Chuyện những thầy thuốc bám bản

Không kể trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, người dân ở các xã vùng cao đã quen với hình ảnh những thầy thuốc không nề hà vất vả, khổ cực, miệt mài bám bản, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng cao.

Bà đỡ của dân

Đến Trạm Y tế xã Bình An (Lâm Bình) nhắc đến nữ hộ sinh Ma Thị Miền các đồng nghiệp thường tếu táo: “Chị Miền đỡ đẻ” chứ gì. Chị ấy số vất vả, lúc nào cũng “miệng nói tay làm”, chẳng bao giờ thấy nhàn rỗi cả”.

Là người dân tộc Tày, xã Bình An, ngay từ nhỏ, cô bé Ma Thị Miền đã thấy được sự vất vả của người dân nơi đây khi gặp cảnh đau ốm. Cô gái Miền bảo: “Lớn lên con sẽ đi học làm thầy thuốc về chữa bệnh cho bà con quê mình”. Ai nghe cũng tưởng cô bé nói cho vui. Nào ngờ, cô bé loắt choắt ngày nào đã trở thành cô nữ hộ sinh khoác trên mình bộ áo blue trắng. Chị Miền tâm sự, trước kia trong xã khi có người ốm đau, các gia đình chỉ biết mời thầy cúng về “đuổi con ma” mà không biết đưa người bệnh đến Trạm Y tế khám bệnh.

Nữ hộ sinh Ma Thị Miền, thăm khám cho người bệnh tại thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình).

Nữ hộ sinh Ma Thị Miền, thăm khám cho người bệnh tại thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình).

Nhớ lại quãng thời gian công tác, chị Miền chia sẻ: “Hơn 10 năm công tác mình có nhiều kỷ niệm trong nghề lắm. Nhưng kỷ niệm nhớ mãi là chuyến đi đỡ đẻ đầu tiên của mình khi mới ra nghề. Hôm đó là một ngày cuối năm năm 2000, 3 giờ sáng ngoài trời mưa to, mình nằm mãi không ngủ được. Bỗng có tiếng chó sủa nhức tai phía cổng nhà. Mình vội vàng mở cửa khi nghe tiếng gọi gấp gáp của anh Lý Văn Hành, ở thôn Tiên Tốc gọi nói vợ anh đang đau bụng lắm, sắp sinh em bé rồi. Chỉ kịp mặc chiếc áo khoác vào người cho đỡ lạnh, mình vội vàng đeo chiếc túi có bộ đồ đỡ đẻ theo chân anh Hành vượt quãng đường dốc lổn nhổn đá nhọn”.

Trong ngôi nhà đất nhỏ dưới chân núi, vợ anh Hành bụng to vượt mặt đang thở hổn hển, mặt tái đi trong cơn đau quằn quại. Chị Miền vội vàng rửa tay thật sạch, ngâm nước sôi sát trùng bộ đồ đỡ đẻ và động viên sản phụ giữ nhịp thở thật đều để chuẩn bị sinh. Hơn một tiếng sau, cháu bé kháu khỉnh, bụ bẫm vừa lọt lòng mẹ. Đến lúc này, chị Miền mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì đây là ca đỡ đẻ đầu tiên của chị. Đến bây giờ thì chị Miền không nhớ nổi mình đã đỡ bao nhiêu ca đẻ như thế nữa.

“Chiến đấu” với hủ tục vùng cao

Năm 1998, chàng trai trẻ Ma Văn Tiểng sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y Tuyên Quang được phân công công tác tại Trạm Y tế xã Hồng Thái (Na Hang), một xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Được biết vào thời điểm đó, con đường đến xã heo hút, quanh co, điện không có, dân cư thưa thớt đời sống nhân dân nhiều khó khăn với những hủ tục lạc hậu. Anh Tiểng kể lại, thời điểm năm 1998 người dân ở đây lúc ốm đau, bệnh tật có nằm liệt giường thì cũng chỉ có niềm tin duy nhất là do con ma rừng gây ra. Không tin vào thầy thuốc, họ nghĩ đến thầy mo, thầy cúng đầu tiên mỗi khi có bệnh, tốn không ít tiền sắm sửa lễ vật, trả công cho thầy cúng “đuổi ma rừng”.

