Chuyện không giống ai ở Câu lạc bộ Sanna Khánh Hòa

Chỉ kiếm được vỏn vẹn 20 điểm sau 22 vòng đấu, cơ hội trụ hạng của Sanna Khánh Hòa đang trở nên rất mong manh. Đội bóng của HLV Võ Đình Tân sẽ phải nỗ lực tối đa trong 4 trận đấu còn lại để tiếp tục góp mặt ở V.League mùa tới.

Thế nhưng vấn đề của Sanna Khánh Hòa lớn hơn là kết quả của cả một mùa giải. Họ cần phải cải tổ từ gốc rễ nếu không muốn tiếp tục đóng vai “lót đường” tại sân chơi lớn nhất quốc gia.

Số phận long đong

Sanna Khánh Hòa mới chính thức thành lập từ năm 2013, nhưng đội bóng có lịch sử lâu đời hơn thế rất nhiều. Năm 1976, đội bóng Phú Khánh (lúc đó Phú Yên và Khánh Hòa vẫn còn là một tỉnh) được thành lập. Đội Phú Khánh tham dự giải vô địch quốc gia từ năm 1980 và giành nhiều thành tích đáng nể.

Năm 1989, Khánh Hòa và Phú Yên tách tỉnh. Đội Phú Khánh được chuyển về cho Khánh Hòa quản lý. CLB Khánh Hòa sau đó không có được sự ổn định, thường xuyên lên xuống giữa hạng Nhất và hạng Nhì. Năm 2005, Khánh Hòa được lên chơi ở V.League và giữ vị trí đến tận năm 2011.

Đến năm 2012, Khánh Hòa mới chính thức trở thành CLB bóng đá chuyên nghiệp thì cùng năm đó sau khi kết thúc mùa giải, do những khó khăn tài chính, các lãnh đạo CLB đã quyết định bán lại suất dự V-League 2013 cho Vicem Hải Phòng cùng với nhiều cầu thủ của đội hình chính, chỉ giữ lại vài trụ cột cùng ban huấn luyện để dẫn dắt đội hình 2.

Sanna Khánh Hòa lâm nguy ở V.League 2019.

Sanna Khánh Hòa lâm nguy ở V.League 2019.

Năm 2012, sau khi Khatoco Khánh Hòa giải thể, đội trẻ của đội bóng này được thành lập và có tên gọi là Sanna Khánh Hòa BVN. Năm 2013, Sanna Khánh Hòa BVN thi đấu ở Giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia và vô địch giải đấu này để giành quyền lên chơi tại V.League năm 2014.

Sự lận đận của Sanna Khánh Hòa xuất phát từ một tư duy làm bóng đá theo kiểu… Athletic Bilbao ở Tây Ban Nha. Nếu Bilbao chỉ tuyển mộ các cầu thủ xứ Basque thì Khánh Hòa chỉ dùng người địa phương hoặc các cầu thủ nội do chính họ đào tạo. Trên thực tế với chiến lược này, Sanna Khánh Hòa có một lực lượng không tồi. Họ đã có nhiều mùa giải thành công và gây được khó khăn cho những đội bóng có nguồn lực tài chính hùng hậu hơn nhiều. Tuy nhiên với nguồn lực bó hẹp, rất khó để Sanna Khánh Hòa có thể duy trì được sự ổn định trong khoảng thời gian dài.

Điều đó được thể hiện tương đối rõ ở mùa giải này. Dù phát biểu của HLV Võ Đình Tân về việc Sanna Khánh Hòa là đội duy nhất của V.League dám đá “xanh chín” với bất cứ đội bóng nào và luôn nói không với chuyện xin cho điểm là chính xác hay không thì rõ ràng sức mạnh của đội bóng phố biển cũng không đủ để họ có được một vị trí tốt hơn.

