Chuyện một cơ sở cách mạng kiên trung dưới chân núi Hòn Tàu

Làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, H.Quế Sơn (Quảng Nam) nằm dưới chân núi Hòn Tàu được biết đến là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây có một gia đình cơ sở cách mạng kiên trung mà những đóng góp của họ được đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) nhận xét: 'Thật là một tấm lòng vàng, trung với nước, hết lòng với Đảng, tình nghĩa ấy cao như núi Trường Sơn, bao la như Biển Đông'. Đó là gia đình ông Đoàn Sơ.

Làng dưới chân núi Hòn Tàu.

1. Tháng 10-1940, Tỉnh ủy Quảng Nam liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Chùa Hang thuộc xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành. Đồng chí Hồ Tỵ, phái viên của Xứ ủy tham dự và phổ biến nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939). Sau Hội nghị, đồng chí Hồ Tỵ bị bắt, các đồng chí tham dự Hội nghị Chùa Hang cũng bị địch truy lùng, bắt bớ. Trước tình hình đó, cơ quan chỉ đạo của Tỉnh ủy phải chuyển từ Tam Kỳ ra Thăng Bình rồi lên Quế Sơn, dựa vào vùng núi Nghi Sơn, Nghi Hạ, Nghi Trung thuộc xã Quế Hiệp. Tại đây, cơ quan Tỉnh ủy về đứng chân trong một thời gian dài tại nhà đồng chí Đoàn Sơ.

Trước đó, đồng chí Nguyễn Sắc Kim được Tỉnh ủy cử ra Nghi Sơn cùng với đồng chí Ngô Thanh Tuần liên lạc với đồng chí Đinh Dương nắm tình hình sinh hoạt của các hội ái hữu. Tháng 11-1940, đồng chí Nguyễn Sắc Kim, thay mặt Tỉnh ủy lâm thời quyết định thành lập tại Nghi Sơn một chi bộ đảng, gồm 6 đảng viên: Đinh Dương, Đinh Dương Liễu, Đinh Xuân, Đoàn Sơ, Đinh Phấn, Trần Quới, do đồng chí Đinh Dương làm Bí thư (bí danh là chi bộ Lạng Sơn). Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và trực tiếp là chi bộ Lạng Sơn, phong trào cách mạng ở Nghi Sơn có bước phát triển mạnh mẽ. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng nói chung, Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam chọn Nghi Sơn làm nơi đứng chân để chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh và miền Trung Trung Bộ.

Gia đình đồng chí Sơ, một gia đình có ruộng vườn cỡ trung nông. Ông có người cha già chất phác, hiền lành, tuy không hiểu biết nhiều về cách mạng nhưng biểu lộ lòng trung thành với cách mạng rất nhiệt tình. Vợ ông là người phụ nữ đôn hậu, đảm đang việc gia đình, làm công tác phụ nữ trong thôn xóm, nhiệt tình, tận tụy hết lòng nuôi nấng bảo vệ cán bộ thoát ly.

2. Lần theo ký ức của cô Đoàn Võ Thị Kim Ánh (nguyên Quyền Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng), con gái của đồng chí Đoàn Sơ, tôi được biết ông tên thật là Đoàn Viết Sửu. Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, gia đình đồng chí Đoàn Sơ sớm tham gia cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Cô Ánh chia sẻ: "Tôi không hình dung cụ thể về hình ảnh của cha, vì chỉ có một lần được gặp vào năm 1956, lúc đó tôi mới 3 - 4 tuổi. Sau này khi lớn lên, được gặp ba Công (cô Ánh là con nuôi của đồng chí Võ Chí Công-TG), qua lời kể của ba Công, tôi mới biết được cha ruột mình là một tấm gương cách mạng kiên trung".

Theo lời kể của cô Ánh, thời gian Tỉnh ủy đứng chân tại nhà ông bà nội cô ở Nghi Sơn, lúc bấy giờ cha và ông bà nội của cô là người tích cực giúp đỡ, giữ bí mật, tham gia bảo vệ để các cán bộ của Tỉnh ủy, Xứ ủy hoạt động. Năm 1942, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh bị địch đàn áp, đồng chí Đoàn Sơ bị bắt giam tại nhà lao Quế Sơn, rồi chuyển về nhà lao Hội An. Bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn một lòng, một dạ kiên trung với cách mạng. Sau đó, địch tiếp tục đày ông lên nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, chúng giam đồng chí Đoàn Sơ cùng với đồng chí Võ Chí Công. Trong nhà tù, ông cùng với anh em tù chính trị đấu tranh chống địch khủng bố, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt, biến nhà tù đế quốc thành trường học lý luận cách mạng.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông ra tù, được Chi bộ nhà đày phân công cùng với đồng chí Trương Kiểm (Trương Chí Cương) về Phú Yên tham gia Tỉnh ủy, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám ở đây. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí được Liên Khu ủy điều động tham gia Tỉnh ủy Khánh Hòa, phụ trách công tác tài mậu, đường dây, sau đó làm Bí thư Thị ủy Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong một lần đi công tác vùng địch ở Cam Ranh, đồng chí bị phục kích và hy sinh năm 1966. Khoảng năm 1966-1967, trong một chuyến công tác, đồng chí Võ Chí Công tình cờ gặp Đoàn Thị Kim Ánh tại căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam xã Tiên Ngọc, H. Tiên Phước. Trong buổi cơm tối, đồng chí Bốn Hương đã giới thiệu Kim Ánh với đồng chí Võ Chí Công: "Đây là cháu Ánh, con đồng chí Sơ, chắc anh biết, vì gia đình không còn ai, nên chúng tôi đưa cháu về tỉnh cho đi học". Sau khi nghe hết câu chuyện về gia đình Kim Ánh, về tấm gương hy sinh của đồng chí Đoàn Sơ và gia đình, đồng chí Võ Chí Công đã xin đồng chí Bốn Hương cho mình được nhận Kim Ánh làm con nuôi.

Cảm phục tinh thần cách mạng kiên trung của đồng chí Đoàn Sơ và gia đình, trong Hồi ký của mình, đồng chí Võ Chí Công đã dành những lời trân trọng nhất: "Về ý chí và sự hy sinh cho cách mạng, tôi nghĩ như bây giờ khó mà tìm được một gia đình và một người như đồng chí Sơ. Tất nhiên hoàn cảnh khách quan lúc đó so với bây giờ hoàn toàn khác nhau. Ở đây "lửa thử vàng gian nan thử sức", ông bà ta nói: "quốc loạn thức trung thần, gia bần tri hiếu tử" (nghĩa là nước bị lâm nguy mới thấy rõ người trung, nhà nghèo mới thấy con hiếu thảo)... Trong tù đồng chí vẫn đấu tranh kiên cường với địch và thẳng thắn phê bình những ý kiến sai trái của anh em tù, chịu khó học văn hóa, học lý luận và công tác cách mạng nên được anh em rất kính phục... Nghĩ lại trong thời kỳ hoạt động bí mật, biết bao khó khăn, nguy hiểm, gia đình đồng chí Sơ cũng như xóm làng ở đây đã hết lòng nuôi nấng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan vì giàu lòng yêu nước. Thật là một tấm lòng vàng, trung với nước, hết lòng với Đảng, tình nghĩa ấy cao như núi Trường Sơn, bao la như Biển Đông" .

LÊ NĂNG ĐÔNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_183469_chuye-n-mo-t-co-so-ca-ch-ma-ng-kien-trung-duo-i-chan-nu-i-ho-n-ta-u.aspx