Chuyện lạ ở Long An: Dân muốn trả lại nhà cụm tuyến dân cư vượt lũ

Khi xây dựng khu dân cư vượt lũ, chính quyền kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho người dân vùng lũ có một nơi an cư, lạc nghiệp, hết cảnh chạy lũ. Thực tế, khi về đây, cuộc sống của họ như… lục bình trôi sông!

Anh bạn đồng nghiệp ở địa phương trong lúc “trà dư tửu hậu” bất ngờ “càm ràm” về tình cảnh cư dân trong khu vượt lũ nheo nhóc, đói ăn rồi lũ lượt bỏ nhà tha phương cầu thực… Cám cảnh, nhân lúc lũ về tràn đồng, chúng tôi vác ba lô vào “rốn” lũ Đồng Tháp Mười mục sở thị đời sống cư dân vùng lũ.

Thương phận đời như lục bình trôi

Hết kế sinh nhai trong mùa lũ, cư dân cụm dân cư vượt lũ phải đi mót lúa ăn. Ảnh: Trần Đáng

Những năm qua, lũ ít về, mà có về thì cá tôm cũng cạn kiệt như năm nay. Ầy vậy mà, giờ một số địa phương “rốn” lũ còn tổ chức phân lô mặt nước bán để khai thác thủy sản. Dân vùng lũ, nhất là những hộ sống trong khu dân cư vượt lũ “không có một cục đất chọi chim”, đã khó lại còn khốn hơn.

Chúng tôi “phượt” trên Quốc lộ N2, quẹo vào Quốc lộ 62 xuyên Đồng Tháp Mười khi hai bên đường lúa chín vàng đồng để về huyện đầu nguồn Tân Hưng (tỉnh Long An) – đây được xem là “rốn” lũ của Đồng Tháp Mười. Nước từ thượng nguồn đổ về đã ngấp nghé thắt lưng. Dọc theo mé sông, đây đó xuồng chèo, xuồng máy chất đầy lờ, lọp neo đậu sau chuyến đánh bắt cá tôm trên đồng nước nổi về.

Qua cầu 79 trên Quốc lộ 62, chúng tôi rẽ vào đường 819 rồi trực chỉ khu dân cư vượt lũ Vĩnh Lợi (Tân Hưng). Đứng trên đường 819 nhìn vào khu dân cư này, câu chuyện buồn của anh bạn đồng nghiệp chẳng thấm vào đâu. Hàng loạt căn nhà cấp bốn chạy dọc khoảng 2km của tuyến dân cư giờ trong tình trạng hoang tàn. Tường nhà rêu phong, vỡ toác, cỏ mọc, dây leo giăng chằng chịt. Nhiều căn nhà cửa đóng im ỉm đã nhiều năm làm chỗ cho chuột, gián trú ngụ…

Nghe đâu, khu dân cư này là 1 trong 28 cụm nhà vượt lũ của huyện Tân Hưng được xây dựng năm 2002. Những căn nhà rộng vài chục đến hàng trăm mét vuông, giá ưu đãi nhà và nền từ 10 - 20 triệu đồng/căn. Nhưng sau hơn chục năm hình thành, nơi này đang rơi vào hoang vắng.

Anh Năm Châu (Hồ Minh Châu) – Tổ trưởng Tổ 1 ấp Cả Nổ, ngồi buồn xo nhìn xa xăm ra cánh đồng nước mênh mông mùa lũ về khi nghe tôi hỏi tình cảnh khu dân cư này. “Không thể nói là tệ hơn. Khu dân cư nằm hoàn toàn trong tổ tui với hơn 120 căn nhà thì hiện nay hơn phân nửa đã bị bỏ hoang. Bà con bỏ đi tứ tán tìm kế sinh nhai, chứ ở đây lấy gì bỏ miệng. Gia đình tui cũng vậy thôi, 5 đứa con giờ tứ tán khắp các tỉnh thành tìm công việc. Tui với bả già quá rồi nên ở lại coi nhà” - anh Năm thổ lộ.

Chị chủ quán nghe lỏm câu chuyện chúng tôi, chép miệng xen vào: “Giờ ở đây toàn người già và trẻ em, có gì ăn nấy, lâu lâu có đoàn cứu trợ về là mừng húm vì biết sẽ có quà”.

“Lũ về cá tôm thừa mứa sao không sắm cái ghe, mua cái lọp đi bắt cá tôm sống qua ngày”? Nghe tôi hỏi, anh Năm Châu “sừng cồ”: “Làm gì có cá tôm mà thừa mứa? Mặt nước đã bị phân lô bán hết cho mấy ông nhà giàu rồi. Họ trúng thầu sẽ khoanh vùng tự do thu hoạch cá tôm, đâu có cho mình vô đánh bắt. Nếu đánh trộm, họ bắt được là tịch thu xuồng, lưới đó”.

Cũng theo anh Năm Châu, một số bà con thấy lũ về sốt ruột chia lại gói thầu từ người trúng thầu. Cứ mỗi cái lọp, tay lưới, đường nước đều được định giá riêng. “Ông Út ở trong khu này năm rồi chia lại đường nước hết 4 triệu đồng. Đánh bắt hết mùa nước ông chỉ thu được có 3 triệu đồng, lỗ “sặc máu” nên năm nay không dám nhận thầu lại” - anh Châu cười buồn.