Các trụ cột của Khánh Hòa như Nhật Nam, Hữu Khôi, Trùm Tỉnh hay thủ môn Tuấn Mạnh đều không thuộc dạng sao số của bóng đá Việt Nam. Trong khi các ngoại binh như Toure và Zarour đã sa sút vì tuổi tác, không duy trì được nền tảng thể lực, còn tiền đạo Olivera đã đánh mất nhạy cảm trước khung thành đối phương.

Không có được nguồn lực đủ tốt, Sanna Khánh Hòa còn đang tự níu đà phát triển của mình bằng những chính sách tương đối bảo thủ, lạc hậu trong sự phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp. Đội bóng phố biển tự biến mình thành một “ốc đảo” với rất nhiều những điểm bất cập cần phải giải quyết để Sanna Khánh Hòa thực sự trở thành một CLB đủ sức cạnh tranh tại V.League.

Đội bóng của những sự lạ

Cần phải nói rằng, Sanna Khánh Hòa không phải đội bóng nghèo. Giàu thì tất nhiên không đứng hạng nhất, nhưng chưa bao giờ từ ngày lên chơi ở V.League, người ta được nghe nói về chuyện đội bóng nợ lương, tiền lót tay hay việc cầu thủ phải đình công để đòi quyền lợi.

Nhưng những ấn tượng mà Sanna Khánh Hòa tạo ra khiến người hâm mộ nghĩ rằng đây là một đội bóng luôn ở trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng”, thiếu trước nợ sau. Không một CLB nào tại V.League lại chỉ sử dụng xe bus để di chuyển khi thi đấu sân khách như Sanna Khánh Hòa, kể cả quãng đường có xa xôi như ra miền Bắc đá với Quảng Ninh hay vào miền Tây đá với Cần Thơ.

Chi phí đi máy bay hẳn không phải vấn đề, nhưng như chính một thành viên trong ban lãnh đạo từng phát biểu, Sanna Khánh Hòa “thích đi xe bus” để… thắt chặt tình cảm giữa những thành viên trong đội và nhắc nhở các cầu thủ về một thời khó khăn của đội bóng.

HLV Võ Đình Tân và các cộng sự cần sự thay đổi về tư duy làm bóng đá?

Cũng không có đội bóng nào tại V.League có trợ lý HLV lại “kiêm nhiệm” luôn cả chức vụ giám đốc của đội bóng. Trợ lý HLV Nguyễn Văn Đồng hiện cũng đang là giám đốc CLB. Bên cạnh việc chuyên môn ông Đồng cũng theo dõi và xử lý mọi vấn đề giấy tờ, thủ tục hành chính, đầu mối liên lạc với VFF và VPF.

Một người kiêm nhiệm nhiều vị trí đã là sự lạ, Sanna Khánh Hòa thậm chí còn lược bỏ những chức vụ rất cần thiết. Ví dụ như người phiên dịch. Từ nhiều năm nay, các ngoại binh đến với đội bóng phố biển gặp rất nhiều khó khăn bởi họ không có sự trợ giúp về ngôn ngữ. Không hiểu HLV Võ Đình Tân và các cộng sự dùng cách nào để giao tiếp với các ngoại binh mà phần lớn trong số họ vẫn hòa nhập tương đối tốt.

Về mặt tích cực, những sự “khác người” của Sanna Khánh Hòa giúp họ có một tập thể gắn kết, tình nghĩa và ít lùm xùm nội bộ. Ê kíp của HLV Võ Đình Tân đang có thời gian tại vị lâu nhất tại V.League và vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ các cầu thủ. Điều đó là tất yếu bởi HLV Võ Đình Tân luôn tạo cơ hội cho những người trưởng thành từ chính lò đào tạo của đội bóng. Mỗi năm Khánh Hòa chỉ tuyển thêm 1-2 tân binh và đưa các cầu thủ từ đội trẻ lên đội 1.