Bác sỹ Ma Văn Tiểng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Thái tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân.

Không lùi bước trước khó khăn và để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, năm 2005, anh đi học nâng cao trình độ chuyên môn tại trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, chuyên ngành bác sỹ đa khoa. Sau khi cầm tấm bằng bác sỹ trên tay anh Tiểng quay lại công tác tại trạm và điều trị thành công nhiều ca bệnh cúng mãi không khỏi. Những ca bệnh điều trị thành công đó, bác sỹ Tiểng đã từng bước gây dựng được niềm tin của người dân nơi đây vào thầy thuốc. Hiện nay, người dân trên địa bàn xã không còn tin “thầy cúng” đuổi ma rừng nữa. Bác sỹ Tiểng nhớ lại trường hợp bệnh nhân hơn 40 tuổi sống cách trạm y tế chừng 10 km. Bỗng dưng cơ thể mệt mỏi, suy nhược không thể làm việc, gia đình nghĩ người này bị “ma làm” nên đã mời thầy mo về nhà làm lễ cúng bái. Nhưng làm lễ đến ba lần mà bệnh tình không thuyên giảm, trái lại sức khỏe càng suy kiệt hơn. Đến lúc này, người nhà mới đến trạm mời bác sỹ xuống thăm khám. Bác sỹ Tiểng mang theo thuốc, dụng cụ y tế chữa cho bệnh nhân. Sau khi được thăm khám, được uống thuốc, tình trạng người bệnh thuyên giảm. Từ ngày đó, người dân dần dần thay đổi nhận thức về khám chữa bệnh. Thay vì tìm đến thầy cúng, thầy mo thì giờ người dân đã đến trạm y tế chữa bệnh.

Với y sỹ Phạm Việt Anh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Phú (Hàm Yên), người có 27 năm gắn bó với quê hương nơi anh sinh ra, từng con đường, ngõ ngách anh đã thuộc như lòng bàn tay.

Y sỹ Phạm Việt Anh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Phú (Hàm Yên) tư vấn sức khỏe cho người dân.

Anh Việt Anh nhớ lại, năm 1996 anh về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Yên Phú, ngay trong ca trực đầu tiên, anh đã nhận nhiệm vụ đi xuống thôn cấp cứu một sản phụ ở thôn 2 Yên Lập. Hôm đó, anh cùng đồng nghiệp đi mất 1 giờ đồng hồ để vượt qua quãng đường gần 10 km toàn bùn đất đầy gian khó. Khi đến nơi thì bà bầu vừa bị vỡ ối sớm. Người nhà cùng nhân viên y tế phải dùng võng để đưa sản phụ đến trạm y tế. Đi được nửa quãng đường, thấy tình trạng của sản phụ nguy kịch, anh và mọi người buộc phải hạ võng để đỡ đẻ tại chỗ. May mắn sau đó sản phụ đã mẹ tròn con vuông.

Ngoài việc nâng cao chất lượng khám sức khỏe ban đầu cho người bệnh tuyến cơ sở, anh đã cùng y, bác sỹ của Trạm Y tế xã Yên Phú tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà từ năm 2005 đến nay trên địa bàn xã không có trường hợp tảo hôn, tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt trên 97%, trên 95% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Không có khó khăn nào là không thể vượt qua, với sự yêu nghề, và quan trọng là nghị lực của đội ngũ y, bác sỹ bám bản đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con, góp phần nâng cao sức khỏe của bà con ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Với tấm lòng hết mình phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ luôn tỏa sáng với hình ảnh “Lương y phải như từ mẫu”.

Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/chuyen-nhung-thay-thuoc-bam-ban-172633.html