Chuyện "nhặt" ở vùng biên

Về Lào Cai lần này, chúng tôi chọn Mường Khương - huyện vùng cao biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhiều đổi thay từ vùng đất này sẽ khiến người ta có cái nhìn khác về đời sống của một bộ phận người dân tộc thiểu số.

Mương Khương là tên gọi có từ thời thuộc Pháp, người dân địa phương thường gọi là Mưng Khang (tức Mường Khang). Mường Khương có tới 14 dân tộc cùng chung sống, nhưng đông nhất vẫn là người Mông. Với chiều dài biên giới 96 km, nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng vì có 2 cửa khẩu quốc gia đất liền là Sín Tẻn và Pha Long. Những triệu phú Bản Lầu Địa danh Bản Lầu khiến chúng tôi tò mò muốn "mục sở thị" bởi đây là xã vùng cao không còn thuộc diện 135 với tỷ lệ đói nghèo chỉ dưới 16%. Tới Bản Lầu, đường ôtô có thể chạy khắp các thôn, bản. Bao bọc quanh chặng đường 20km là bạt ngàn những đồi dứa và đồi chuối. Sự trù phú của cuộc sống nơi đây không phải "thóc đầy bồ, ngựa đầy chuồng" mà vì cây dứa và cây chuối đang mang lại cho bà con vật chất sung túc, hiện đại hơn với tivi, tủ lạnh, thậm chí cả xe hơi và biệt thự. Một thoáng Lùng Khấu Nhin (Mường Khương). Thào Thắng, Phó Trưởng bản Cốc Phương là một triệu phú trẻ tiêu biểu. Chàng trai người Mông 30 tuổi đã học hết lớp 12, nói tiếng Kinh khá rành, nhưng anh vẫn ngập ngừng khi nói về sự làm giàu của mình. Thắng đã có vợ con, dưới anh còn 7 đứa em, gia đình anh hiện đang trồng hơn 20ha dứa và chuối, thu nhập trên 150 triệu đồng. Để phát triển sản xuất, Thắng còn học lái xe và sắm được chiếc xe tải to để chở hàng. Khi hỏi "có phải là người giàu nhất bản không?", anh lắc đầu: "không đâu, còn nhiều người làm ăn giỏi và thu nhập hơn mình nhiều". Thắng đưa chúng tôi đi tham quan những đồi dứa đã nặng quả sắp đến kỳ thu hoạch. Vui mừng vì đời sống gia đình no đủ, ấm êm, nhưng anh có những dự tính ở tầm xa: "Mình đang thử nghiệm trồng cây cao su, nhiều người trong thôn cũng đã bắt đầu trồng một số diện tích rồi. Cây chuối và cây dứa trồng nhiều, nay mai sẽ khiến đất sớm bạc màu lắm". Không còn chút định kiến về tập quán sản xuất vốn được coi là "bị động" và "nặng phụ thuộc", điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là tự chủ làm ăn của người dân tộc ở đây. Hỏi ra mới biết hầu hết kinh nghiệm trồng trọt đều do họ tự tìm hiểu, học hỏi và truyền tụng cho nhau. Họ còn biết chủ động tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm và cả cơ hội giao thương xuất khẩu sang nước bạn. Nằm ở vành đai biên giới, Trung Quốc và Việt Nam chỉ cách nhau lòng suối không đầy 3m, nhưng Bản Lầu lại là địa bàn rất yên bình. Cũng dễ hiểu thôi, khi cuộc sống đã đầy đủ, người ta không nghĩ đến bán hàng quốc cấm, buôn ma túy hay môi giới phụ nữ qua biên giới nữa? Chiếc váy Mông "cách điệu" Sau một ngày điền dã tại địa phương, chúng tôi nghỉ đêm lại ở nhà trưởng bản Cốc Phương. Nhà trưởng bản tiện nghi, nhưng vẫn dựng theo truyền thống người Mông với 3 gian gỗ, góc bếp luôn ấm với thịt lợn hun lửa. Không thấy con dâu của