Chuyện một người đàn bà Việt làm 'Ôsin' và... làm thơ ở xứ người

'Chúng ta đã nghe quá nhiều chuyện về số phận của những người phụ nữ Việt Nam làm ôsin cho các gia đình ở Đài Loan... Và hình như, chúng ta chưa bao giờ nghe nói một câu chuyện có hậu về những người phụ nữ đi làm thuê này. Bởi thế, khi một người làm thuê bước lên một sân khấu của một trung tâm văn hóa lớn với những chùm đèn rực rỡ đã làm tôi choáng váng'.

Người đàn bà trong bài viết này là một bất ngờ đối với tôi trong những ngày tôi dự Liên hoan thơ Đài Bắc. Chuyến đi của tôi được Hội đồng Anh ở Hà Nội tài trợ.

Ngay buổi chiều vừa đặt chân đến Đài Bắc, Ban tổ chức đã đưa cho tôi tập tuyển thơ của các tác giả tham dự Liên hoan thơ in bằng hai thứ tiếng: Anh và Hoa. Trong đó có một số bài thơ của các tác giả mà tuyển tập ghi rõ: Thơ của các tác giả là người lao động nước ngoài. Tôi đọc thấy một cái tên: Pham Thi Tuong. Tôi biết đó là tên của một người Việt Nam. Nhưng tôi chẳng có thêm thông tin gì về con người có cái tên này.

Và cho đến ngày cuối cùng của Liên hoan Thơ thì tôi gặp người có cái tên ấy. Đó là một người đàn bà Việt Nam đang giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc. Chị tên là Phạm Thị Tường. Khi người đề dẫn chương trình buổi đọc thơ bế mạc Liên hoan Thơ giới thiệu chị lên đọc thơ thì tôi mới biết chị có ở đó.

Một người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi vẻ thùy mị, mỉm cười và bước lên sân khấu. Chị giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Hoa. Rồi chị ngâm bài thơ do chị sáng tác. Đây là cách ngâm thơ truyền thống của Việt Nam. Bài thơ nói về hai người mẹ : một người mẹ Việt và một người mẹ Đài Loan mà trong thơ chị dùng chữ mẹ Đài.

Chị Phạm Thị Tường đọc thơ tại Đài Bắc

Chị Phạm Thị Tường đọc thơ tại Đài Bắc

Đây là một trong những lần nghe đọc thơ để lại trong tôi một ấn tượng lạ lùng. Thơ của một người giúp việc cho một gia đình Đài Bắc. Những người như thế chúng ta vẫn thường gọi bằng danh từ: Ôsin. Chúng ta đã nghe quá nhiều chuyện về số phận của những người phụ nữ Việt Nam làm ôsin cho các gia đình ở Đài Loan. Có người bị đánh đập. Có người bị sỉ nhục. Có người bị lừa gạt. Và hình như, chúng ta ít thấy những câu chuyện đẹp. Bởi thế khi một người làm thuê bước lên một sân khấu của một trung tâm văn hóa lớn với những chùm đèn rực rỡ làm tôi choáng váng.

Chuyện như thế này đã từng xảy ra ở đâu chưa?. Tôi chưa bao giờ nghe nói. Nếu tôi làm trong Ban tổ chức của một đêm thơ hay một ngày thơ ở Việt Nam, tôi có dám trân trọng in thơ của một người giúp việc trong tuyển tập và mời họ lên đọc thơ cùng với những nhà thơ danh tiếng không? Tôi phải thú thực thừa nhận rằng: tôi sẽ không làm được thế.

Một điều mà chúng ta phải thừa nhận rằng: chúng ta vẫn coi thơ ca là một là đặc khu và một đặc quyền của những người có tên gọi nhà thơ. Vì cái gọi là đặc khu và đặc quyền này mà sinh ra sự tranh giành hơn thiệt. Có lẽ đó cũng là một lý do làm cho thơ ca của chúng ta vẫn chưa thực sự trở thành thiêng liêng như chúng ta vẫn rao giảng. Bởi thơ ca phải được lan tỏa trong mọi nơi của đời sống con người kể cả những nơi tăm tối và hèn kém nhất.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tôi đã đến chào chị khi chị ngâm xong bài thơ. Sau buổi đọc thơ bế mạc, những bạn bè Đài Loan rủ tôi đi uống cà phê và ăn tối. Tôi mời chị cùng đi để có thời gian nói chuyện với chị. Nhưng chị xin lỗi và từ chối. Chị phải trở về nhà chủ trước bảy giờ tối. Đấy là quy định của gia chủ. Chúng tôi chỉ có dăm phút hỏi thăm về nhau.

