Chuyển mạng giữ số: Nhà mạng nhỏ không vui

TGTTO Dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) nếu không nhiều lần lỡ hẹn thì đã được triển khai thực tế từ hai ba năm trước. Thậm chí cơ quan quản lý - Bộ Thông tin và Truyền thông còn ra chỉ thị quyết tâm triển khai từ đầu 2018 nhưng rồi, đến nay, MNP tiếp tục lỡ hẹn.

Tại cuộc họp giao ban tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông cách đây ít hôm, đại diện Cục Viễn thông cho biết các nhà mạng lớn đã sẵn sàng triển khai, riêng mạng Gmobile cho biết không tham gia còn Vietnamobile sẽ sẵn sàng từ 1/1/2019. Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo giữ đúng tiến độ triển khai kế hoạch chuyển mạng giữ số như đã đặt ra là từ cuối tháng 11/2018.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng nhấn mạnh sẽ không chờ đợi, dù hai doanh nghiệp sẵn sàng cũng thực hiện. Doanh nghiệp viễn thông nào chưa kịp triển khai ngay có thể làm đề xuất báo cáo với Bộ.

Việc Vietnamobile chỉ sẵn sàng cho chuyển mạng giữ số (MNP) từ đầu năm 2019 còn Gmobile chưa tham gia có thể do nhà mạng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các phương án kinh doanh cho MNP. Nhưng cũng có thể do “nỗi niềm biết tỏ cùng ai” của các mạng di động nhỏ này trong cuộc chơi MNP.

MNP và xu hướng “di cư” của thuê bao

Chuyển mạng giữ nguyên số là dịch vụ cho phép người dùng được giữ nguyên số thuê bao của nhà mạng A nhưng chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng B. Ví dụ thuê bao VinaPhone 0913666xxx sẽ được chuyển sang mạng Viettel, sử dụng các dịch vụ (gọi, sms, data, các dịch vụ giá trị gia tăng…) của Viettel và vẫn được giữ nguyên số 0913666xxx này.

MNP cho phép người dùng được giữ nguyên số thuê bao của nhà mạng A nhưng chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng B.

Trước nay, rất nhiều người dùng than phiền về chất lượng sóng, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà mạng nhưng không thể chuyển sang nhà mạng khác (ngoại trừ việc sử dụng một thuê bao mới của nhà mạng khác) do số thuê bao đang dùng đã sử dụng từ lâu, nhiều mối quan hệ cũng thông qua số điện thoại hoặc là số đẹp nên không muốn chuyển.

Vì thế, người dùng đã phải “ngậm bồ hòn” với nhà mạng khi không hài lòng, không thỏa mãn và thậm chí bức xúc với dịch vụ, chính sách chăm sóc khách hàng của nhà mạng mình sử dụng.

Nhưng với MNP, những “rào cản” để người dùng rời mạng mà vẫn giữ nguyên số sẽ hoàn toàn được xóa bỏ. Vì thế, MNP được xem là dịch vụ có lợi rất lớn và được người dùng mong sớm được áp dụng.

Đại diện một nhà mạng cho biết, trên thế giới, xu hướng MNP thông thường sẽ dịch chuyển từ 10-15% lượng thuê bao trên thị trường. Trung bình sự dịch chuyển thuê bao của mỗi nhà mạng là 5-10%. Vị này còn lo ngại rằng số lượng thuê bao của mạng mình chuyển đi có thể lên tới 15% nhưng lượng thuê bao chuyển về chỉ khoảng 5-7%.

Với những mạng có lượng thuê bao lớn như Viettel khoảng 50 triệu hay VinaPhone và MobiFone khoảng 20-30 triệu thuê bao thì việc mất 7-10% thuê bao (nếu xảy ra) sẽ mất đi tới hàng triệu thuê bao, điều này cũng có nghĩa sẽ tác động không nhỏ đến thị phần, doanh thu và lợi nhuận của nhà mạng.

Ngược lại, nhà mạng nào nhận được tỷ lệ thuê bao chuyển đến này sẽ có cơ hội lớn để gia tăng thị phần, gia tăng lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của mạng mình.

Thực tế trên thế giới, tại một số quốc gia khi triển khai MNP, có những nhà mạng đang đứng vị trí số 3 đã vươn lên vị trí thứ 2 nhờ MNP. Chính xu hướng dịch chuyển của thuê bao đã giúp cho nhà mạng thay đổi thị phần trên thị trường.

Vì sao nhà mạng nhỏ không vui?

Lý do khiến thuê bao chuyển mạng (giữ số) gồm, thứ nhất là chất lượng sóng, như sóng yếu, gọi bị rớt mạng, tốc độ mạng (data) chậm; thứ hai là chính sách, dịch vụ chăm sóc khách hàng; và thứ ba là xu hướng công nghệ (như 4G).

Yếu tố giá dịch vụ cũng là một trong những lý do, tuy nhiên, hiện nay mức cước di động nói chung đã khá rẻ, từ nhiều năm nay người dùng đã không còn quan tâm về cước, đặc biệt là cước dịch vụ gọi và tin nhắn. Thêm nữa, mức chênh lệch cước dịch vụ giữa các nhà mạng (chủ yếu là nhóm nhà mạng lớn và mạng nhỏ) là không lớn. Vì thế, yếu tố giá có thể tác động đến xu hướng dịch chuyển thuê bao nhưng không quá lớn.

Yếu tố giá có thể tác động đến xu hướng dịch chuyển thuê bao nhưng không quá lớn.

Một chuyên gia viễn thông cho rằng, việc thuê bao chuyển mạng có thể vì họ chán quá không muốn ở lại, do bức xúc với nhà mạng (chất lượng mạng, từ dịch vụ chăm sóc khách hàng…).

Vị này phân tích, đối với chính sách, dịch vụ chăm sóc khách hàng thì các mạng đều phải thay đổi, đều phải làm tốt lên và đều có thể làm tốt như nhau, nghĩa là đều đáp ứng tốt và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Theo ông, sẽ không có nhà mạng nào muốn thuê bao nhà mạng mình “nhảy” sang mạng khác (khi vẫn giữ được số thuê bao cũ) chỉ vì chất lượng dịch vụ chăm sóc kém, gây bức xúc cho khách hàng.

Hai yếu tố còn lại là hạ tầng mạng lưới và công nghệ (4G). Rõ ràng, trong cuộc đua này, các nhà mạng lớn có lợi thế hơn khi sở hữu hệ thống hạ tầng mạng lưới rộng khắp cả nước, chất lượng sóng tốt. Trong khi đó, các mạng nhỏ có số lượng trạm ít hơn, băng tần yếu hơn, do vậy chất lượng sóng yếu hơn. Ngoài ra, yếu tố công nghệ 4G – xu hướng tất yếu đáp ứng cho nhu cầu sử dụng dữ liệu hiện nay, đặc biệt là đối với lớp khách hàng trẻ, thì các nhà mạng lớn cũng có lợi thế hơn rất nhiều khi cũng có một hạ tầng 4G phủ rộng khắp cả nước.

Yếu thế về hạ tầng mạng lưới nói chung cũng như hạ tầng 4G nói riêng sẽ là một thách thức không nhỏ cho các nhà mạng nhỏ cho cuộc chơi MNP, nhất là những yếu tố này không thể giải quyết ngày một ngày hai.

TRUNG ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chuyen-mang-giu-so-nha-mang-nho-khong-vui-15404.html