Chuyện 'ngược đời' của một giáo viên xã Cư San

Khi đồng nghiệp nhiều người đã về thị trấn làm việc sau đủ năm công tác ở vùng sâu, cô giáo Nguyễn Vân Nhi vẫn làm chuyện 'ngược đời', đó là viết đơn xin ở lại gắn bó, không muốn rời xa ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu, xã Cư San, huyện M'Đrăk, tỉnh Đăk Lăk.

Là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, M’Đrăk cách xa trung tâm huyện hơn 50km đường rừng núi, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Dao. Nhớ những ngày đầu năm 2012, khi cô nhận quyết định giảng dạy tại đây, tâm thế phấn khởi 10km đầu tiên đã thay thế bằng những cuộc vật lộn với ổ voi, ổ gà, vũng bùn sâu hoắm trơn trượt hay đá lởm chởm. Sau 4 tiếng đồng hồ, gần 11h trưa cô cũng lên tới trường, nhìn lại mình lúc này người bê bết bùn, nhếch nhác như đi cày ruộng về, cô không khỏi bật cười.

Những đứa trẻ nơi đây đã coi cô là mẹ. Ảnh: Vân Nhi

Về sau, tôi được trải nghiệm nhiều cung đường đến trường còn “thú vị” hơn, lúc đi băng rừng hoặc vượt đò qua suối lớn, đến được trường cũng hết 8 giờ đồng hồ.

Vượt qua những khó khăn về đường xá, cô lao vào “cuộc chiến” chống lại nạn bỏ học của học sinh. Để lôi kéo học trò đến lớp, cô thường xuyên bám trường bám lớp, gần gũi với học trò để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, ghé thăm nhà học sinh để biết thêm về phong tục tập quán nơi đây. Cùng với đó là sự tìm tòi những phương pháp mới để khơi gợi sự sáng tạo, hứng thú cho học trò với môn học.

Cùng với đó, trong vai trò làm Tổng phụ trách Đội, cô Nhi có thêm cơ hội gần gũi với học trò của mình qua các hoạt động ngoài giờ, các hội thi, hội diễn. Những hoạt động đó khiến học trò của cô dần tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp và ham học học hỏi thêm nhiều điều mới lạ.

Cuộc sống có lẽ cứ thế trôi qua êm đềm ở một ngôi trường xa xôi hẻo lánh đó, nếu thử thách cuộc sống không một lần nữa khiến cô phải đấu tranh để được ở lại bản, ở lại với những học trò thân yêu của mình. Đó là khi cô có mang lần thứ hai, để đảm bảo an toàn sau lần sảy thai đầu tiên, cô không về mà ở lại trường. “Cuối tuần khi đồng nghiệp về nhà hết, ngôi trường vắng tanh buồn hiu quạnh, hai vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng vượt qua mọi thử thách để con khỏe mạnh”, cô kể.

Cuối năm 2016, khi đứa bé ra đời khỏe mạnh, những tưởng hạnh phúc sẽ trọn vẹn thì cô phát hiện con có những cơn co giật bất thường. Một lần nữa tim cô lại đau thắt khi bế con đi các bệnh viện khám chữa bệnh. Bác sĩ kết luận đứa trẻ có điểm bất thường ở não bộ nên gây ra các cơn co gồng mất ý thức. Thương con, hai vợ chồng không dám để bé cho ai trông mà mang vào trường, thay phiên nhau vừa dạy vừa trông con.

Cả gia đình đón chào năm học mới. Ảnh: Vân Nhi

“Tối đó chồng tôi lên huyện công tác, tôi phụ trách tổ chức trung thu cho các cháu ở trường, nên nhờ ông ngoại vào trông cháu. Vừa về đến nhà thì con lên cơn co giật. Mọi khi con chỉ co giật tầm 1-2 phút nhưng sao đêm đó gần 10 phút vẫn chưa hồi tỉnh, tôi hoảng loạn khóc ngất, định ẵm con chạy qua trạm xá cấp cứu, may thay cháu dần hồi tỉnh”, cô Nhi sợ hãi nhớ lại và nghĩ “đêm hôm đến được bệnh viện huyện là một vấn đề lớn”.

Thời gian trôi qua, những cơn co giật của con cũng giảm dần nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và vận động nên chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi. Để tiện cho con đi học mẫu giáo, cô gửi con ở lại thị trấn cùng ông bà và chỉ tranh thủ cuối tuần về thăm để rồi sáng hôm sau lại lên trường từ 4 giờ sáng.

Cô kể: “Những đợt luân chuyển giáo viên vào cuối năm học, vợ chồng tôi nhiều lần tranh cãi nhau vì anh muốn tôi chuyển về gần nhà, nhưng nguyện vọng của tôi muốn được tiếp tục công tác nơi đây. Lúc đó không một ai hiểu được trừ mẹ tôi. Bà cũng là một hiệu trưởng về hưu, nên luôn động viên “con hãy làm theo những gì lương tâm con mách bảo, mẹ sẽ giúp trông cháu”. Thế là nhiều dịp viết đơn xin về gần nhà luôn luôn không có đơn của tôi, nhìn đồng nghiệp lần lượt chuyển trường, người mới đến, rồi lại chuyển về, đôi lúc tôi cũng chạnh lòng nhưng thực sự chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình cả.

Các em học sinh bán trú tự túc nấu cơm sáng. Ảnh: Vân Nhi

Tạm gác những lo toan gia đình, cô Nhi thường xuống khu nhà bán trú của học sinh để hòa vào cuộc sống thường ngày của các em. Nhìn những đứa trẻ, chỉ lớn hơn con cô vài tuổi thôi nhưng cứ 4-5 giờ sáng, các em dậy gọi nhau đi nấu cơm, nấu canh cho bữa sáng. Thức ăn là là mắm muối dầm với ớt, rau luộc, bí xào, nhiều hôm “cao cấp” hơn là có cá khô, trứng hoặc mì tôm, cô nảy ra ý tưởng vận động bạn bè, người thân chia sẻ cho các em những vật dụng cũ. Món quà đầu tiên cô vận động được từ bạn bè là 100 cái mũ, 100 đôi dép mới và 100 cây bút. Về sau chuyện đó như là một nhiệm vụ thường niên mà cô tự đặt ra cho chính mình để giúp các em trên mảnh đất Cư San cằn cỗi này.

Từ một ngôi trường bé nhỏ, với những tấm lòng như cô Nhi, các thầy cô giáo Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu đã góp phần từng bước cải thiện cuộc sống và điều kiện học tập của học trò nơi đây. Cô tin, dù ở trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, nhưng với sự đam mê, yêu nghề thì người đó ắt sẽ gặt trái ngọt, và mong rằng có thật nhiều giáo viên giàu lòng nhiệt huyết chọn đến đây công tác để bù đắp những thiếu thốn, mang lại kiến thức cho các em, giúp các em mai này có thể làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi cảnh đói, nghèo đã đeo bám gia đình, thôn quê nhiều đời nay.

KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/chuyen-nguoc-doi-cua-mot-giao-vien-xa-cu-san-602806