Chuyện lạ: 1 xã có 9 trường học

(GD&TĐ) - Nhìn trên bản đồ, xã Ngọc Thanh ̣ nằm bao quanh cái hồ nổi tiếng mang tên Đại Lải, nhưng để đi từ thị xã vào đến điểm truờng cuối cùng trong xã phải mất 25 km. Đê đường đến trường cho học sinh được rút ngắn và thuận lợi, ngành GD& ĐT Phúc Yên đã mở đến 9 trường học ở xã này.

Trường Mầm non Ngọc Thanh C đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để kịp đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới 2013 - 2014.

Vùng đặc thù, GD đặc thù

Thông thường đối với xã miền núi dân số dưới 10.000 người chí có từ 3- 4 cơ sở GD bao gồm 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS. Tuy nhiên, với diện tích và số dân như vậy phải mở đến 9 trường học với 9 hiệu trưởng quả là điều khá đặc biệt đối với ngành GD.

Ông Lê Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên - cho biết: Từ lâu, ngành GD xác định đây là địa bàn xã thuộc diện khó khăn của tỉnh nên đã tham mưu cho các cấp chính quyền quy hoạch mạng lưới trường lớp một cách hợp lý nhất để tạo điều kiện cho HS đến trường không quá xa nhà. Điều đặc biệt hơn nữa ở xã này là có khá đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống (và cũng là xã duy nhất của cả tỉnh có HS dân tộc) nên càng được tỉnh, ngành quan tâm hơn.

Trước đó, năm học 2011 - 2012, xã có 7 đơn vị trường học, bao gồm 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học và 2 trường THCS. So với các đơn vị hành chính cấp xã mà có số trường như vậy cũng đã là quá nhiều. Nhưng vì xã có tới 21 thôn lại trải dài trên một diện tích rộng, địa hình phức tạp nên nhiều HS vẫn phải đến trường cách nhà 9 - 10 cây số.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2013 - 2014, trước đó Phòng GD đã tham mưu và được UBND thị xã đồng ý cho thành lập và xây dựng mới hoàn toàn một trường Mầm non thứ ba (Ngọc Thanh C), nâng tổng số đơn vị trường học lên 8 trường.

Bên cạnh đó, do có gần 1.000 HS dân tộc Sán Dìu ở các cấp học và nằm trên địa bàn khó khăn nên UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập và xây dựng mởi một trường Phổ thông dân tộc nội trú cũng nằm trên địa bàn xã. Điều rất mừng là đến đầu tháng 8/2013 trường đã tuyển sinh được ba lớp 6 đầu tiên với 87 HS.

Khó nên phải được ưu tiên

Theo Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Phúc Yên Đặng Việt Phú, xác định là địa bàn khó khăn nên xã Ngọc Thanh luôn được quan tâm và đầu tư đặc biệt về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ. 100% số trường đều được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố và đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường trong quá thiết kế xây dựng còn có hạng mục nhà công vụ cho GV.

Tính đến tháng 7/2013, Phòng GD&ĐT đã hoàn thành việc lập đề án và trình phê duyệt thành lập mới 4 trường mầm non trong toàn thị xã, trong đó có một trường mầm non ưu tiên cho xã Ngọc Thanh.

Về đội ngũ, hàng năm Phòng GD&ĐT thị xã Phúc Yên đã tiến hành rà soát, phân loại GV theo chuẩn nghề nghiệp. Trong năm học 2012 - 2013, Phòng đã tham mưu và thực hiện luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm một số CBQL trường học; điều động GV theo quy định để đảm bảo sự cân đối giữa GV các trường đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trong đó đặc biệt ưu tiên đến xã miền núi khó khăn Ngọc Thanh.

Tuy vậy, vị Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Phúc Yên cũng thừa nhận: GV công tác tại xã Ngọc Thanh vẫn còn nhiều tâm tư, nhiều trăn trở. Đây cũng là bài toán khó giải mỗi khi kết thúc năm học và chuẩn bị bước vào năm học mới.

Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Thanh B Nguyễn Trọng Tuấn (người ngồi bên trái).

