Chuyên khảo độc đáo về nghệ thuật viết kịch bản truyền hình

Chiều ngày 24.2, tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt sách chuyên khảo Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình và giao lưu với tác giả PGS-TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú.

Cuốn sách Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình là tập hợp những ghi chép về trải nghiệm của tác giả sau quãng thời gian dài gắn bó với lĩnh vực điện ảnh cũng như “…không rõ nhờ cơ duyên hay sự say mê thôi thúc nào gắn bó đã khiến tôi khó dứt ra được nghiệp truyền nghề trong lĩnh vực này”, PGS-TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú bộc bạch.

Tác giả bày tỏ mong muốn, cuốn sách chuyên khảo sẽ có ích đối với những người quan tâm, yêu thích; có ích cho công tác đào tạo và cho cả những người được đào tạo hoặc độc giả tự đào tạo theo nghề viết kịch bản phim truyện truyền hình.

PSG-TS. Đỗ Lệnh Hồng Tú chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Nhận định về Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình, nhà văn, tiến sĩ nghệ thuật học Lê Ngọc Minh cho rằng, cuốn sách có ba điều thú vị: là cuốn sách đáng đọc, cần thiết và dễ đọc.

Cuốn sách đáng đọc là ở chỗ, ngay từ những trang đầu, tác giả đã giới thiệu cho độc giả các thông tin, các kiến thức phong phú đa chiều về nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển của truyền hình và phim truyện truyện hình. Từ đó, giúp cho mỗi độc giả thêm các kênh hiểu biết, phương thúc tiếp cận về sự liên ngành nghệ thuật, về mối liên tài của đội ngũ sáng tạo, về sự bổ ích và trải nghiệm không gian nghệ thuật nghe nhìn số đông, mà tuổi đời được coi là trẻ nhất trong bảy loại hình nghệ thuật kinh điển.

Bên cạnh đó, đây là chuyên khảo khá cần thiết cho tất cả những ai yêu thích công việc viết kịch bản và làm phim truyện truyền hình; cho những người nghiên cứu giới thiệu và quảng bá cho loại hình nghệ thuật này; và cho các sinh viên tu nghiệp trong lĩnh vực truyền thông về phim ảnh, đặc biệt là sinh viên các lớp biên kịch, đạo diễn tại các cơ sở phát hiện đào tạo nguồn lực mới cho ngành Điện ảnh và ngành Truyền hình.

Bìa sách Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình.

Cuốn sách sẽ giúp người đọc tiếp nhận một cách hệ thống, chiêm nghiệm một cách cặn kẽ và hấp thu một cách bài bản, thế nào là ngôn ngữ điện ảnh; hiểu về đặc trưng của thể loại phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình…

Đồng thời, công trình Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình là cuốn sách dễ đọc bởi cách trình bày bố cục khá mạch lạc theo hướng tạo trụ cột và sự lan tỏa, tạo điểm nhấn và chu trình quy nạp.

Điều thú vị nhất trong cuốn sách là tác giả đã chứng minh khá thuyết phục về đặc trưng bản chất nhất của ngôn ngữ điện ảnh, thứ ngôn ngữ sâu rộng mênh mông như bể đã và còn sẽ thu hút cả một rừng văn nghệ sĩ tài năng, các chuyên gia hàng đầu về phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình đàm luận, kiến giải bằng sáu chữ: “Nhìn thấy được” và “Nghe thấy được”. Sáu chữ mà nói được đầy đủ nhất bản chất và bản sắc nhất của ngôn ngữ điện ảnh.

Ngoài ra, cuốn sách còn hấp dẫn người đọc bởi tác giả của nó vốn xuất thân là một họa sĩ điện ảnh nên ông đã đưa vào công trình nghiên cứu nghệ thuật của mình một hệ thống minh họa bằng tranh ảnh khá phong phú và ấn tượng. Các tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh thượng dẫn đã góp phần tôn vinh thêm nội dung các phần kiến văn, dẫn giải, minh chứng bằng các ví dụ sinh động, tạo ra nhiều lực hấp thu sự hiếu kỳ của độc giả.

PGS-TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú ký tặng sách cho độc giả.

Chuyên khảo dài 640 trang bao gồm 6 chương, được ấp ủ và thực hiện trong 6 năm, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của tác giả ở nhiều lĩnh vực mỹ thuật, truyền hình, điện ảnh cùng nhiều nguồn khác chắc chắn sẽ giúp cho những ai yêu thích các lĩnh vực nói trên có được những tri thức, những kiến văn tin cậy, những thủ pháp nghề nghiệp khai phóng, kiến tạo năng động, tránh được các lối đi đường vòng.

Cùng với đó, khi đọc cuốn sách độc giả sẽ luôn được hồi quang về hàng trăm bộ phim truyện truyền hình tiêu biểu, có dấu ấn điểm mốc phát triển của lĩnh vực nghệ thuật nghe nhìn qua các thời kỳ của nước ta và một số nền phim truyện truyền hình phát triển, có thành tựu lớn trên thế giới.

PGS-TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú sinh năm 1957 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1976 và có thời gian làm việc tại Xưởng thiết kế mỹ thuật Hãng phim truyện Việt Nam.

Từ năm 1979-1985, ông theo học thiết kế mỹ thuật ở Liên Xô, sau đó tốt nghiệp bậc thạc sĩ, tiến sĩ Nghệ thuật học tại Việt Nam.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú được biết đến qua vai trò họa sĩ chính của một số phim như Nụ hôn đầu đời (1996), Lời tạ từ trong mưa (2004)... đồng thời là tác giả kịch bản phim truyện, phim tài liệu, hoạt hình, trong đó ở lĩnh vực truyền hình có phim Đảo ngọt (trên kênh VTV8, 2014).

Ông tham gia công tác giảng dạy ở lĩnh vực mỹ thuật, truyền hình, điện ảnh từ 1996. Từ năm 2021, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú giữ chức chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-khao-doc-dao-ve-nghe-thuat-viet-kich-ban-truyen-hinh-38485.html