Chuyện không có trong bài giảng

Kon Plông là một huyện vùng sâu của tỉnh Kon Tum, xã Kon Pling, lại là một xã vùng sâu của huyện Kon Plông. Ở đây có một điểm trường dành cho học sinh bán trú tiểu học của đồng bào thiểu số với 61 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Từ đây về điểm trường chính nằm ở xã Hiếu đến 20 cây số.

Ảnh minh họa/INT

Các thầy cô giáo dạy điểm trường này đều trên dưới chục năm, người dạy lâu nhất là 15 năm - thầy Hà Anh Nhất. Mỗi tuần, nếu muốn về thăm nhà, các thầy cô giáo ở điểm trường này phải vượt quãng đường ngót nghét trăm cây số đường rừng và đèo dốc. Riêng thầy Hà Anh Nhất thì phải vượt… 130 km.

Chiều thứ 6 về nhà, chiều Chủ nhật trở lại trường. Chỉ cần sau 2 - 3 năm, các thầy dạy ở điểm trường này đều có thể tự vá xe máy nếu thủng xăm và các “bệnh” lặt vặt khác của xe. Vì không tự sửa được mỗi lần xe hỏng hóc thì chỉ có cách là quăng xe xuống suối chứ không thể dắt bộ ngần ấy quãng đường.

Lên dạy các điểm trường vùng sâu, vùng xa, tất cả các thầy cô giáo đều được nhận một lời hứa: Sau 5 năm, nếu dạy tốt, không bị kỷ luật gì thì sẽ được “hạ sơn”. Dĩ nhiên, ai lên dạy vùng cao mà chả “dạy tốt”, không dạy tốt không được chứ họ chả cần phải phấn đấu gì. Dạy cho con em đồng bào dân tộc mà. Nhiều khi để dạy cho chúng nói tròn tiếng một chữ, thầy cô giáo phải tập phát âm méo cả mồm chứ chả chơi.

5 năm rồi 10 năm và… vô số năm sau đó, lời hứa đã đi theo gió. Mà cũng khó cho những người đã hứa, vì tìm người thế chân bây giờ đâu dễ dàng gì. Thôi thì các thầy tự động viên nhau “các em có thêm được cái chữ là mình có thêm niềm vui rồi”.

Thế rồi, bỗng… có người thế chân thầy Nhất. Người thế chân lại là một cô giáo. Hay tin có người về thế mình, thầy Nhất vui như hội nhưng khi biết người nọ là một cô giáo, thầy chối từ, tiếp tục ở lại xã Kon Pling.

Lý do thật đơn giản: Mình là đàn ông thì nhận cái khó về mình, thế thôi. “Cô giáo mà đi xa thêm 20 cây số đường rừng thì cái khó được nhân lên như cả trăm cây số” - cái lý do để thầy ở lại chỉ có vậy thôi. Người vui nhất trước quyết định đó không chỉ là cô giáo nọ, mà còn có cả những ánh mắt trẻ thơ của các em ở điểm trường này.

Làm một người thầy tốt trong mắt mọi người không chỉ là việc truyền dạy kiến thức cho các em, đôi khi, lòng tốt còn ở chỗ biết chia khó cho đồng nghiệp nữa.

Cũng ở Kon Tum, tại huyện Đắk Glei có một ngôi trường mà tất cả các cô giáo ở đây đều thành “đầu bếp”. Tại điểm trường này có 60 em ở thôn Long Nang, sau giờ học buổi trưa phải đi bộ gần 2 tiếng về nhà ăn cơm rồi quay lại trường học tiếp buổi chiều.

Nhiều em bé quá, đi bộ vất vả nên… bỏ học luôn. Để giữ chân học trò, các thầy cô giáo ở đây đã vận động trong trường hình thành một “bếp ăn tập thể” dành cho số học sinh này. Các em có gì góp nấy nhưng chủ yếu vẫn là các thầy cô của trường bớt đi đồng lương ít ỏi của mình để hỗ trợ các em.

Giải pháp này tỏ ra hiệu quả hơn tất cả những câu khẩu hiệu mà các thầy cô đã từng nghe. 60 em học sinh tiểu học ở Long Nang ấm bụng từ tấm lòng của các thầy cô. Làm thầy ở vùng cao không chỉ biết dạy chữ, mà còn phải biết “dạy” các em cách để tồn tại trước rồi mới học chữ sau.

Những chuyện trên đây chưa bao giờ có trong bài giảng các thầy nhưng chúng ta tin, các em sẽ mang theo suốt cuộc đời mình.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-khong-co-trong-bai-giang-4048611-b.html