Cái khó bó ... giải pháp

Trường THCS Ngọc Thanh B nằm ở thôn Tân An (là thôn cuối cùng của xã, chỉ cách Thái Nguyên gần 2km) được xây dựng hai tầng khá khang trang đáp ứng điều kiện học tập của 8 lớp với khoảng gần 200 HS.

Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Tuấn với hơn 20 năm công tác, trong đó có 12 năm gắn bó với trường cho biết: HS trong trường chăm học, có tính tự học cao, chất lượng và hiệu quả GD cao không kém các trường thuận lợi. Năm học nào nhà trường cũng có HS đạt giải HSG cấp thị xã và cấp tỉnh. Tỷ lệ HS của trường thi đậu vào THPT cao. Hàng năm, số HS đạt điểm vào ĐH, CĐ cũng cao. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, HS của trưởng đỗ hai trường ĐH Dược HN và ĐH Y Thái Nguyên.

Tuy nhiên, nói về điều kiện dạy và học nơi đây, thầy hiệu trưởng Nguyễn Trọng Tuấn không khỏi trăn trở. Là trường nằm khuất nẻo, dân thưa nên điều kiện học tập của HS gặp nhiều khó khăn. Học sinh muốn mua cuốn sách tham khảo cũng phải ra thị trấn cách trường gần 20 km. Phần lớn các em tốt nghiệp lớp 9 đỗ vào lớp 10 khi ra thị trấn học đều phải ở nội trú. Trong khi đó bản thân nhiều gia đình HS lại thuộc hộ nghèo trong xã.

Với nhà trường, khó nhất hiện nay là ổn định đội ngũ GV. Mặc dù trong năm học tỷ lệ GV không thiếu nhưng đến hết năm học lại có sự biến động. Mỗi dịp hè lại sợ GV làm đơn xin chuyển trường để đoàn tụ gia đình. Nhiều năm phải đến gần ngày khai giảng mới đảm bảo đủ số lượng GV theo quy định. GV đã thiếu ổn định, hay xáo trộn lại không đảm bảo về cơ cấu môn học. Có năm thì thiếu GV Lý, thừa Ngoại ngữ, có năm thì ngược lại.

Bài toán khó nhất cho các thầy cô giáo nơi đây chính là ôm mối tâm tư, trăn trở nhưng chưa tìm được giải pháp mang tính căn cốt.

Lý giải cho tâm tư này, thầy Tuấn chia sẻ: Trường vốn xa trung tâm, có 12 GV thì 11 người phải đi dạy xa nhà trên 15km, duy có 1 người nhà gần cũng cách trường 7 km. Mỗi khi mùa mưa đến, lũ ống về GV phải ngủ lại trường là bình thường. Đường đèo thưa vắng, nhiều suối nhiều ngầm bảo sao GV ngại vào đây dạy học. Nhiều GV trẻ chỉ nghe tên mỹ miều “suối nhảy nhót” là đã sởn da gà vì chỗ đó liên tục bị tai nạn.

Chia sẻ khó khăn này, ông Đặng Việt Phú - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Phúc Yên - thừa nhận: Hiện chế độ của GV đang dạy tại các trường trong xã Ngọc Thanh thực hiện theo quy định hiện hành. Nhiều GV muốn chuyển trường nên điều GV vào lấp bù là rất khó.

Giải pháp nhiều năm của ngành là thực hiện luân chuyển GV theo quy định. Ngoài ra, cũng phải chống cháy bằng cách biệt phái GV vào thay với thời gian 1 năm. Hy vọng trong tương lai, khi thế hệ HS trong xã tốt nghiệp trường nội trú và các trường trong thị xã sẽ học sư phạm ra trường về địa phương công tác mới mong giải quyết được vấn đề.

Trước thực tế này xem ra bài toán ổn định đội ngũ cho GV ở các trường trong đại bàn xã Ngọc Thanh vẫn còn nan giải.

Cùng là GV đứng lớp, cùng dạy trong cấp học nhưng người đi dạy xa nhà vất vả hơn chỉ được hơn 5% phụ cấp đứng lớp. Ngoài ra họ không có hơn bất kỳ một chế độ ưu đãi nào khác...

Ông Đặng Việt Phú - Trưởng phòng GD&ĐT Thị xã Phúc Yên.

Thanh An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201308/chuyen-la-1-xa-co-9-truong-hoc-1971865/