Chuyển mùa cảnh giác với bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch dễ xảy ra biến chứng

Thời tiết chuyển mùa là điều khiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển, đây cũng là khoảng thời gian trẻ dễ bị ốm nhất.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra thông tin cảnh báo dịch sởi đang gia tăng ở các nước Châu Âu trong nửa đầu năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm tại các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong. Nguyên nhân số ca mắc sởi tăng ở Châu Âu là do chưa tỷ lệ tiêm bao phủ vắc xin không đạt tại nhiều nước.

Tại Việt Nam bệnh sởi lưu hành quanh năm, vào thời gian chuyển mùa hè sang thu bệnh có nhiều điều kiện thuận lợi bùng phát thành dịch vì vậy người dân cần phải cảnh giác.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh từ người sang người qua đường hô hấp. Triệu chứng điển hình nhận biết mắc sởi bệnh nhân thường sốt cao đột ngột, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (mắt có rỉ) kèm nổi ban đặc trưng.

Tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh sởi hiệu quả, ảnh minh họa.

Trao đổi với Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay trong khoa vẫn đang điều trị cho một số bệnh nhi bị mắc sởi, ho gà, viêm não, chân tay miệng. Riêng với bệnh sởi đa phần trường hợp mắc sởi tới điều trị là chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ bị mắc sởi, miễn dịch của cơ thể bị suy giảm rất nhanh nếu không chăm sóc đúng cách trẻ rất dễ mắc phải các biến chứng như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Bệnh sởi hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cách chữa chủ yếu là cải thiện các triệu chứng và vệ sinh cá nhân, chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng. Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bác sĩ Hải khuyến cáo thêm: “Thời tiết chuyển mùa tạo điều khiện cho các dịch bệnh phát triển, trong khoảng thời gian nay cha mẹ cần phải lưu ý phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt cần lưu ý tới bệnh tay chân miệng nguy cơ lây lan rất nhanh khi trẻ sắp tới ngày tựu trường”.

Luôn cảnh giác ngay cả khi không có dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I cho hay khoa mới tiếp nhận một bệnh nhi mắc sởi vào điều trị. Số lượng bệnh nhi mắc sởi từ đầu năm 2018 đến nay nhập khoa điều trị không tăng so với năm 2017. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải luôn cảnh giác phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm phòng đầy đủ tránh bệnh, tránh biến chứng cho con.

Khi trẻ bị mắc sởi với những cơ địa trẻ sơ sinh, trẻ thể trạng béo phì, trẻ suy giảm hệ miễn dịch sẽ rất nguy hiểm nguy cơ biến chứng rất cao.

Theo các chuyên gia, đối với bệnh sởi, việc chăm sóc và cách ly là rất quan trọng để tránh bệnh lây lan và hạn chế nguy cơ biến chứng do có thể mắc thêm bệnh nhiễm trùng khác. Nếu trẻ bị sởi chăm sóc tại nhà, cha mẹ cần phải tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, trẻ có dấu hiện bất thường cần phải đưa đi tới cơ sở y tế sớm. Người chăm sóc trẻ bị sởi cần phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Ngọc Minh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/chuyen-mua-canh-giac-voi-benh-soi-gay-suy-giam-mien-dich-de-xay-ra-bien-chung-20180829134358587.htm