách Cất cánh trên sàn thương mại điện tử cho rằng có nhiều yếu tố mang đến lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như am hiểu kỹ thuật bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Với sản phẩm tinh dầu, tác giả cuốn sách nhận xét không có rào cản gia nhập ngành đồng thời quy mô thị trường sử dụng tinh dầu tự nhiên cũng không đủ lớn do sử dụng tốn thì giờ. Giải pháp tập trung vào cải tiến phương thức sử dụng theo hướng tiện lợi, bằng cách sử dụng tinh dầu dạng chai xịt có công dụng xua đuổi muỗi, côn trùng. Thay đổi quy cách sử dụng mở rộng quy mô thị trường.

“Thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào” là tình trạng khá phổ biến trên sàn thương mại điện tử. Theo Trần Lâm, cần trả lời hàng loạt câu hỏi trước khi quyết định tham gia chia phần. Có lợi thế cạnh tranh hay không? Năng lực cốt lõi liệu giúp mình chiếm được bao nhiêu phần trăm thị phần, tương ứng với nguồn lực và năng lực triển khai, có xứng đáng để mạo hiểm hay không? “Phần lớn thất bại trên sàn thương mại điện tử là do chạy theo xu hướng”, tác giả Trần Lâm nhận định.

Doanh nhân Đào Thế Vinh tiếp lời: “Kinh doanh thời trang mà không theo xu hướng là thua. Chai rượu tồn kho hai năm có thể bán được giá cao hơn. Nhưng thời trang mà tồn kho ba tuần thì xem như bỏ”.

Về phần Bùi Đức Thiện, anh cho rằng những người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cầm chắc thất bại nếu thiếu mục tiêu cụ thể. Nhìn vào tình hình khó khăn của thị trường khi sức mua giảm, người sáng lập thương hiệu giày Erosska đề cao “linh hoạt có tính kỷ luật” ở những mô hình kinh doanh nhỏ, mạnh dạn cắt bỏ chi phí những hạng mục không hiệu quả, tập trung nguồn lực tổng tấn công khi mà những ông lớn cồng kềnh, chậm chạp xoay chuyển. Bản thân Bùi Đức Thiện cũng đã dẹp một văn phòng 600m2, gom lại trong không gian 45m2 nhằm tiết giảm chi phí.

Sau 11 năm làm việc tại nhà máy sản xuất tinh dầu từ vai trò kỹ sư đến giám đốc nhà máy, Trần Lâm quyết định khởi nghiệp. Vỏn vẹn 6 tháng, Trần Lâm quay trở lại vai trò người làm thuê, trước khi từng bước gầy dựng cơ nghiệp doanh thu hằng năm trên dưới 70 tỉ đồng.

Bìa cuốn sách Cất cánh trên sàn thương mại điện tử.

Văn phong mộc mạc, cuốn sách không chỉ ghi chép lại hành trình kinh doanh của tác giả, từ lúc khởi sự làm tất tần tật từ nghiên cứu, vấp ngã cho đến khi đưa công ty khởi nghiệp Cất cánh trên sàn thương mại điện tử. Lồng ghép trong từng thời đoạn kinh doanh là những thử nghiệm, kinh nghiệm, kỹ năng, mô hình thực chiến…

Đành rằng khó có một mẫu số chung của thành công nhưng nội dung trình bày mạch lạc, chi tiết theo từng phân kỳ, kỳ vọng sẽ có nhiều ý nghĩa, nhất là với những cá nhân đang loay hoay, bối rối tìm đường khởi nghiệp.

Nói như Lê Thảo Nhiên, COO của Đồng hồ Hải Triều, rằng: “…, hãy xem cuốn sách này không phải chỉ để đọc, mà hãy sử dụng nó như một checklist (được hiểu là toàn bộ những công việc, nhiệm cụ thể để đảm bảo hoàn thành một quy trình nào đó một cách hiệu quả nhất) đáng tin cậy trong hành trình xây dựng và vận hành trên sàn thương mại điện tử của bạn. Hoặc bạn cũng có thể đọc để lấy cảm hứng và cất cánh”.

Khuê Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-ke-tu-nhung-nguoi-song-sot-tren-san-thuong-mai-dien-tu-41667.html