Chính HLV Võ Đình Tân từng thừa nhận phần lớn các cầu thủ đến Sanna Khánh Hòa đều có mối liên hệ với những người đang khoác áo đội bóng, họ trực tiếp xin số ông để đến thử việc. Thậm chí có những trường hợp như Đinh Bá Thiêm, chỉ cần một tấm ảnh thời còn khoác áo U21 Khánh Hòa đưa lên trang Facebook cá nhân và vô tình được một thành viên trong ban huấn luyện nhìn thấy, anh đã được mời đến đội bóng để thử việc.

Cách làm của HLV Võ Đình Tân hướng đến việc các cầu thủ có tính gắn kết với quê hương, từ đó xây dựng lòng trung thành và tính cống hiến. Thế nhưng trong bóng đá hiện đại của thời kỳ thế giới phẳng, cách làm ấy vô tình thu hẹp nguồn lực của Sanna Khánh Hòa, biến họ trở thành một đội bóng đậm tính địa phương và thiếu tính cạnh tranh trong bối cảnh mọi CLB khác đều sẵn sàng chi tiền để mang về những cầu thủ chất lượng.

Sự bảo thủ của Sanna Khánh Hòa để lại hậu quả thấy rõ ở V.League mùa này, khi họ không còn đủ khả năng thực lực để thi đấu sòng phẳng với các đối thủ. Đội bóng phố biển cần có một chiến lược phát triển thực tế hơn để theo kịp với thời cuộc.

Đội bóng không cần tiền

Những tay môi giới hay nôm na là “cò cầu thủ” luôn tránh Sanna Khánh Hòa bởi đây không phải là đất làm ăn của họ. Ngoài việc đội bóng luôn có định hướng chuyển nhượng ưu tiên các cầu thủ tự đào tạo và sinh ra ở Khánh Hòa, thì những thành viên của đội bóng cũng rất trung thành và sẵn sàng từ chối những lời mời hấp dẫn từ các đội bóng khác.

Trợ lý HLV Trần Thiện Hảo là một tấm gương sáng với các cầu thủ. Thời còn thi đấu, ông là trụ cột của Khánh Hòa cùng với những cái tên lừng danh như Hữu Đang, Đặng Đạo, Hoàng Anh Tuấn. Khi ở đỉnh cao phong độ, vị trợ lý sinh năm 1978 từng từ chối lót tay vài tỷ của Vissai Ninh Bình để tiếp tục cống hiến cho đội bóng quê hương.

Một trong những nguyên nhân khiến cho Khánh Hòa còn tương đối ung dung là việc họ nhận được khoản hỗ trợ lớn từ Công ty Yến sào Khánh Hòa Sanna. Bất chấp thành tích thiếu ổn định, Sanna vẫn rót đủ tiền để đội bóng duy trì hoạt động tương đối ổn. Trên Facebook, logo của CLB Sanna Khánh Hòa BVN luôn được xem là chủ đề chế giễu của số đông người hâm mộ bởi đây là logo nhà tài trợ Công ty Yến sào Khánh Hòa (Sanna), chứ không phải biểu tượng riêng của đội bóng.

Tuy nhiên nếu Khánh Hòa phải xuống hạng, nhiều khả năng nguồn tiền tài trợ của họ cũng sẽ không được như cũ. Đó cũng là động lực để họ phải thay đổi tư duy làm bóng đá. Trong bối cảnh hiện tại, việc Khánh Hòa tiếp tục chiến lược như hiện tại sẽ cản trở sự phát triển của họ.

Ngay cả một đội bóng giữ bản sắc triệt để như Bilbao cũng đang dần dần thay đổi. Năm 2017, cuộc trưng cầu trên tờ Marca cho thấy, 45% CĐV Bilbao đồng ý để CLB của mình mở rộng phạm vi chiêu mộ cầu thủ, thay vì chỉ khai thác nguồn lực từ xứ Basque. Chính các CĐV cũng hiểu rằng, việc cởi mở tư duy là điều bắt buộc để phát triển đội bóng.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/chuyen-khong-giong-ai-o-cau-lac-bo-sanna-khanh-hoa-559114/