Phạm Thị Tường quê ở Hà Tĩnh. Nhà chị ở nông trường Thanh Hà. Chị đã đăng ký sang Đài Loan giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc. Mươi năm trở lại đây, Đài Loan có nhu cầu thuê người giúp việc từ Việt Nam sang. Vì giá trả cho người giúp việc Việt Nam lúc nào cũng rẻ hơn rất nhiều so với trả cho một người Đài Loan.

Chị nói với tôi chị là một người may mắn vì giúp việc cho một gia đình tử tế. Bà mẹ của gia đình Đài Loan này cho đến giờ yêu quí chị như con gái của mình. Chị đã làm việc với một tinh thần và một ý thức cao nhất và đã tranh thủ các buổi tối để học tiếng Hoa. Chính vì vốn tiếng Hoa mà chị đã chiếm được cảm tình của gia chủ.

Trước khi đến Đài Bắc làm Ôsin, Tường là công nhân Nông trường Thạch Ngọc , Thạch Hà, Hà Tĩnh. Rồi chị về nghỉ chế độ. Trong khi đó, chồng chị ốm yếu và các con còn nhỏ. Chị quyết định ra đi. Bây giờ, cứ ba tháng gia đình Đài Bắc trả lương chị một lần. Chị lại ra ngân hàng gửi vào tài khoản. Số tiền lương chị cũng phải chi khoảng 50% cho những nơi môi giới. Nhưng chị thấy hạnh phúc. Vì ở Việt Nam chị không bao giờ kiếm được một việc làm với số lương như vậy. Và vui hơn nữa, chị tìm thấy niềm tin và tình người trong gia đình Đài Bắc ấy.

Phạm Thị Tường hạnh phúc nói rằng chị là một người may mắn. Chị giúp việc cho một một gia đình trí thức Đài Bắc. Khó khăn nhất của chị là ngôn ngữ. Nhưng bây giờ chị nói tiếng Hoa khá thành thạo. Chị là người giỏi nội trợ và sống tình cảm. Chính thế mà chị đã chiếm được cảm tình của gia đình Đài Bắc kia.

Chị thường xuyên nấu những món ăn Việt Nam cho họ. Chị nấu cả món giả cầy nữa. Đến bây giờ, các thành viên trong gia đình Đài Bắc khó có thể bỏ được những món ăm Việt Nam chị nấu. Chị đã tìm được niềm vui ở một chốn xa lạ.

Trong những lúc rảnh rỗi, Phạm Thị Tường lại làm thơ để bớt nỗi nhớ chồng, nhớ con. Chị đã gửi thơ đến Liên hoan Thơ Đài Bắc và thơ chị được Ban tổ chức chọn dịch sang tiếng Hoa và xuất bản trong tuyển tập. Tôi thực sự ngạc nhiên về điều này nhưng cũng hiểu vì sao người ta làm như vậy. Người ta đã in thơ của một người giúp việc mà ở Việt Nam chúng ta gọi là Ôsin trong tuyển tập thơ cùng với những nhà thơ tên tuổi của Đài Loan và quốc tế.

Còn với Phạm Thị Tường, chị nói với tôi rằng mặc cảm của một người giúp việc đã vơi đi rất nhiều trong chị khi thơ chị được in trong tuyển tập và chị được mời đến đọc thơ trong một buổi đọc thơ trang trọng như thế. Chị nói với tôi khi đến Đài Loan thì chị phát hiện ra chị có những khả năng mà khi ở nhà chị không bao giờ nghĩ chị có thể làm được những điều ấy.

Chị nói với tôi còn vài tuần nữa là chị hết hợp đồng. Nhưng gia đình ở Đài Bắc mong muốn chị quay trở lại với họ. Chị đã quyết định ký tiếp hợp đồng ba năm nữa. Chị sẽ về Việt Nam thăm gia đình chừng một tháng và sau đó quay trở lại Đài Bắc. Chị cần có một thu nhập tốt và hơn nữa, tình cảm chị đã có nhiều sâu nặng với gia đình Đài Bắc mà chị giúp việc.

Đối với chị bây giờ có một thứ mà chị không thể nào bỏ được đó là làm thơ. Đối với đời sống cơm áo gạo tiền thì thơ ca hoàn toàn vô dụng. Nhưng khi một con người hoang mang không biết họ là ai nữa và không biết phải làm gì thì thơ ca chân chính bước đến và đưa cho họ một chiếc chìa khóa.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-mot-nguoi-dan-ba-viet-lam-osin-va-lam-tho-o-xu-nguoi-20170210083154538.htm