Chuyện một lớp học đặc biệt

Một nhóm cha mẹ, giáo viên, trẻ tự kỷ tự động hình thành, chủ động trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các chương trình học, cùng nhau đánh giá sự tiến bộ của trẻ, với mục đích biến những đứa trẻ tự kỷ trở thành bình thường.

Một sớm đầu đông Hà Nội, tiếng nhạc dập dìu phát ra trong một góc công viên Thành Công. Hơn chục năm nay, phong trào khiêu vũ ngoài trời với những người lớn tuổi đã trở thành một nét văn hóa mới của Hà Nội. Bởi vậy, không tinh ý, chúng tôi cũng khó phát hiện dưới giàn hoa giấy ngay cổng công viên phía đường Láng Hạ có một nhóm khiêu vũ khá “lạ”, chưa đến hai chục người trẻ tuổi với những khuôn mặt rạng ngời, nhẹ nhàng bước theo các điệu nhạc cổ điển.

Lớp dạy khiêu vũ không tên của thầy Huy

Đó là lớp học khiêu vũ của người mắc hội chứng tự kỷ do cô Nguyễn Trang cùng một nhóm thầy, cô giáo chuyên về “giáo dục đặc biệt” mở hơn 1 năm nay, mỗi tuần 1 buổi duy nhất vào sáng thứ Sáu.

Cô Trang bảo: “Từ khi học khiêu vũ ngoài trời, các cháu rất say mê, tự tin hơn hẳn”. Hiện nay, lớp học khiêu vũ của cô Trang và các cộng sự có 13 học viên, được chăm sóc và dạy bởi 7 thầy, cô giáo. Ngoài ra, có thầy Vũ Quang Huy nhận dạy khiêu vũ miễn phí cho các cháu mỗi tuần 1 buổi.

Thầy Huy cho biết: “Dạy người bình thường đã khó, dạy các cháu tự kỷ còn khó hơn gấp trăm gấp ngàn lần. Chỉ mong các cháu được bình thường trở lại là vui lắm rồi, tôi không ngại khó, ngại khổ. Có những gia đình mời tôi đến nhà dạy nhảy cho các cháu, tôi có nói, vấn đề không phải là tiền và cũng không phải là dạy riêng mà các cháu tinh khôn trở lại, vấn đề chính là phải cho các cháu tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Thực tế, tâm tính của các cháu đã cải thiện được rất nhiều”.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Trang

Minh chứng cho điều đó, chỉ sau hơn 1 năm học khiêu vũ, tất cả các điệu khiêu vũ cổ điển từ Rumba, Chachacha, Tango… các cháu đều thành thạo. Ấy vậy nhưng trong nhóm cũng có 2 cháu đã phải bỏ cuộc. Sở dĩ có chuyện này không phải do thầy cô và các trò không cố gắng. Trò cực kỳ chăm chỉ, buổi nào cũng đi học, nghe nhạc vẫn thích, thầy dìu bước nào trò cũng bước theo bước đấy, nhưng chỉ cần thầy buông ra là... không nhớ được bước nhảy, dù chỉ là điệu nhảy đơn giản nhất. Các thầy cô phải “đau lòng” kết luận: Các cháu thuộc tuýp học trò không thể học khiêu vũ.

Cô Trang cho chúng tôi biết, các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, bạn lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất cũng 14 tuổi. Ngoài khiêu vũ, lớp học chủ yếu hướng dẫn các em kỹ năng sống, cách tự chăm sóc bản thân như tự tắm giặt, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa... Qua quá trình dạy, các thầy cô phát hiện mỗi cháu đều có những năng lực nổi trội, đặc biệt. Có cháu giỏi ca hát, có cháu lại đam mê nhảy múa, vẽ tranh. Trong lớp có 3 cháu có trình độ thẩm âm tuyệt vời, chơi đàn piano và các loại nhạc cụ khác rất hay.

Nửa năm nay, lớp học đặc biệt này bắt đầu dạy các cháu hướng nghiệp. Bám vào năng khiếu của từng cháu, hun đúc cho các cháu niềm đam mê những gì mình am hiểu. Một số cháu thích nấu ăn, có cháu lại thích thêu thùa, khâu vá, cháu thì đam mê tin học… Các thầy, cô giáo đã chọn lựa một số tác phẩm thêu, tranh vẽ của các cháu đưa lên mạng xã hội hoặc gửi vào các buổi đấu giá từ thiện, hy vọng các cháu sẽ luôn tự tin vào bản thân, hiểu được giá trị của mình, hòa nhập vào cuộc sống. Đó chính là mục tiêu của lớp học đặc biệt này.

