Chuyện nhập nhèm ở phòng khám tư

Chủ trương xã hội hóa y tế được triển khai sâu rộng, trong đó có việc cho phòng khám tư nhân sử dụng bác sĩ người nước ngoài nhưng lại phát sinh nhiều diễn biến phức tạp hơn.

Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có hàng trăm phòng khám có bác sĩ người nước ngoài, hầu hết là bác sĩ người Trung Quốc (thường gọi là phòng khám Trung Quốc).

Các phòng khám này cũng có nhiều bác sĩ giỏi và tham gia khám chữa bệnh, giá cả phải chăng... Tuy nhiên, càng về sau, các phòng khám Trung Quốc đã vi phạm cả về chuyên môn lẫn y đức. Sai phạm phổ biến của các phòng khám tư nhân ở Hà Nội và TP.HCM là các bác sĩ nguời Trung Quốc thường hoạt động “chui”.

Các cơ sở này không có giấy phép hành nghề tại Việt Nam; không khám chữa bệnh theo đúng đăng ký; quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn; cơ sở khám chữa bệnh và trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, thậm chí rất bẩn thỉu, nhếch nhác; không có phòng xét nghiệm; không lập hồ sơ bệnh án theo đúng quy định; nhập nhèm trong kê toa thuốc và không có phác đồ điều trị rõ ràng...

Ngày 24/12, chị T. đến Phòng khám đa khoa Hồng Phúc (địa chỉ số 203A, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đăng ký khám bệnh và đóng số tiền 740.000 đồng. Tại đây, chị T. được một bác sĩ (không rõ họ tên) khám, chẩn đoán thai 5 tuần tuổi và chị T. được cho đi xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm. Bệnh nhân được hướng dẫn ký cam kết đồng ý làm các thủ thuật phá thai.

Lực lượng công an kiểm tra phòng khám Hồng Phúc. Ảnh: Đình Biên / Sức Khỏe Đời Sống.

Sau khi được tư vấn, chị T. đồng ý gói dịch vụ hút thai giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ thuật hút thai, chị T. liên tục kêu đau. Nhân viên tại đây tư vấn, thuyết phục chị T. sử dụng gói dịch vụ cao hơn để không bị đau, nếu không sẽ nguy hiểm. Do bị đau và quá lo sợ, nên chị T. đồng ý ký cam kết khi đang nằm trên giường cho nhân viên làm các thủ thuật hút thai. Đến 13h cùng ngày, chị T. được một bác sĩ (chưa rõ họ tên) thông báo chi phí điều trị là hơn 19 triệu đồng. Thắc mắc về điều này với nhân viên phòng khám không được giải đáp thỏa đáng, chị T. báo với công an.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an Đồng Nai đã kịp thời có mặt, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế điều tra vụ việc. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện, Phòng khám đa khoa Hồng Phúc có hơn 10 người đang làm việc tại đây, trong đó có 6 bác sĩ là người Trung Quốc.

Tiếp tục đối chất với bệnh nhân, nhân viên Cao Thị Kim Phụng (người trực tiếp đặt mỏ vịt vào âm đạo bệnh nhân) và bà Li Ke Li (người Trung Quốc, trực tiếp hút thai cho bệnh nhân) thừa nhận đã tư vấn, làm các thủ thuật phá thai cho bệnh nhân. Bà Phụng cũng chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn hành nghề và cũng không có tên trong danh sách nhân sự mà phòng khám đăng ký với Sở Y tế. Bước đầu, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản sự việc, tạm giữ 1 sổ khám bệnh và 2 toa thuốc của bệnh nhân để tiếp tục điều tra, làm rõ, nhằm xử lý theo quy định pháp luật.

Phòng khám đa khoa Hồng Phúc (thuộc Công ty TNHH MTV Hồng Phúc) do bà Trần Phương Hoa (tỉnh Đồng Nai) chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn kỹ thuật; người trực tiếp quản lý phòng khám là bà Trần Thị Thu Hà. Phòng khám có giấy phép khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế Đồng Nai cấp.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do phòng khám này có hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và buộc phải chấm dứt hành vi trên.

Điều đáng lo ngại là tình trạng “vẽ bệnh” để trục lợi với giá khám chữa bệnh cao ngất ngưởng ở nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài. Một ca tiểu phẫu cắt bao quy đầu ở bệnh viện công chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng, nhưng một phòng khám Trung Quốc đã buộc bệnh nhân phải trả đến từ 10 triệu cho đến 30 triệu đồng, cao gấp hàng trăm lần. Đây quả là thực trạng nhức nhối. Nhiều bệnh nhân lâm cảnh khánh kiệt mà bệnh vẫn đeo đẳng khi chữa trị tại các phòng khám này.

Để chấn chỉnh thực trạng nhức nhối trên, trước hết ngành y tế các địa phương phải siết chặt việc thẩm định và cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở y tế tư nhân, các phòng khám có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là các phòng khám Trung Quốc. Kiểm tra của ngành y tế vừa qua cho thấy 100% phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm, phạt hàng chục tỷ đồng. Đây rõ ràng là một kẽ hở trong việc quản lý y tế tư nhân cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới. Cần xử lý nghiêm, thậm chí cấm hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam những bác sĩ người nước ngoài vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng.

Theo Hoàng Song / Sức Khỏe Đời Sống

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chuyen-nhap-nhem-o-phong-kham-tu-post1029833.html