Chuyện nghịch lý cà phê Việt: Mải mê xuất khẩu, bỏ lơ 'sân nhà'?

Trong khi Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng những năm gần đây, sản lượng nhập khẩu mặt hàng này có xu hướng tăng. Điều này cho thấy, các 'ông chủ' cà phê Việt đang 'mải mê' với thị trường nước ngoài mà 'lãng quên' thị trường nội địa?.

Không chắc tìm được cà phê ngon ở Việt Nam?

Đó là chia sẻ của một số thực khách nước ngoài tại Việt Nam khi thưởng thức cà phê Việt. Là người thích cà phê Việt Nam từ khi còn ở Mỹ, ông Eric Van Buskirk dành nhiều thời gian để thưởng thức uống này ở khắp quán xá trong thành phố Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ: “Vị cà phê Việt nội địa khác biệt so với cà phê Việt Nam tôi mua ở Mỹ. Nó thực sự không đắng lắm mà có vị gắt hơn, nhiều mùi vị hơn, thêm mùi bơ hoặc cacao... Cà phê này có lẽ là loại thường không đắt lắm, loại tốt nhất có thể đã được xuất khẩu”.

Ông Eric Van Buskirk chia sẻ về câu chuyện cà phê

Cùng quan điểm với ông Eric Van Buskirk, một thực khách người nước ngoài khác tâm sự: “Trước đây, tôi đã thử cà phê Việt và cảm nhận hương vị rất ngon và sạch sẽ. Bây giờ, tôi không chắc có thể tìm được cà phê nguyên chất, ngon tại Việt Nam”.

Theo ông Hoàng Đình Dũng, chủ đại lí cà phê tại Đà Lạt (Lâm Đồng), sản phẩm cà phê ngon, chất lượng nhất thường được đa số doanh nghiệp ưu tiên xuất khẩu. Hiển nhiên, sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định thì mới chinh phục được thị trường ngoại quốc. Để đạt được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, tận dụng tiềm lực có sẵn trong nước, thu gom cà phê xuất khẩu thu lợi nhuận.

Đấy cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thị trường nội địa ít của ngon, của tốt. Nhiều người Việt phải chấp nhận uống cà phê không nguyên chất, kém chất lượng hơn. Ông Dũng cho biết thêm: “Giá thành của sản phẩm cà phê đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu luôn cao hơn hẳn so với cà phê loại 2, 3. Bởi vậy, chúng tôi luôn ưu tiên hàng tốt bán ra nước ngoài”.

Một số chủ doanh nghiệp cà phê lớn ở Việt Nam cho hay, thu mua cà phê nhân thô rồi xuất ra nước ngoài, quy trình đơn giản lại thu hồi vốn nhanh. Vì vậy, họ sẵn sàng dành việc chế biến, phục vụ thị trường trong nước cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

Số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương mới đây cho thấy, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2016 - 2017 ước đạt 26,55 triệu bao, tăng nhẹ so với mức dự đoán 26,05 triệu bao trước đó. Nguyên nhân chính là do sản lượng hạt cà phê tươi xuất khẩu được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong niên vụ 2017 - 2018 sẽ dao động trong khoảng 26,65 triệu bao. Những con số đó một lần nữa cho thấy, ngành cà phê Việt Nam chủ yếu quan tâm đến thị trường thế giới mà “bỏ lơ” thị trường nội địa.

Thiếu nền công nghiệp rang xay, pha trộn chuyên nghiệp, hiện đại?

Dịp vừa qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, trong đó có vụ chế biến cà phê từ pin Con ó chứa manganese độc hại ở Đắk Lắk. Vụ việc đã gây chấn động, khiến người tiêu dùng lo lắng và tiếp tục dấy lên sự lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khảo sát nhanh qua phóng sự của VTV cho thấy, đa số người Việt ưa chuộng cà phê pha hương liệu

Trước nghịch lý dễ thấy trong ngành cà phê của nước ta, chị Kiều Tuyết Hương, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ, một đất nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nhưng tại sao người dân lại không được đảm bảo đồ ăn, thức uống ngon, sạch, an toàn? Chúng ta làm ra những gì ngon, sạch, an toàn nhất thì đều xuất khẩu, bán cho các nước khác?

Facebook “Nam Ngô Trí”, một cư dân mạng chia sẻ, cà phê chủ yếu là của hộ dân làm ra, các công ty, nông trường Nhà nước thành lập cũng có nhưng không nhiều. Việc xây dựng thương hiệu cà phê, đồng thời đầu tư công nghệ chế biến tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng cao để chào hàng, giới thiệu sản phẩm trên tầm thế giới đặc biệt quan trọng. Nếu được quan tâm đầu tư bài bản sẽ nâng cao giá trị hàng hóa, có sức cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào, đồng thời tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

Số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tiếp tục cho thấy, dù giữ vị trí xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam cũng đang tăng nhập cà phê từ Mỹ, Brazil, Trung Quốc. Niên vụ 2016 - 2017, nước ta nhập khẩu từ các thị trường này khoảng một triệu bao, dự báo niên vụ 2017 - 2018 nhập gần 1,06 triệu bao (ước trên 63.600 tấn cà phê nhân).

Một ông chủ đưa thương hiệu cà phê nổi tiếng từ nước ngoài về Việt Nam xác nhận, công ty họ phải nhập toàn bộ nguyên liệu cà phê từ quốc gia khác, cho dù đầu tư kinh doanh tại Việt Nam… Tại sao như vậy? Nguyên sâu xa được nhiều chuyên gia thương mại cảnh báo là Việt Nam chưa có một nền công nghiệp rang xay phối trộn chuyên nghiệp, hiện đại. Điều đó dẫn đến giá trị thương mại của cà phê Việt thấp và không xây dựng được thương hiệu trên thế giới.

Đông Sơn

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/chuyen-nghich-ly-ca-phe-viet-mai-me-xuat-khau-bo-lo-san-nha-d2056104.html