Chuyện người tù vượt ngục năm xưa

Đường vào ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xuyên dưới bạt ngàn rừng cây của nhiều hộ dân, trong đó có gia đình đồng chí Ba Toản (tức Nguyễn Văn Mỹ), 78 tuổi, thương binh hạng 2/4, người chiến sĩ cộng sản vượt ngục, tình nguyện ở lại cùng quân, dân trên đảo chiến đấu đến ngày toàn thắng, rồi tiếp tục góp sức xây dựng, phát triển Phú Quốc đến hôm nay.

Năm 14 tuổi, Nguyễn Văn Mỹ hoạt động trong Đội thiếu niên xã Tân Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) rồi tham gia lực lượng du kích địa phương. Năm 1963, anh nhập ngũ, thuộc biên chế của Trung đoàn 426, Sư đoàn 330. Sau khi được huấn luyện nghiệp vụ đặc công, biệt động, anh tình nguyện đi B chiến đấu và được bổ sung vào đơn vị Trinh sát đặc công Quân khu Sài Gòn - Gia Định (Y4). Tết Mậu Thân (1968) anh bị địch bắt khi đánh sở chỉ huy tiểu đoàn xe bọc thép ở trại Phù Đổng (Gò Vấp). Chúng giam anh tại nhà tù Hố Nai (Biên Hòa), rồi đưa ra Trại giam tù binh cộng sản (TBCS) Việt Nam/Phú Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng bí mật trong Trại giam TBCS Việt Nam/Phú Quốc, đêm 22-6-1968, Ba Toản dẫn một số đồng chí vượt ngục. Thoát ngục, anh tình nguyện ở lại đảo tham gia lực lượng vũ trang địa phương và được phân công huấn luyện kỹ thuật đặc công. Thời gian này, cùng với việc đưa tù binh ra đảo, địch tăng cường lực lượng, phong tỏa đường biển, canh giữ trại giam rất nghiêm ngặt, khiến việc liên lạc của ta với đất liền vô cùng khó khăn.

Chỉ bằng cách thọc sâu, đánh hiểm mới khiến địch bất ngờ, hoang mang, cố thủ, hạn chế càn quét. Đánh đặc công vừa hiệu quả, dễ rút lui, vừa là hiệu lệnh để lực lượng địa phương nhịp nhàng phối hợp. Nhận định như vậy, Ba Toản tham mưu cấp trên cho thành lập Đội đặc công. Sau một thời gian hoạt động, thấy rõ hiệu quả chiến đấu của Đội, Huyện ủy đề nghị thành lập đội biệt động, nhưng quân số không đủ, vì thế Đội đặc công kiêm luôn biệt động. Theo thời gian, số TBCS vượt ngục tham gia chiến đấu tăng lên, từ 10 đồng chí, Đội đã có hơn 40 người với bốn phân đội, đóng tại ấp Xóm Mới, xã Cửa Cạn. Tháng 11-1968, đồng chí Ba Toản làm Đội trưởng của Đội đến ngày giải phóng.

Theo cựu TBCS Việt Nam/Phú Quốc, đội viên Đội đặc công, biệt động Phú Quốc Phạm Hồng Phi, để tạo thêm vũ khí đánh địch, Đội trưởng Ba Toản đã mày mò, lấy thuốc nổ (từ việc thu gom bom, pháo của địch) đóng thành cục, bọc ni-lông, buộc dây chun, cắm nụ xòe. “Thủ pháo” này khi nổ không văng mảnh trúng người đánh như trước, lại khá hiệu quả. Đội đã tập kích nhiều trận, giáng những đòn trí mạng vào hang ổ địch; cảm hóa được một số người lầm đường, lạc lối; giúp phong trào kháng chiến của địa phương trưởng thành vượt bậc, góp phần làm nên huyện Phú Quốc Anh hùng.

Mốc son mở ra hàng loạt trận đánh đặc công ở Phú Quốc là trận đánh đồn Cây Thông, ngày 3-12-1968. Đồn án ngữ hướng đông bắc chi khu Phú Quốc thuộc cao điểm 106, được xây dựng khá quy mô và trang bị vũ khí hiện đại. Nhận lệnh diệt đồn, Đội trưởng Ba Toản dẫn một tổ đột nhập quan sát địa hình, vẽ sơ đồ, lập phương án tác chiến. Để bảo đảm chắc thắng, anh lại trườn mình gỡ rào, vô hiệu hóa bãi mìn, kiểm tra kỹ lưỡng rồi trở ra, dẫn đồng đội tiến vào. Chỉ năm phút phối hợp lực lượng bên ngoài, ta đã diệt gọn đại đội lính bảo an, bắt sống tên đồn trưởng, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Những trận đánh liên tiếp của Đội sau đó tại Bãi Ngoài, Bãi Trong, Gành Gió, Bàu Chuối,... làm kẻ địch hoang mang, lo sợ, tự phá sản kế hoạch “Phượng hoàng” ở Phú Quốc. Tháng 2-1970, đồng chí Nguyễn Văn Mỹ vinh dự được kết nạp Đảng.

Dù đã về hưu nhưng đồng chí Ba Toản vẫn miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu cách thức sản xuất nông nghiệp, khởi đầu là học cách trồng tiêu, nghề truyền thống của người dân Phú Quốc. Trên mảnh đất cằn cỗi, thiếu nước sản xuất, đồng chí tìm cách chặn dòng chảy của suối, làm thủy điện nhỏ để lấy nước tưới và điện sinh hoạt cho gia đình đồng thời giúp đỡ bà con chung quanh. Tiền thu hoạch từ bán tiêu lại được đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình đồng chí Ba Toản đã có 17 ha đất cùng hàng chục nghìn cây dó bầu, dầu, dừa, trụ tiêu… đang cho thu hoạch, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Đồng chí Ba Toản tâm sự: “Hơn nửa năm ròng rã băng rừng hành quân vào miền nam, nhiều đồng chí hy sinh, có người phải nằm lại giữa đường vì sốt rét, bệnh tật. Tôi có ngày hôm nay là nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của núi rừng Phú Quốc, của đồng đội, người dân trên đảo".

Qua nhiều cương vị công tác như Trưởng ban Chính trị Huyện đội, Chính trị viên bộ đội địa phương, Trưởng ban Xây dựng Bắc đảo, Trưởng ban Liên lạc TBCS Việt Nam/Phú Quốc từ năm 2003 đến nay, đồng chí Ba Toản luôn gương mẫu, trách nhiệm, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba, ba huy hiệu chiến dịch, Bằng khen Lao động xây dựng thủy nông, Bằng khen cá nhân sản xuất giỏi cấp tỉnh 25 năm liên tục.

HOÀNG LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34080602-chuyen-nguoi-tu-vuot-nguc-nam-xua.html