Chuyện 'máy bay lạ' và Tiếng hát trên đảo Sơn Ca

Bình yên mà không bình yên, đó là hoàn cảnh của quần đảo Trường Sa thân yêu.

Các chiến sĩ luôn chắc tay súng để giữ vững vùng đảo ở cực Đông của Tổ quốc. Và chính trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, trong lần ra thăm Trường Sa, đoàn văn nghệ sĩ đã chứng kiến sự xuất hiện của “máy bay lạ” và một bài thơ đã ra đời, được nhạc sĩ Thế Hiển đồng cảm phổ nhạc ngay trong chuyến hải hành: Tiếng hát trên đảo Sơn Ca.

Toàn cảnh đảo Sơn Ca

Toàn cảnh đảo Sơn Ca

Trường Sa xa xôi cách trở, người lính canh giữ hải đảo luôn cần chăm sóc đời sống tinh thần. Vì vậy, các đoàn ra thăm Trường Sa thường có mặt các văn nghệ sĩ để sáng tác, biểu diễn, truyền hơi thở ấm áp từ đất liền đến với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc ở cực Đông.

Lần đầu tiên có một đoàn văn nghệ sĩ đông đảo ra thăm Trường Sa là do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2012, một chyến đi đạt nhiều kết quả đáng khích lệ về sáng tác và biểu diễn phục vụ chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Đó là đoàn “TP Hồ Chí Minh đến với Trường Sa thân yêu” rất hùng hậu, do bà Thân Thị Thư - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo dẫn đầu, còn đạo diễn Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lo tổ chức chương trình.

Ngoài một số vị lãnh đạo thành phố, còn lại thành phần của đoàn là các văn nghệ sĩ tên tuổi của tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật và giới báo chí.

Đông nhất là giới âm nhạc và sân khấu. Đây là lực lượng chủ lực biểu diễn phục vụ trực tiếp các chiến sĩ Trường Sa, với các nhạc sĩ, ca sĩ: Thập Nhất, Tạ Minh Tâm, Thế Hiển, Lê Vinh Phúc, Ngô Tùng Văn, Phạm Hoàng Long, Viết Duy, Võ Hạ Trâm, Ngọc Khánh, Giang Hồng Ngọc, Ngọc Anh, Quỳnh Nhi…

Nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng tham gia trong đoàn này lần đầu ra Trường Sa.

Từ cảng Cát Lái, đoàn văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đi trên tàu HQ936 hết 3 ngày 2 đêm đến điểm đầu tiên là đảo Song Tử Tây ở cực bắc quần đảo Trường Sa. Đi đến đâu, đội xung kích của đoàn cũng được tổ chức biểu diễn.

Những đảo lớn như Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn nhờ có thời gian nên đoàn cử đội xung kích ở lại đảo biểu diễn ban đêm. Còn những đảo nhỏ như Sơn Ca, Đá Thị, Len Đao, Đá Tây… và nhà giàn DK1 thì tranh thủ biểu diễn ban ngày. Nhạc sĩ, ca sĩ thì hát ca khúc hay vọng cổ.

Các nhà thơ thay nhau đọc thơ. Còn các họa sĩ âm thầm vẽ tốc ký phong cảnh hoặc chân dung các chiến sĩ.

Đúng vào sáng ngày 30/4, tàu HQ936 đưa đoàn “TP Hồ Chí Minh đến với Trường Sa thân yêu” tới thăm đảo Sơn Ca. Sau khi nghe đảo trưởng báo cáo tình hình của Sơn Ca, một chương trình giao lưu văn nghệ bắt đầu.

Được đón một đoàn gồm nhiều nữ ca sĩ trẻ xinh đẹp của Sài Gòn, những người lính trẻ trên đảo rạo rực tươi vui. Đảo Sơn Ca nhỏ bé như chao nghiêng trong lời ca tiếng hát điệu múa của những bạn trẻ yêu đời nhưng không quên nghĩa vụ với Tổ quốc thiêng liêng.

Thế rồi một câu chuyện bất ngờ diễn ra. Giữa lúc ca sĩ trẻ Quỳnh Nhi đang hát bài Vùng trời bình yên của nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm thì chợt có còi báo động réo vang từng hồi giục giã vì “máy bay lạ” xuất hiện trên bầu trời đảo Sơn Ca.

