Chuyện làng, chuyện họ ở Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm, tên gọi chung cho cả 5 làng là Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm hợp thành, quả đúng là một 'bảo tàng di sản' tự nhiên vào loại nhất nhì cả nước.

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 55km, làng cổ Đường Lâm, tên gọi chung cho cả 5 làng là Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm hợp thành, quả đúng là một “bảo tàng di sản” tự nhiên vào loại nhất nhì cả nước. Chỉ tính từ năm 938, năm mà Ngô Quyền, một người con của làng Đường Lâm đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng thì làng sơ sơ cũng đã “thọ” những mười một thế kỷ.

Ra Giêng tôi lên Đường Lâm. Quốc lộ 32 từ nội thành Hà Nội nối với thị xã Sơn Tây mới được nâng cấp nên xe chạy chả mấy chốc đã tới làng. Lý do để tôi chọn hôm nay là bởi dịp này lòng người thư thả nên dễ cảm nhận những đổi thay của cây của lá, của đất của trời và để có thời gian nghe hết chuyện của làng.

Sau khi bước qua cánh cổng gỗ để bước vào trong tôi mới “choáng”. Ngôi nhà mà nhà văn Hà Nguyên Huyến đang ở cùng gia đình đã có tuổi cỡ 300 năm. Một ngôi nhà có kiểu thiết kế thuần Việt và khá hợp lý. Cổng vào nhà làm kề dãy nhà ngang và ngay cuối sân.

Nhà ngang là nơi dành cho sinh hoạt đời sống, đó là nơi ngồi chơi nghỉ ngơi sau khi đi làm đồng về, là nơi ăn uống thường ngày, là nơi khách mới đến ngồi tạm chờ gia chủ chuẩn bị thủ tục để đón khách cho chu đáo. Nói chung nhà ngang là nơi người ta có thể ăn nói bỗ bã một chút chứ không như ở trên nhà chính.

Nhà chính cách nhà ngang bởi một mảnh sân gạch, đây là nơi dành cho sự trang trọng, tôn quý và mến mộ. Nhà văn Hà Nguyên Huyến, một người Đường Lâm chính gốc, người đã mời tôi lên Đường Lâm chơi, đã nói ngay khi tôi vừa chạm cửa: “Tưởng là sẽ cách biệt nhưng thực ra là rất gần gụi. Mỗi khi có giỗ chạp hay việc quan trọng, mọi người trong nhà trong họ lại rất quây tụ chứ không phải kiểu nhà phố những bốn năm tầng, ai ngồi tầng nào biết người tầng nấy, ai nói ở đâu thì ở đấy nghe”.

Quả đúng như ông nhà văn nhìn vẻ bề ngoài hơi “bụi bụi”, sự thâm thúy và có khuôn có phép hóa ra lại đảm bảo cho sự “tôn ti trật tự”, nét ấy giờ tôi mới nhận ra đó chính là “sợi dây níu kéo và duy trì dòng họ” hiệu quả nhất và thuyết phục nhất.

Nhà cổ Đường Lâm.

Nhà cổ Đường Lâm.

Dòng họ Hà của nhà văn Hà Nguyên Huyến đã sống ở Đường Lâm chừng hơn bốn trăm năm nay và cùng với các dòng họ như: Họ Phan, họ Phùng, họ Ngô, họ Hà, họ Giang, họ Đỗ, họ Nguyễn… lập nên những dòng họ lâu đời và danh giá nơi đây. Tuy nhiều họ nổi danh nhưng ở Đường Lâm các dòng họ lại khá đoàn kết và nương tựa vào nhau.

Xong chén nước chè ngọt giọng, nhà văn Hà Nguyên Huyến đọc thong thả đọc đôi câu đối theo đề nghị của tôi “Tiên tổ ân thâm đông hải đại. Tộc chi nghĩa trọng thái cao sơn”. Tuy chút hiểu biết về “nho nhe” của tôi hạn chế, nhưng tôi cũng hiểu đây là một câu đối rất sâu sắc, rất ý nghĩa, đúng là “ân nghĩa của tổ tiên rộng lớn như biển Đông. Tấm lòng của người trong gia tộc lớn như núi Thái Sơn”.

Chuyện nhà lân sang chuyện họ. Chuyện họ lân sang chuyện làng. Tôi nhớ đến câu nói của cái ông nhà văn rất giỏi viết văn và cũng rất tài viết và đọc chữ Nho này. Nhớ ông đã bảo “Làng ông là cái bảo tàng lớn ấy” nên tôi bèn hỏi: “Vậy theo ông thì bảo tồn di sản làng cổ, ta sẽ phải làm thế nào?”.

Chưa đợi tôi xong câu hỏi, nhà văn Hà Nguyên Huyến nói thẳng tưng: “Phải giữ cho được và làm thật tốt công việc làm ruộng”. Không làm ruộng thì đâu còn là một cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước được Nhà nước công nhận năm 2005.

Và nếu là như thế thì chúng ta lấy gì để nói với các nước trong khối ASEAN, với thế giới rằng: Chúng tôi có một nền nông nghiệp cổ cách đây cả mấy trăm năm. Bằng chứng hết sức thuyết phục là “làng Việt cổ Đường Lâm” với các công trình kiến trúc (vật thể) và các thiết chế văn hóa (phi vật thể) hiện đang tồn tại ở Đường Lâm. Vấn đề là làm ruộng như thế nào trong thời đại 4.0 này”.

Nghề làm tương truyền thống ở Đường Lâm.