Vừa bước vào khu dân cư Vĩnh Thạnh, chúng tôi đã bắt gặp ngay một đám lúa lẫn lộn rơm thóc ướt sũng nước phơi trên đường. Thấy chúng tôi xăm xoi đám lúa hạt ngả màu đen xậm, lão nông Trần Văn Cư từ nhà bước ra thều thào nói: “Nhà chẳng còn gạo ăn nên tối qua tui đi mót lúa bị ngập nước sót lại sau khi thu hoạch chạy lũ. Thấy đống lúa vậy đó, chứ cứ 10 phần khi phơi xong chỉ lấy được có 4 phần. Mùa này nhiều bà con ở khi dân cư này phải đi mót lúa sống, chứ giăng lưới, đặt lọp chẳng có cá tôm bao nhiêu” - ông Cư chia sẻ.

Ông Trương Văn Lắng – khu dân cư vượt lũ Vĩnh Lợi (Tân Hưng) với nắm thóc ướt sũng nước vừa đi mót về. Ảnh: Trần Đáng

“Huyện đã chỉ đạo các xã kiểm kê lại số lượng nhà bỏ hoang. Nếu các hộ không có nhu cầu ở nữa thì chúng tôi sẽ đề nghị họ làm cam kết trả lại để nhường cho các hộ có nhu cầu”.

Ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Tân Thành
(huyện Mộc Hóa)

Ông Đỗ Văn Quận – một cư dân ở đây cho biết thêm, không phải cứ vác bao đi mót lúa là có gạo ăn. Một số chủ không cho vào ruộng mót lúa dù lúa đã ngâm trong nước. Không trông chờ vào chuyện mót lúa, ông Quận phải đi đặt lọp bắt cá. Quần quật, bì bõm suốt ngày trong nước ông cũng chỉ kiếm được vài kg cá bán lấy tiền nuôi sống gia đình qua ngày.

“Khi nhà còn ở ven sông, nông dân nhờ nắm rau, mớ ốc, chăn nuôi gà vịt cải thiện đời sống. Giờ vào đây, đất chỉ đủ để cất nhà thì làm sao sống nổi” - ông Quận than thở.

Xin trả lại nhà!

Lý giải nguyên nhân bà con khu dân cư vượt lũ bỏ hoang nhà cửa, UBND huyện Tân Hưng cho rằng, dân vùng này đa số đều làm nghề chài lưới, phụ thuộc rất lớn vào con lũ. Nhưng những năm qua, lũ về ít, tôm cá dần cạn kiệt, dân thất nghiệp đành phải buộc rời bỏ nhà cửa đổ về Tiền Giang, Bình Dương và TP.HCM tìm việc. Phần lớn những người còn ở lại trên những tuyến dân cư này đều già yếu mất khả năng lao động, hoặc trẻ em.

Được biết, Long An có 10 huyện, thị xã nằm trong chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ bố trí cho hơn 33.700 hộ dân nằm trong 165 cụm tuyến dân cư vượt lũ (104 cụm, 61 tuyến). Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, chương trình cụm dân cư vượt lũ giai đoạn 2002 đến nay có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Qua hơn 10 năm triển khai, mới có khoảng 50% số hộ dân được hỗ trợ nhà vào ở. Mỗi hộ nằm trong chương trình sẽ được cấp nền, nhà và ưu đãi cho trả chậm tiền nợ trong thời gian 10 năm.

Ghé qua một số cụm tuyến dân cư vượt lũ, có thể thấy, ngoài các cum tuyến đang trong tình trạng tạm ổn, như ở xã Hưng Điền A, Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng); Thạnh Hưng, Hưng Điền, Hưng Điền B (Tân Hưng), còn có những cụm tuyến rất yếu kém về hạ tầng thiết yếu, thậm chí chưa có người lên ở hoặc có rồi cũng lại bỏ đi, như ở xã Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Đông, Bình Hòa Hưng (huyện Đức Huệ); Bình Hòa Tây (Mộc Hóa), Nhơn Hòa (Tân Thạnh), Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh (Tân Hưng)… Chung quy cũng ở chỗ nhiều hộ dân từ các vùng sạt lở vào định cư từ mấy năm trước đang phải đánh vật với đủ sự thiếu thốn trong cuộc sống.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, hiện có 250 hộ được cấp nền, nhà, sang nhượng nhà trái phép bằng giấy tay và gần 300 hộ bỏ nhà đi làm ăn xa không liên lạc được. Số hộ này còn nợ tiền vay từ chương trình hơn 2,5 tỷ đồng.

Ngồi tỷ tê với lão nông Lâm Văn Sâm ở khu cụm tuyến dân cư vượt lũ Vĩnh Lợi, tôi mới biết ông còn nợ chương trình hơn 20 triệu tiền nhà đất. Hơn 10 năm nay, ông chưa trả được đồng nào. Tôi bảo, chính quyền đang kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà của người dân, có thể sẽ thu hồi dứt điểm nợ, sau đó sẽ xem xét cấp nhà mà dân không có nhu cầu cho hộ khác. Nghe vậy lão nông cười méo xệch: “Tui 87 tuổi rồi, giờ chỉ sống một mình với tiền trợ cấp người già hơn 200.000 đồng/tháng. Mấy ổng muốn làm thì làm”.

Tại cụm dân cư xã Tân Thành - một trong 15 cụm tuyến vượt lũ của huyện Mộc Hóa, đang có hơn 20 căn nhà vắng chủ, nhếch nhác. Và rộng hơn, ở Long An đang có khoảng 150 hộ không muốn ở tại cụm vượt lũ nữa nên đã làm đơn xin trả lại nhà...

Trần Đáng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/chuyen-la-o-long-an-dan-muon-tra-lai-nha-cum-tuyen-dan-cu-vuot-lu-802950.html