Chuyện một người điên

Chị không nhận ra tôi, có lẽ thế, vẻ mặt chị vẫn thản nhiên như không. Mãi đến lúc tôi ôm chầm lấy chị, nhắc cho chị nhớ về tôi chị mới chớp chớp mắt, à à rồi vỗ lên vai tôi: 'Chà, lớn từng này rồi cơ à, lâu nay đi đâu mà không thấy sang chị chơi'. Tôi định ớ lên nhưng chợt hiểu. Với chị thời gian đã đóng băng từ lâu, thành thử tôi đành cười: 'Em bận mà'. 'Ừ, thôi lo mà học, chứ dở dang như chị khổ lắm, không xin được việc làm đâu'. 'Thì chị vẫn đang làm việc đấy thôi'. Tôi nhìn quanh trong căn nhà cấp bốn, thấp lè tè và nhỏ như cái chuồng chim, thấy sặc sỡ nhất có lẽ chỉ là mấy cuộn len xanh đỏ nằm trong chiếc rổ nhựa để trên giường, còn thì đồ đạc đều một màu cũ kỹ.

Minh họa: Hà Hải

Nhưng tất cả vẫn rất ngăn nắp. Từ cái chăn bông vỏ chéo xanh Trung Quốc bạc phếch phơ được gấp rất vuông thành sắc cạnh đến cái góc nhà làm nơi bếp núc cũng rất tươm tất. Ở đó có đầy đủ những vật dụng của một cuộc sống gia đình. Có điều hơi lạ mà tôi cũng mới phát hiện ra là những đồ vật thuộc sinh hoạt cá nhân thường có đôi. Ví dụ như: đôi khăn mặt, đôi bàn chải đánh răng, đôi cốc uống nước, đôi bát ăn cơm, hai đôi đũa, đôi xô, đôi chậu... Hơi cơm từ nồi cơm điện đang tỏa ra thơm ngào ngạt, trên chiếc mâm con đã bày sẵn thức ăn... Thế mà trước khi đến đây, người ta lại bảo với tôi rằng: Đó là nhà của hai con ma, một con ma sống và một con ma chết.

“Chị nấu cơm chiều sớm thế?”

“Nấu để còn đón anh về”. Lúc này tôi mới hiểu vì sao người ta nói rằng ngôi nhà ấy buổi tối chẳng bao giờ có ánh sáng. Có lẽ chị ăn cơm chiều xong rồi đi ngủ luôn.

“Anh... có hay về không hả chị?”

“Dạo trước về luôn, bây giờ bận rồi”.

“Lâu lắm em cũng không gặp anh, không biết dạo này anh ấy thế nào?”.

“Vẫn khỏe, vẫn đẹp trai, chỉ có chị là già đi thôi”. Chị cúi xuống mũi kim đang đan thoăn thoắt. Tôi nhìn chị. Một khuôn mặt đã bị thời gian tàn phá, nhưng lại không có tuổi. Nó ngây ngây như đứa trẻ lên ba lại trầm tư như người đã nếm trải bụi trần. Vô hồn ư? Không phải. Phớt đời ư? Càng không. Đúng hơn là chị không phải đang sống trong thế giới này.

“Không, chị vẫn trẻ, vẫn đẹp như xưa”. Tôi ôm lấy chị an ủi, chị cười bẽn lẽn, nụ cười hệt như chị Lài 17 tuổi dạo nào.

Hồi đó chị đang học lớp chín. Tôi hay sang chơi với em gái anh Tiềm, nên biết được chị với anh Tiềm rất thân nhau. Lúc đó tôi còn bé nên không biết họ yêu nhau là thế nào, cứ tưởng họ cũng chơi thân như chúng tôi. Có điều tôi thích họ vì cả hai đều đẹp. Sao họ lại chọn nhau mà chơi thế. Anh Tiềm thì đẹp như “Người cá” (nhân vật trong bộ phim mà tôi đã được xem), còn chị Lài thì đẹp không thể tả được vì tôi không thấy ai đẹp bằng chị để mà ví, nhất là đôi mắt.