Các chiến sĩ đang hứng khởi với giọng hát nồng nàn của cô ca sĩ trẻ đã vội vàng ôm súng chạy phóng vào công sự sẵn sàng chiến đấu. Đoàn văn nghệ sĩ ngơ ngác, người chạy vào nhà, kẻ chạy xuống công sự theo các anh. Một số khác thì bình tĩnh nhìn chiếc máy bay lạ trên bầu trời Sơn Ca.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên trên một chuyến tàu ra thăm Trường Sa

Chiếc máy bay lạ điềm nhiên bay ngang vùng trời đảo Sơn Ca rồi xa dần xa dần về phía tây, đáp xuống đảo Ba Bình. Đây là đảo san hô có diện tích lớn nhất quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm cách đảo Sơn Ca 6,2 hải lý (11,5 km) về phía tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý (20,4 km) về phía đông bắc.

Tuy nhiên, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh ở nước ta, Đài Loan đã điều tàu chiến đến chiếm đảo Ba Bình từ cuối năm 1946, xây dựng đảo này thành “pháo đài” quân sự kiên cố và các cơ sở kinh tế bề thế.

Hai họa sĩ Siu Quý và Trần Phước Vinh cũng bình tĩnh tốc họa những bức tranh sống động về thời khắc đặc biệt “máy bay lạ” xuất hiện để tặng cho các chiến sĩ giữ chắc tay súng.

Không chỉ ở Sơn Ca mà đi đến bất cứ đảo nào, và ngay cả trên tàu giữa mênh mông biển cả, hai họa sĩ cũng luôn sáng tác, vẽ nên những bức ký họa xúc động.

Riêng với họa sĩ Siu Quý, một người con của Tây Nguyên xuống học tập và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, lần đầu đến với Trường Sa đã mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc.

Khi chiếc máy bay của Đài Loan đáp xuống đảo Ba Bình thì đảo Sơn Ca bình yên trở lại. Sự xao động diễn ra trong vòng hơn 15 phút. Nghệ sĩ MC Tạ Minh Tâm mời mọi người quay về sân khấu để tiếp tục chương trình văn nghệ.

Các anh lính trẻ lại tươi cười hồn nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Và ca sĩ Quỳnh Nhi lại thánh thót cao giọng hát Vùng trời bình yên. Cảm hứng dâng trào, nhà thơ Phan Hoàng đã tức tốc sáng tác bài thơ Tiếng hát trên đảo Sơn Ca đọc ngay trong chương trình văn nghệ:

Em hát về vùng trời bình yên

đảo bỗng nhiên báo động

tiếng sơn ca ngơ ngác giữa trùng khơi

Sau lớp sóng dịu êm âm ỉ bao trận bão

dưới tán lá bàng vuông rễ bám san hô máu thanh xuân

Những mái chèo hùng binh cha ông ra giữ đảo

hoang vu bình minh lảnh lót tiếng sơn ca

đàn đàn cá thiêng tung mình nhảy múa

chống gươm gõ bát hát sao khuya…

Người lính trẻ ngày nay ngồi lặng nghe em hát

từng ánh mắt lượn vòng

từng ngân rung ngực sóng

từng âm giọng vút cao

bùng cháy khát khao tiếng võng ầu ơ

Em hát về vùng trời bình yên

đảo bỗng nhiên báo động

báo động rồi đảo trở lại bình yên

em lại hát

sơn ca lại hót

cá thiêng lại tung mình nhảy múa

sóng lại ru hiền hòa êm ái

mặt trời gối giấc mơ đất liền

hoa bàng nở

lại vuông”

Hoa bàng vuông ở Trường Sa là thứ hoa kỳ lạ, chỉ nở khi hoàng hôn xuống, khi “bầu trời gối giấc mơ đất liền”. Đồng cảm với nhà thơ Phan Hoàng, người bạn đồng hành là nhạc sĩ Thế Hiển đã phổ nhạc bài thơ Tiếng hát trên đảo Sơn Ca được các ca sĩ trình bày ngay trong chuyến đi và nhiều chương trình về sau.

Chẳng những có được tác phẩm mới từ thơ Phan Hoàng, mà nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển còn có một kỷ niệm đẹp không thể nào quên trong chuyến hải hành này, đó là anh nhận quyết định và được tổ chức buổi lễ phong Nghệ sĩ ưu tú ngay trên tàu HQ936 khi đang lênh đênh giữa vùng biển Trường Sa thân yêu của Tổ quốc!

Đặng Tường

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/ban-doc-viet/chuyen-may-bay-la-va-tieng-hat-tren-dao-son-ca-3395478/