Chuyện không cũ ở các liên đoàn thể thao

Câu chuyện nhân sự của mỗi liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia luôn nhận được sự quan tâm của dư luận và người trong nghề. Nhưng dù người tham gia các liên đoàn, hiệp hội thể thao là ai thì mấu chốt vẫn là họ sẽ làm được gì để đáp ứng kỳ vọng của những người trong cuộc.

Không dễ chọn người

Trong thời gian tới, nhiều liên đoàn, hiệp hội của các môn thể thao tại Việt Nam sẽ tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ nhằm chọn những người phù hợp vào ban chấp hành và vị trí quản lý. Tuy thế, việc chọn nhân sự cũng không hề dễ dàng.

Sự vững mạnh của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các VĐV trẻ phát huy hết khả năng.

Liên đoàn Bắn súng Việt Nam chuẩn bị Đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ 7 trong bầu không khí khác hẳn trước Đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ 6. Khi đó, sau thành công của bắn súng Việt Nam tại Olympic 2016 với việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB, không khí trước Đại hội thực sự như ngày hội. Không kể, sự quan tâm của dư luận dành cho bộ môn bắn súng đã gia tăng đáng kể nên việc thu hút các doanh nhân vào liên đoàn để đóng góp cho liên đoàn cũng gây chú ý. Đến khi liên đoàn có bộ khung mới với việc Chủ tịch liên đoàn là một doanh nhân, còn Tổng thư ký là nhà chuyên môn có uy tín trong nghề thì người ta đã tin vào một tương lai xán lạn của bắn súng Việt Nam.

Nhưng rồi trong cả nhiệm kỳ, bắn súng Việt Nam vẫn chưa có thêm đột phá về thành tích. Thậm chí trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên đội tuyển bắn súng Việt Nam còn “trắng” HCV tại đấu trường SEA Games (năm 2019). Ở sân chơi Olympic, bắn súng Việt Nam cũng phải đến bằng cửa phụ và từ đó cũng có những ồn ào nhất định về người tham dự. Trong khi đó, liên đoàn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 7 chậm gần 2 năm so với dự kiến. Đã vậy, gần đây dấy lên những ồn ào khác về việc một số vị trí chủ chốt sẽ không tham gia liên đoàn khóa 7 do những câu chuyện hậu trường. Thậm chí lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng đã tổ chức cuộc gặp với những người có trách nhiệm ở liên đoàn để tìm hiểu vấn đề trước Đại hội nhiệm kỳ 7, nhưng mọi chuyện vẫn chưa đi đến đâu.

Liên đoàn quyền Anh Việt Nam cũng có những vấn đề nhất định về nhân sự trước Đại hội nhiệm kỳ 2. Cũng như Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, sau Đại hội nhiệm kỳ 1 (2015-2019), đã có sự lạc quan nhất định khi vị trí Chủ tịch liên đoàn là một doanh nhân, còn vị trí Tổng thư ký người điều hành trực tiếp là người của Tổng cục TDTT. Đó là mô hình nhân sự mà đến lúc đó vẫn được coi là chuẩn, bảo đảm sự hài hòa giữa người làm chuyên môn với người tham gia ở góc độ xã hội hóa, có thể giúp liên đoàn phát triển.

Nhưng rồi quá trình hoạt động của liên đoàn nhiệm kỳ 1 cũng không tránh khỏi những ồn ào khi các vị trí có trách nhiệm vênh nhau về cách tiếp cận công việc. Cũng vì thế, khi thời hạn của nhiệm kỳ 1 đã kết thúc từ năm 2019 thì liên đoàn vẫn chưa thể tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2. Lý do được chia sẻ vẫn là cần thêm thời gian để tìm nhân sự phù hợp cho các vị trí chủ chốt của liên đoàn nhiệm kỳ 2.

Đi tìm sự hài hòa

Kỳ vọng của lãnh đạo ngành thể thao và người làm chuyên môn của từng môn là các liên đoàn, hiệp hội các môn thể thao hoạt động thực sự hiệu quả khi có sự xã hội hóa sâu rộng, giảm bớt các khâu trong quản lý, đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa đến mức tối đa. Cũng vì thế, phía ngành thể thao luôn mong lãnh đạo liên đoàn phải là một doanh nhân và đi cạnh là một Tổng thư ký – vốn là người của ngành thể thao.

Thế nhưng, rõ ràng cũng có sự vênh nhau nhất định trong cách điều hành ở một số liên đoàn có mô hình nhân sự như trên. Thế nên mới có chuyện ồn ào như ở một số liên đoàn đã kể. Thực chất của sự vênh nhau ấy thì chỉ người trong cuộc mới hiểu. Còn những người làm chuyên môn sâu thì lại không mong muốn cao xa.

Một huấn luyện viên boxing tại Hà Nội đã bảo rằng, không quá quan tâm đến nhân sự của Liên đoàn Boxing Việt Nam nhiệm kỳ 2 ra sao, như thế nào. Cuối cùng, vẫn phải là người đó đem lại những gì cho phong trào boxing tại Việt Nam, cho các đội tuyển boxing quốc gia. Trong đó, rõ nhất vẫn là VĐV có nhiều sân chơi trong nước và quốc tế hơn, boxing thu hút nhiều hơn sự quan tâm của giới trẻ, được truyền thông rộng rãi hơn.

Trong khi đó, một huấn luyện viên bắn súng khác tại Hà Nội cũng cho rằng, ai đến, ai đi ở Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 7 cũng quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là bầu không khí đoàn kết, cùng hướng đến mục tiêu chung là giúp bắn súng Việt Nam giành thêm nhiều huy chương quốc tế, giúp VĐV có điều kiện tập huấn quốc tế, bảo đảm đủ đạn tập luyện và thi đấu, phát huy hết khả năng chuyên môn…

Trong dòng chảy của thể thao Việt Nam, sẽ còn nhiều liên đoàn, hiệp hội quốc gia chuẩn bị ra mắt ở các môn như bắn cung, muay, karate, kick boxing, đấu kiếm, 3 môn thể thao phối hợp. Rõ ràng, công tác nhân sự vẫn được đặt lên hàng đầu để có sự cân bằng, hài hòa về chuyên môn và các ngành nghề xã hội hóa tham gia liên đoàn. Tuy nhiên, sau khi liên đoàn ra mắt và đi vào hoạt động như thế nào mới là điều quan trọng, bởi cần nhất vẫn là các bên tham gia phải phát huy hết vai trò của mình.

Thế nên câu hỏi “Vào liên đoàn, hiệp hội để làm gì và làm được gì?” vẫn chưa bao giờ cũ.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/chuyen-khong-cu-o-cac-lien-doan-the-thao-i658670/