Ờ mà ông nhà văn sinh năm Mậu Tuất này nói ra xem chừng có lý. Vốn thuộc huyện Phúc Thọ xưa, vùng đất dưới chân non Tản này lại kề giáp với sông Hồng nên đặc điểm địa hình có nhiều cái hay. Làng quê vừa có những thửa ruộng, những cánh đồng trồng lúa nước có từ thời người Việt cổ, lại có cả những vạt đồi gò, những chân ruộng trũng và trầm tích hay vỉa đá ong đan xen vào cả trong làng.

Sự đa dạng ngay trên một vùng đất cho dù mang đặc điểm gì thì cuối cùng nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Sống nhờ nông nghiệp và dựa vào nông nghiệp cho đến hôm nay vẫn không thay đổi và không nên thay đổi. Có thay đổi chăng là thay đổi nền nếp canh tác, thay đổi giống cây trồng truyền thống bằng những giống cây trồng mới đêm lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến kể: “Tôi có một người bạn cùng làng mấy năm gần đây sáng sáng ra đình Mông Phụ bán ổi. Hỏi ra mới biết người bạn này chuyển mấy chân ruộng hay khô hạn vì nền đất cao sang trồng ổi. Giống ổi lai quả to, thịt thơm, nước ngọt hóa ra lại được nhiều du khách đến làng tham quan tìm mua. Ngày ít dăm chục cân, ngày nhiều cả tạ. Thu nhập của người bạn khấm khá lắm”.

Phương châm không bỏ nông nghiệp, mới chỉ một ví dụ mà nhà văn Hà Nguyên Huyến đưa ra đã thấy hay hay. Đồng đất Đường Lâm, nhất là những chân ruộng cao hay sát đồi gò rất thích hợp cho việc trồng hoa.

Cái thuận là nơi đây kề giáp với sông Hồng nên việc lấy đất mầu ngoài bãi sông về cải tạo đồng ruộng để canh tác hoa chất lượng cao khá thuận. Đấy là chưa nói tới việc trồng cây đặc sản để làm ra sản phẩm đặc sản cũng đem lại cho người dân nơi đây thu nhập không kém mấy so với kinh doanh.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến (trái) trong ngôi nhà cổ 300 tuổi của mình.

Với vùng quê có đặc điểm địa hình xen lẫn và đặc điểm quần cư làng xã gắn kết như đã nói thì công nghiệp và đô thị khó “vươn” tới đây được. Lợi thế này là một đảm bảo cho làng cổ không bị “trào lưu thời thượng xâm hại”. Cái khó nhất là bảo toàn kiến trúc nhà cửa, hạ tầng cơ sở vẫn “giữ” được “cổ” mà người hàng ngày sinh sống ở nơi đây không bị “thua thiệt” với những tiện ích mà cuộc sống xã hội hiện nay đã và sẽ có.

Tôi hỏi “Chẳng lẽ người dân cứ phải ở trong những ngôi nhà xuống cấp và chất lượng thấp mãi sao?”. Ông nhà văn dừng tay bút lông, ngẩng mặt nhìn tôi rồi nói “Ai mà chịu thế. Người dân Đường Lâm trong cái khó đã ló cái khôn chứ”. Thì ra bên cạnh ý thức bảo tồn vốn cổ đã được ăn sâu vào tiềm thức và được nâng cao là việc người dân nghĩ ra cách “mới mà vẫn cũ”. Theo đó, nhà có thể xây mới hoặc sửa sang cho mới tuy làm bằng chất liệu cao cấp nhưng quan trọng là ba khâu: Độ cao, kiểu dáng và vật liệu.

Độ cao thì dễ rồi. Đấy cái chuyện lên phố ăn cỗ đấy. Có cụ có ông có bà chỉ bước vào tầng một đã thở bở hơi tai rồi nói gì bảo họ leo cầu thang lên tầng 4 tâng 5 thắp hương khấn vái. Bởi thế cứ làm nhà 3 gian 2 trái là hợp nhất. Vả lại đất làng tuy không “nở” nhưng cũng còn khá thoáng rộng, tội gì mà làm nhà cao cho nhọc.

Còn kiểu dáng thì cũng dễ rồi, căn cứ vào độ cao là ra kiểu dáng. Cuối cùng là vật liệu làm sao cho bền cho chắc thì cũng dễ rồi. Nhà văn Hà Nguyên Huyến bật mí: “Bên trong thì cứ bê tông cốt sắt. Bên ngoài ốp gạch đá ong hay sơn giả gỗ làm xong tuốt”. Ơ mà hay đấy nhỉ. Nhất định là tôi sẽ học cách này.

Một góc làng cổ Đường Lâm.

Bữa trưa cũng tới. Bà vợ nhà văn Hà Nguyên Huyến bưng mâm lên mời khách. Trên mâm ngoài rau thịt ra không thể thiếu được bát tương Đường Lâm do chính tay nhà làm.

Bà vợ ông Huyến nói khéo: “Bác xơi thử xem tương nhà chúng em có ngon bằng tương làng Bần nhà bác không?”. Chao, khéo đến thế, tôi cười: “Tương Bần nhà tôi chỉ dành cho chấm cá. Tương Đường Lâm được dành cho chấm thịt. Quan trọng là mình ăn món gì thì chấm tương nào mới hợp. Mà hợp thì mới ngon”.

Chúng tôi lại cùng cười và tôi đã được dùng một bữa ăn ở nhà ngang mới thú vị chứ. Cứ cảm tưởng như mình đang ngược trở về cả một thế kỷ ấy. Lòng quê dấy lên chộn rộn. “Hồn cốt quê còn thì làng quê mãi còn”, lại một câu nói chí lý nữa mà tôi được biết.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/chuyen-lang-chuyen-ho-o-duong-lam-532751/