Buổi học khiêu vũ vừa kết thúc, chúng tôi chợt thấy một người đàn ông đứng tuổi đi xe đến. Các cháu trong nhóm đua nhau “chào bác”, “chào chú”… Đoán là một trong các cha mẹ của những học sinh đặc biệt, chúng tôi bắt chuyện. Ông tên là Nguyễn Văn Hiếu, cởi mở và phóng khoáng, thoải mái cho chúng tôi “khai thác” những thông tin liên quan đến lớp học và con gái mình.

Hai bố con ông Nguyễn Văn Hiếu và một bạn học viên trong lớp

Ông Hiếu kể, ông lập gia đình muộn nên gần 40 tuổi mới có con trai đầu lòng. Đến năm ông 47 tuổi, vợ 44 tuổi thì hai vợ chồng bị “vỡ kế hoạch”. Rồi cô con gái Nguyễn Phương Thảo chào đời, khi đó các bác sĩ đều xác định cháu là một bé gái rất bình thường.

Khi cháu Thảo lớn dần, vợ chồng ông cảm thấy một số biểu hiện lạ như bé không có phản xạ nhai, không thích ăn đồ lạ, giao tiếp không nhìn vào mắt người khác… Gần 2 tuổi rồi Thảo vẫn chưa nói được, chỉ thích xem tivi. Hai vợ chồng cũng quen một số bác sĩ thì được động viên là không có vấn đề gì, cháu chỉ chậm nói thôi. Đến lúc Thảo được hơn 2 tuổi, sốt ruột quá, vợ chồng ông đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương thì các bác sĩ phát hiện cháu mắc hội chứng tự kỷ thể Asperger - loại được xem là nhẹ nhất.

Phương Thảo có rất nhiều điểm đặc biệt. Đó là khả năng ngoại ngữ, từ nhỏ Thảo đã sử dụng tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt. Ngoài ra, Thảo có những biểu hiện như một “thần đồng”, khi chưa đầy 4 tuổi đã tự biết đọc, biết viết (đọc, viết ở dạng chữ thường). Phương Thảo học đọc, viết qua xem tivi mà chẳng có bất cứ người nào dạy hay hướng dẫn. Hơn thế nữa, cháu có một trí nhớ kỳ diệu theo phương thức “chụp ảnh”. Khi cháu xem bất cứ một vật gì, một ngôi nhà nào thì não cháu đều có thể “chụp lại”, sau đó cháu có thể vẽ lại bằng máy tính chính xác đến từng chi tiết, kích thước cũng như màu sắc.

Một khả năng đặc biệt nữa của Phương Thảo là về giải mã. Người anh trai của Thảo hiện nay là thạc sĩ về tin học, đang học tập và làm việc tại Hoa Kỳ. Bất cứ chiếc máy tính nào của anh trai, dù có thay đổi mật mã hay tạo các loại khóa khó đến đâu, nếu Thảo muốn thì chỉ một lúc là “phá” được. Song song với tài “mở khóa” Thảo còn có một khả năng truy tìm thông tin trên mạng một cách siêu nhanh. Chỉ cần đặt một yêu cầu bất kỳ, Thảo cũng nhanh chóng tìm được muôn vàn thông tin liên quan đến yêu cầu đó chỉ bằng một cái máy tính...

Chia tay ông Hiếu, chúng tôi day dứt mãi về lời tâm sự từ đáy lòng của một người cha có con mắc hội chứng tự kỷ: “Nước mình bây giờ vẫn chưa quan tâm và đối xử đúng mực với những người như cháu Thảo. Bằng chứng là chưa có một trường học đặc biệt dành cho những đứa trẻ đặc biệt. Tôi cũng như tất cả những cha mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ rất mong muốn các cháu được sống như một người bình thường trong xã hội”

Hiện nay, theo thống kê của WHO, hội chứng tự kỷ xuất hiện tại trẻ em trên khắp thế giới. Tỷ lệ trẻ tự kỷ của Mỹ là cao nhất với 7/1.000 trẻ. Trẻ tự kỷ có những phát triển riêng về não bộ và có khả năng vượt bậc trong một số lĩnh vực như toán học, ngôn ngữ, vật lý…

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-mot-lop-hoc-dac-biet-522232.html