Chuyện nữ trinh sát báo vụ an ninh khu 10 Bình Phước

Gặp lại bà - Thượng tá Nguyễn Thị Hải (70 tuổi) đúng dịp cuộc hội ngộ những người đồng đội Công an chi viện chiến trường miền Nam do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua, thấy bà vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn khiến tôi thấy mừng lắm.

Trong không khí thiêng liêng của buổi gặp mặt, những ký ức về một thời thanh niên rực lửa, sẵn sàng xung phong lên đường vào tuyến lửa, chi viện chiến trường miền Nam năm nao trong bà lại ùa về.

Sinh năm 1953 tại Gia Lâm, Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Thị Hải là cháu ruột của Đại tá Nguyễn Ích Trung, người phụ trách đơn vị Điện báo Liên khu 5, trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Sau này hòa bình lập lại, ông Nguyễn Ích Trung trở về công tác tại Văn phòng Bộ Công an với nhiệm vụ Trưởng phòng Thông tin bưu chính.

Thượng tá Nguyễn Thị Hải và cậu ruột - Đại tá Nguyễn Ích Trung tại buổi gặp mặt truyền thống 30/4/2023.

Thượng tá Nguyễn Thị Hải và cậu ruột - Đại tá Nguyễn Ích Trung tại buổi gặp mặt truyền thống 30/4/2023.

Năm 13 tuổi, noi gương người cậu ruột, bà Hải đã rời gia đình để tham gia lớp đào tạo nữ trinh sát đặc biệt chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong suốt những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, bà và các đồng đội đã vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh để bảo vệ thông tin liên lạc thông suốt, đảm bảo an toàn bí mật, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với nụ cười hiền hậu nở trên môi, bà Hải say sưa kể cho tôi nghe câu chuyện về những ngày bà tham gia lớp đào tạo nữ trinh sát đầu tiên và duy nhất để chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi ấy, vào một đêm đông cuối năm 1966, cô bé 13 tuổi Nguyễn Thị Hải đang ở nhà cùng bố mẹ thì Đại tá Nguyễn Ích Trung, người cậu ruột đạp xe đến thăm, động viên bố mẹ cho cô đi học một lớp đặc biệt để tham gia đánh Mỹ. Cả nhà bà vui lắm, mà Hải là người vui sướng nhất. Mặc dù hồi đó, Hải mới 13 tuổi, thân hình bé nhỏ chỉ cao 1m38, nặng 34kg nhưng nghe thấy được cùng cậu đi đánh Mỹ, noi gương cậu mình trở thành người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc khiến Hải xúc động cả đêm đó không ngủ được.

Lớp nữ trinh sát đặc biệt của Hải có 60 người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, độ tuổi chừng 13-16, được chia ra thành các cụm nhỏ về ở tại nhà dân ở Hà Tây (cũ), nay là TP Hà Nội để học tập, rèn luyện. Họ học rất nhiều thứ: học văn hóa, học chính trị, chuyên môn nghiệp vụ Công an, học bơi, học trèo cây, bắn súng... Vì đây là lớp đào tạo cấp tốc nên lịch học rất gấp rút, dường như không có ngày nghỉ.

Mấy ngày đầu xa nhà, những cô bé ở tuổi 13 rất háo hức với những điều mới lạ nhưng họ vẫn không tránh khỏi nỗi nhớ nhà da diết. Nhiều đêm nhớ nhà, nhớ mẹ, Hải và mấy người bạn cùng nhóm không ngủ được, nằm ôm nhau khóc. Ba năm sau khi kết thúc lớp học, những cô bé trong lớp đào tạo nữ trinh sát đặc biệt đã có những kiến thức cơ bản về nhiệm vụ cách mạng để bước vào một cuộc chiến mới, không phải chỉ bằng thực hành mà bằng hiện thực chiến tranh, có thể là đổ máu, có thể phải hy sinh nhưng ai cũng không sợ, háo hức viết đơn tình nguyện ra chiến trường, trong đó có bà.