Nhưng một hôm tôi thấy đôi mắt đẹp ấy sưng vù lên và đỏ ngầu. Tôi không hiểu vì sao nhưng cái Tân cho tôi một thông tin: Ngày mai anh Tiềm lên đường đi bộ đội. Tôi nghe và chợt nghĩ đến những chiếc kẹo vừng mà anh Tiềm cho để trả công chúng tôi chơi ngoài sân, còn để anh chị ngồi trò chuyện trong nhà, từ nay sẽ không còn nữa.

Anh Tiềm đi được dăm tháng thì chị Lài cũng lên đường. Tôi nghe người lớn nói chị được tuyển vào đoàn văn công quân đội. Hôm đi chị mặc bộ quân phục đẹp đến nỗi cả phố ai cũng tấm tắc. Còn tôi thì thèm ước sao mình lớn nhanh để được mặc quân phục. Thấy tôi cứ đần mặt nhìn, chị xoa đầu tôi rồi bảo: “Ở nhà ngoan nhé! Chị đi đến chỗ anh Tiềm đây. Bao giờ anh chị về sẽ có quà cho các em”. Nhưng chỉ độ hơn một năm sau, chị Lài bỗng đột ngột trở về. Khác hẳn với lúc đi, chị trở về buồn thiu và luôn ở trong nhà tránh mặt mọi người. Mấy lần tôi tìm cách sang gặp chị nhưng đều bị người nhà chị từ chối.

Sau giải phóng nhà Tân nhận được giấy báo tử anh Tiềm. Hôm truy điệu anh, chị Lài đột ngột xuất hiện và ngất giữa đám đông. Mọi người chẳng hiểu ra làm sao cả, chỉ có tôi và cái Tân biết nguyên nhân vì sao. Khi chị tỉnh tôi hỏi: “Hồi đi văn công chị có gặp được anh Tiềm không?”. Chị bảo: “Có, bọn chị còn cưới nhau rồi cơ”. Thế mà hồi đó tôi lại nghe người lớn xì xào rằng chị bị đuổi khỏi đoàn văn công vì có quan hệ lăng nhăng gì đó với một anh bộ đội. Rồi sau, chị bỏ đi đâu lâu lắm chẳng thấy trở về, nghe người nhà bảo chị đi làm xa. Nhà tôi thì sau giải phóng một thời gian chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh và tôi cũng học đại học rồi công tác luôn ở đó. Tôi ít có dịp trở lại thành phố quê hương nên không biết gì về chị.

Vậy mà cũng đã ngót 30 năm trôi qua. Tôi trở về thăm quê và nghe được cái tin khủng khiếp. Chị Lài đã thành Lài ngộ và đang sống với ma.

