Chuyện nghề những 'ông vua sân cỏ' ở Hà Tĩnh

'Ông vua sân cỏ'- cái tên nói lên quyền lực của trọng tài điều khiển các trận đấu bóng đá bởi chính họ là người 'cầm cân nảy mực' phân xử đúng - sai. Trên sân đấu, họ nghiêm khắc là vậy, nhưng khi nghe họ trải lòng về những vui, buồn với công việc này mới thấy cũng lắm nỗi niềm.

Nhiều người đến với nghề “cầm còi” xuất phát từ tình yêu bóng đá.

Những người làm trọng tài mà chúng tôi tiếp xúc không gọi đó là “nghề” mà thường thay bằng từ “nghiệp”, bởi hầu hết họ đến với công việc “cầm cân nảy mực” này như một cái duyên bắt đầu từ niềm đam mê với bóng đá.

Hơn 16 năm gắn bó với nghiệp cầm còi trên sân cỏ, anh Hồ Anh Bảo (giáo viên Trường THCS Đại Nài, TP Hà Tĩnh) đã trở thành gương mặt khá quen thuộc trong các giải bóng đá được tổ chức trên địa bàn.

Anh Bảo cho biết: Nghề trọng tài đến với anh như một cái duyên. Là một giáo viên dạy thể dục, thế nhưng, được đào tạo chuyên ngành bài bản trong trường đại học, cùng với niềm đam mê bóng đá bất tận và quá trình tích lũy chuyên môn qua thực tiễn, anh đã yêu nghề này từ khi nào không hay.

“Đó là một hành trình dài với nhiều cung bậc, vui có, buồn có, hạnh phúc có nhưng chúng tôi sống vì đam mê nên mới gắn bó được với nghề” - anh Bảo nói.

Tuyên thệ đảm bảo công bằng, minh bạch trong một giải đấu

Quyền lực trên sân cỏ là vậy nhưng nghề này chẳng khác gì “làm dâu trăm họ” và làm trọng tài ở các giải đấu phong trào thì càng vất vả hơn. Bởi các giải phong trào, không phải cầu thủ nào cũng biết luật, chỉ cần trọng tài “thổi” hoặc không “thổi” trong một tình huống va chạm là sẽ gặp ngay những phản ứng gay gắt của cầu thủ. Nhiều khi khán giả cũng vì bênh đội nhà mà hùa theo, thậm chí họ không tiếc văng những lời chẳng mấy hay ho...

Anh Bảo chia sẻ một kỷ niệm khó quên trong nghiệp “cầm còi” của mình: “Đó là vào năm 2004, tôi bắt một pha bóng chạm tay dẫn tới đá phạt đền 11m. Sau trận bóng đó, đội thua có những hành động quá khích với Ban tổ chức lẫn trọng tài. Hậu quả tuy không nghiêm trọng nhưng đó là một kỷ niệm buồn trong nghề. Dẫu vậy, tôi luôn tâm niệm không được nản chí mà phải tiếp tục học hỏi để trưởng thành hơn, đam mê hơn với nghề”.

Cũng giống như Hồ Anh Bảo, anh Hồ Sỹ Phúc (giáo viên thể dục Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cũng là một trọng tài “tay ngang”. “Trọng tài là một nghề vô cùng áp lực và phải luôn có một bản lĩnh vững vàng. Tuy các giải đấu phong trào ngày càng nở rộ nhưng nhiều trận mang tính cạnh tranh khá cao. Chính vì vậy, người làm nghề như chúng tôi phải thật trung thực cũng như chấp nhận “có tai như điếc, có mắt như mù” để giữ vững tinh thần thể thao trung thực trong từng trận bóng.”

Nghề nào cũng vậy, rèn nghề là điều không thể thiếu, với nghề trọng tài cần phải rèn nhiều hơn, từ thường xuyên tập luyện thể lực đến học luật, tập huấn luật thi đấu. Những trọng tài gắn bó với nghề lâu năm thừa biết rằng, các cầu thủ cũng rất “tinh quái”. Có những tình huống trọng tài sai sót, cùng với việc hứng chịu điều tiếng từ cầu thủ và khán giả thì những day dứt cũng khiến họ khó chịu.

Thu nhập chưa cao, trọng tài được trả công từ 100.000 - 200.000 đồng/trận đấu. Vì thế, các trọng tài đều coi nghề này là nghề “tay trái”, làm vì đam mê và có phần “ham vui” như cách họ nói về mình.

Ngân Giang

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/muon-mau-the-thao/chuyen-nghe-nhung-ong-vua-san-co-o-ha-tinh/142797.htm