Thượng tá Nguyễn Thị Hải còn nhớ, ngày đầu, đơn của Hải không được duyệt vì không đủ chiều cao. Hải đã nằm khóc, vật vã đến nỗi cái giường cũ bị gãy nan, sập xuống. Thấy cháu gái mình quá tha thiết xin ra tiền tuyến, cậu Nguyễn Ích Trung đã xin với tổ chức cho Hải được thực hiện nguyện vọng của mình. Ngày ra đi, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hải mang trên lưng ba lô nặng gần 30kg, gần bằng sức vóc mình lúc bấy giờ. Quãng đường vào Nam xa xôi, hiểm trở, trèo rừng, lội suối đối với một thiếu nữ trẻ quả thật không hề đơn giản. Đường rừng lắm vắt, nhiều muỗi khiến cô gái trẻ nhiều lần lên cơn sốt rét lại vừa phải tránh những trận bắn phá của địch nên phải mất ba tháng luồn rừng đằng đẵng bà và mấy người đồng đội mới tới được Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, rồi được phân công về Ban An ninh Khu 10 (thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước). Đó là một trong những địa bàn gian khổ, ác liệt nhất của miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước lúc bấy giờ.

Nơi Hải và đồng đội làm công tác thông tin báo vụ là những cánh rừng già lồ ô quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá. Suốt sáu tháng ròng rã chẳng có lấy một hạt gạo, hạt muối, chỉ có củ sắn, củ mài, rau rừng, măng rừng lót dạ thay cơm. Thời tiết vào mùa hanh khô, đến nước suối cũng không có mà uống. Điện đài liên lạc bí mật không thể ở một nơi nào lâu được, để tránh sự phát hiện của địch, cứ hai tháng một lần bà và các nữ điện báo lại phải hành quân, chuyển điện đài, máy móc điện đài vừa nặng, vừa to, khoác trên vai đi tìm căn cứ mới.

Còn “nhà ở” là những tấm tăng căng giữa rừng hay những căn hầm, nửa trên mặt đất, nửa dưới lòng đất. Mỗi khi trời mưa thì hầm ngủ biến thành bể chứa nước. Đấy là chưa kể những hôm địch phát hiện ra trạm thông tin và rải bom. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, bà Hải đã bao lần may mắn thoát chết trong những giây phút cận kề, và cũng phải ngậm ngùi chứng kiến sự hy sinh của biết bao đồng đội, không chỉ bởi bom mìn địch đe dọa thường trực, ở chốn nước độc rừng thiêng, có người còn chết vì rắn độc, lũ quét.

Chính vì môi trường khắc nghiệt, lại sống trong điều kiện thiếu thốn nên cô gái trẻ Nguyễn Thị Hải đã bị nhiễm khuẩn, nhiều lần lên cơn sốt rét, thân thể lúc thì bị phù nề, lúc lại xanh như tàu lá rừng, những mũi tiêm dày đặc cơ thể bị áp se đã để lại trên người bà những di chứng lồi, lõm cả một vùng thịt da. Nhưng chính trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt, tưởng không qua khỏi những trận ốm nguy kịch thì cô gái trẻ Nguyễn Thị Hải đã gặp người y sĩ đã chăm sóc tận tình với sự cảm thông và lòng thương yêu sâu sắc. Hai người bén duyên nhau và sau ngày ra viện trở lại với cuộc sống chiến đấu, hai người đã có một đám cưới đẹp mà giản dị trong tình thương vun đắp của đồng đội. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trở về miền Bắc thân yêu, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hải tiếp tục công việc của một người lính thông tin ở tổng đài của Bộ Công an.

48 năm chiến tranh đã đi qua, giờ đây, Thượng tá Nguyễn Thị Hải đã nghỉ hưu nhưng bà luôn là một thành viên tích cực trong Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam. Cả một thời thanh xuân bà đã kiên trung vì sứ mệnh của một nữ trinh sát đặc biệt và cả một đời cống hiến cho công tác thông tin liên lạc của lực lượng CAND. Bà luôn cảm ơn số phận đã cho bà may mắn trở về sau chiến tranh, trở về để kể lại cho con cháu, cho thế hệ hôm nay hiểu được phần nào những cống hiến hy sinh của cha anh, hiểu để sống tốt hơn và càng thêm nỗ lực hơn trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.

P. Tâm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/chuyen-nu-trinh-sat-bao-vu-an-ninh-khu-10-binh-phuoc-i691999/