Sau khi chị Lài lâm bệnh, gia đình chị có chạy chữa một thời gian nhưng không khỏi, họ gửi chị vào bệnh viện tâm thần, nhưng chị lại trốn viện và đi lang thang. Gia đình chị sau nhiều lần bắt đi bắt lại chị về không kết quả cũng đâm chán nản. Họ nhốt chị vào một căn nhà riêng và thuê người chăm sóc. Nhưng có điều lạ là từ khi ra ở riêng, chị Lài bớt những cơn đi lang thang. Lúc tỉnh chị dọn dẹp nhà cửa rất gọn gàng, tự nấu lấy ăn. Chị đòi sắm sửa đồ đạc y như của một cặp vợ chồng mới cưới. Rồi chị tự sống một mình. Gia đình chị như trút được gánh nặng, chỉ thỉnh thoảng đến chu cấp cho chị ít tiền, còn thì hầu như đã bỏ mặc chị. Một lần Tân đến thăm, bắt gặp chị Lài trong một tâm trạng rất lạ. Chị tươi cười khác hẳn mọi hôm, nụ cười không phải của người điên, mắt ngời lên long lanh, má môi hồng rực. Tân chưa kịp hỏi, chị đã thì thầm khoe: “Hôm qua chị gặp anh Tiềm rồi, anh ấy vẫn như cái hồi chị gặp ở chiến trường ấy, mãnh liệt ghê”. Tân không quan tâm lắm đến lời chị khoe, vì đã là giấc mơ rồi lại còn là giấc mơ của người điên. Nhưng thấy chị vui, Tân cũng gợi chuyện để chị được khuây khỏa: “Anh Tiềm có khỏe không chị, hồi đi bộ đội mẹ em cứ lo cái bệnh viêm mũi dị ứng của anh ấy, cứ trở trời là sụt sịt”. “Anh ấy khỏe lắm...”, chị tủm tỉm cười bí hiểm, má đỏ bừng. “Đêm qua chị suýt chết ngạt đấy...”. Tân cũng mỉm cười nhưng sống mũi cay cay, không hiểu bệnh của chị đang thuyên giảm hay nặng lên nữa. Chỉ biết từ đó, mỗi lần Tân đến thăm chị lại khoe anh mới về thăm chị, anh kể chuyện công việc của anh bây giờ rất bận. Anh đang cùng đồng đội lặn lội khắp các chiến trường tìm những đồng đội còn chưa may mắn để đưa họ trở về quê hương, hoặc về quy tập cùng đồng đội. Có một lần, gia đình nhà Tân định đưa anh Tiềm từ nghĩa trang Trường Sơn về nghĩa trang quê nhà. Tân đến báo cho chị Lài biết. Chị bảo: “Hôm qua anh ấy mới về, bảo với chị rằng anh ấy chưa thể về được vì còn nhiều việc phải làm lắm”. Tân về kể lại với gia đình nhưng cả nhà chẳng ai quan tâm đến lời người điên, vả lại họ cho rằng chị Lài có là gì với gia đình họ đâu?. Nhưng thật lạ là ngay sáng hôm trước khi đi, người em trai Tân bỗng đau bụng quằn quại và phải đi mổ ruột thừa gấp. Cả nhà đều hú vía vì chưa kịp lên tàu. Thế là chuyến đi bị hoãn. Sau đó thì em trai Tân lấy vợ, mỗi lần nhắc đến đi nó lại bàn lùi, cho đến bây giờ vẫn chưa thể đi được. Cả nhà chỉ mỗi mình Tân biết mối quan hệ của chị Lài với anh Tiềm nên Tân thương chị Lài lắm, mà chị cũng chẳng còn ai bây giờ ngoài Tân, nên ngày nào Tân cũng cố gắng để ghé qua chị một chút. Tân nhận ra chị Lài đã khỏe hơn trước nhiều, chị ít nói và điềm tĩnh hơn. Một lần Tân động viên để chị Lài đi khám lại, bác sĩ bảo chị có chiều hướng chuyển biến tốt, nếu như không có những biến cố xấu trong cuộc sống tình cảm.

Quả thật đến bây giờ cũng không hiểu chị Lài có còn bệnh hay không nữa, vì chị không có những biểu hiện gì của người điên, nhưng chị lại sống với một bóng người trong hoang tưởng. Mỗi lần Tân đến, mua cho chị cái gì, chị lại cũng nhắc sao không mua cả cho anh Tiềm, ăn gì cũng để phần anh Tiềm, rồi để qua đêm sáng mai mới đổ đi, bảo anh đã ăn rồi. Chị thực sự có một cuộc sống hạnh phúc vào ban đêm. Đêm nào cũng là cuộc chu du của chị với anh Tiềm, họ đi chơi với nhau, đến thăm bạn bè. Chị uống tình yêu của anh đến no nê và sáng mai trở dậy chỉ là sự nhấm nháp những giọt hạnh phúc ngọt ngào còn đọng lại. Bây giờ chị vui vẻ kể lại với tất cả mọi người rằng chị đang sống với anh Tiềm rất hạnh phúc, rằng anh ấy vẫn yêu chị say đắm như thuở nào. Tất nhiên người ta chỉ cười và phụ họa chị một cách nhạo báng. Ai mà hiểu được với chị đó là một nguồn sống mãnh liệt.