trưởng bản mặc váy Mông, chúng tôi gặng hỏi thì được chị Lù Thị Mai mang cho xem 2 bộ váy áo cất trong tủ. Vừa mặc thử cho chúng tôi ngắm, Mai vừa cười: "Những bộ này mình có từ trước khi lấy chồng, bây giờ thì ít mặc lắm, chỉ khi có dịp mới mặc, mà lễ hội bây giờ thì ít". Phiên chợ Pha Long. Không riêng gì Cốc Phương mà ở nhiều thôn, bản khác cũng ít nhìn thấy thiếu nữ Mông mặc đầy đủ một bộ váy áo truyền thống. Vào dịp sinh hoạt văn hóa, nhiều em còn thích đi giày bốt cao cùng những bộ váy áo hoàn toàn cách điệu với gam màu sáng và đính hạt cườm lóng lánh. Phụ nữ ở đây vẫn có ý thức giữ gìn truyền thống, nhưng trang phục của họ phần lớn lại là những chiếc váy xòe đơn giản được thêu bằng máy do Trung Quốc sản xuất. Theo ông Nguyễn Trí Thức, Trưởng phòng Văn hóa Mường Khương thì đây là sự giao thoa, phản ánh "cái mới" trong đời sống người dân tộc. Bình thường một bộ váy áo truyền thống phải mất đến 1 năm thêu tay và may xong, trong khi đó váy Trung Quốc bán vừa rẻ, vừa tiện. Vẫn biết, khi hội đến, người ta vẫn không thiếu trang phục truyền thống để diện, chiếc váy Mông quá cầu kỳ, nặng nề, nhưng ông Thức và chúng tôi đều có chung một nỗi lo ngại về sự biến mất của bản sắc. Sẽ ra sao khi những thế hệ phụ nữ Mông sau này không biết đến cách làm trang phục của dân tộc mình? Nỗi khổ... thiếu nước Lại một chuyện nhỏ mà chúng tôi ghi lại được khi dừng chân ở Đồn Biên phòng Pha Long, nằm ngay cạnh chợ phiên miền núi vui vẻ và sầm uất. Theo các cán bộ của Đồn thì Pha Long là một xã biên giới có tình hình an ninh khá ổn định, thi thoảng mới có hiện tượng buôn bán và xuất - nhập cảnh trái phép. Phó Đồn trưởng Mai Đức Thịnh là người miền xuôi lên công tác, khó khăn lớn nhất của anh không phải đối mặt với tội phạm mà lại là chuyện thiếu nước của vùng này. Hiện nguồn nước tại đây chỉ đủ để nấu ăn, muốn có nước dùng sinh hoạt phải đi tới 5 - 7km. Người dân ở đây chủ yếu chờ mưa và thường tiết kiệm nước bằng cách sử dụng nhiều lần, ví dụ cùng một lượng nước, người ta có thể dùng để rửa mặt, rửa rau, rồi sau đó rửa chân, tưới cây. Nói về nguyên nhân nguồn nước cạn kiệt, anh Thịnh cho rằng bên cạnh địa hình chia cắt thì phần nhiều do diện tích rừng đang bị thu hẹp. Trong khi nguy cơ cháy rừng càng cao thì nhiều người dân vẫn chưa có ý thức bảo vệ rừng khi đốt nương... Rời Mường Khương trong cái nắng "trái mùa" oi ả. Cuộc sống của một vùng biên ải không còn ám ảnh bởi cái nghèo, nhưng vẫn chưa hết những khắc nghiệt về địa thế và thời tiết. Nhìn những đồi chuối, đồi dứa ngút tầm mắt, chúng tôi chợt chạnh lòng và mơ hồ nghĩ về một tương lai, khi nơi đây chỉ còn lại những đồi trọc, trơ đất vì bạc màu? Có lẽ, cũng không nên quá lo, vì với sự chăm chỉ, chủ động của người dân tộc vùng biên này, họ sẽ lại nghĩ ra được cách canh tác mới. Mong rằng lúc đó họ sẽ làm giàu bằng cách trồng nhiều rừng và các giống cây phù hợp khác. Theo Thế giới và Việt Nam

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/phong-su-ky-su/chuyen-nhat-o-vung-bien/37494.074.html