Khi tôi viết xong câu chuyện này cũng là ngày giỗ đầu chị Lài. Tân viết thư báo tin cho tôi, bức thư đầm nước mắt, kể rằng chị Lài đã gần như hoàn toàn khỏe mạnh, chị trẻ lại và đẹp ra. Đã có khối ông lỡ thì, chết vợ mon men đến hỏi chị, nhưng chị nhất quyết bảo rằng chị đã có chồng, không lấy ai nữa. Tân nhiều lần khuyên chị khi biết chị đã hoàn toàn tỉnh táo, nhưng chị cũng tâm sự với Tân rằng: Sống thế này chị cũng thấy hạnh phúc chẳng kém gì người đang có chồng. Đêm nào anh Tiềm cũng về ân ái với chị, gần sáng anh mới ra đi, có lần chị níu anh thật chặt để giữ anh lại và đòi đi với anh nhưng anh bảo: “Anh không thể đưa em đi được, hãy chờ thêm một thời gian nữa. Em hãy sống vui vẻ với đời”. Trước hôm chị đi, Tân đến còn thấy chị rất vui và khỏe mạnh, chị khoe rằng chị mới nhận được mấy khách hàng thuê đan áo len, chị sẽ có tiền để đi chụp một kiểu ảnh kỹ thuật số, sẽ được đứng chung với anh Tiềm trong một tấm ảnh. Ước mơ của chị chắc chắn sẽ thực hiện được nếu như không có cái buổi sáng ấy, chị vẫn trở dậy như mọi khi sau một đêm hạnh phúc. Thế mà khi Tân đến cánh cửa gỗ ọp ẹp đã bị bật tung bản lề. Tân giật mình gọi chị và ngó vào nhà thì bên trong hoàn toàn im ắng, chiếc ri đô vẫn kéo ngang giường che kín. Linh tính có chuyện chẳng lành. Tân hô hoán mọi người chạy đến thì mới biết chị Lài đã ra đi. Công an đến khám nghiệm hiện trường cho biết. Trước lúc tắt thở chị có bị một kẻ nào đó định giở trò chiếm đoạt, bằng chứng là chị vật lộn rất dữ dội tuy vẫn nằm trên giường nhưng tay chân bị cào xước quần áo tuột khỏi người, bật khuy đứt chỉ... Chị bị chết vì lý do gì thì vẫn chưa tìm được nguyên nhân, nhưng chắc chắn không phải bị giết. Còn kẻ gian đã cậy bản lề lẻn vào nhà chị đã cao chạy xa bay mà người ta cũng chưa bắt được, bởi thực ra kẻ gian chưa thực hiện được hành vi phạm tội nào.

Những nỗi niềm và ước mơ của chị chỉ có Tân biết, cũng chỉ có Tân hiểu được cái chết của chị là vì sao. Người đã dành toàn vẹn tâm tưởng và thể xác cho người mình yêu thì làm sao có thể chịu bị làm nhục bởi một kẻ khác cơ chứ.

Chị ra đi. Chị sẽ rất vui vì được ở bên anh Tiềm mãi mãi, chị vẫn giữ trọn vẹn tình chung thủy với anh cho đến tận cuối đời. Ngôi mộ của chị giờ đã nhạt khói hương, chỉ có Tân thỉnh thoảng đến đem theo tấm ảnh đã được phóng to, tấm ảnh mà nhờ vào kỹ thuật thời hiện đại đã cho anh chị được đứng bên nhau như ước mơ của chị lúc sinh thời.

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/chuyen-mot-nguoi-dien/27166.htm