Chuyện ở quán Đường Gia

Cuối năm, tôi vào công tác TP. Hồ Chí Minh. Và rồi bạn tôi, anh Đặng Hoàng Phúc - Chủ tịch Tập đoàn Ngọc Viễn Đông - đã đưa tôi đi Bình Dương.

Từ TP. Hồ Chí Minh đi Bình Dương nhanh hơn ngày xưa rất nhiều. Đường cao tốc phẳng lì, rộng rãi. Đi chừng khoảng gần giờ đồng hồ thì đến thành phố Thủ Dầu Một. Chúng tôi ghé thăm và đón cậu con trai của Phúc đang học năm thứ hai Đại học Bình Dương rồi ra quán Đường Gia ở đường N10, khu dân cư Chính Nghĩa.

Quán Đường Gia, cái tên nghe như trong truyện kiếm hiệp. Hai vợ chồng chủ quán ra tận cổng đón khách. Hỏi, tôi mới biết hai vợ chồng chủ quán là anh Nguyễn Thanh Thạnh ở Bình Dương lấy chị vợ người Tày - Đường Thị Phương Lý. Người chồng tuổi trung niên, cao to, khỏe mạnh còn người vợ có vóc dáng nhỏ nhắn, xinh đẹp trông trẻ hơn chồng khá nhiều.

Tôi từng đi nhiều nơi, tới nhiều thành phố cả trong nước và nước ngoài nhưng hiếm thấy ở đâu có một cái quán ăn lại có kiến trúc đẹp và gần gũi như Đường Gia. Đó là kiến trúc hòa lẫn vào khung cảnh thiên nhiên đẹp mắt, cũng như cách bày biện các thứ đồ dùng sạch bóng, tinh tươm. Khách khứa tấp nập ra vào bước đi trên lối mòn rải sỏi trắng xóa giữa hai hàng thủy trúc dẫn từ cổng vào tận phòng ca nhạc có sân khấu rộng, trang bị đầy đủ các loại trang âm, nhạc cụ, hệ thống đèn chiếu đủ các màu sắc để phục vụ dàn nhạc sống…

Như thế đủ biết là quán Đường Gia làm ăn phát đạt như thế nào. Mới đầu tôi nghĩ vì vợ mang họ Đường nên chủ quán mới đặt tên là quán Đường Gia. Nhưng hóa ra không phải như vậy.

Câu chuyện bắt đầu tháng tư năm 1975. Khi đó có anh chiến sĩ giải phóng quân người Tày tên là Đường Phúc Vạn - ở bản Nà Dụ, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, Bắc Kạn cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn. Anh giải phóng quân Đường Phúc Vạn là thượng úy, chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 205, Sư đoàn 5. Sau giải phóng Sài Gòn, anh Vạn tham gia lực lượng quân quản thành phố. Sau nhiều lần đi xuống cơ sở nắm bắt tình hình đời sống, xã hội anh Vạn may mắn gặp cô gái Huỳnh Thị Cẩm Hà là người đẹp Bình Dương khi đó.

Đôi trai tài, gái sắc yêu nhau say đắm và đi đến hôn nhân rồi sinh sống trong một ngôi nhà đơn sơ ở Thủ Dầu Một. Họ có với nhau hai cô con gái, cả hai đều rất xinh đẹp, da trắng nõn nà, mắt đen láy. Ông Đường Phúc Vạn đặt tên con gái đầu là Đường Thị Hoài Phương, đứa thứ hai là Đường Thị Phương Ly. Ông đặt tên cho con như thế, bởi ông muốn gửi gắm vào đó nỗi niềm da diết luôn nhớ về quê hương miền Bắc. Mỗi cái tên mang một nét tâm trạng của người cha bao năm sống biền biệt xa quê…

Như những mái ấm gia đình thời đó, thiếu thốn về vật chất nhưng trong nhà luôn ngập tràn tiếng cười, tình yêu thương của vợ chồng, cha mẹ với con cái. Gia đình của anh chiến sĩ giải phóng quân người Tày và cô gái người đẹp Bình Dương thực sự hạnh phúc. Hai vợ chồng cùng nuôi hy vọng về một ngày mai khi hai cô con gái của họ lớn lên thì ba má cùng các con sẽ về thăm quê nội. Sau này, ông Đường Phúc Vạn có đưa vợ con về thăm bố mẹ đang sinh sống ở Tuyên Quang mà chưa có lần nào về thăm quê gốc ở Bắc Kạn.

Ông Đường Phúc Vạn bạo bệnh rồi mất năm 1989 khi mới 47 tuổi. Bà Huỳnh Thị Cẩm Hà ở vậy một mình nuôi hai con ăn học. Bà dốc hết tất cả tình thương yêu của mình cho hai cô con gái. Yêu thương ông Vạn bao nhiêu, bà Cẩm Hà lại càng gắng làm lụng và nuôi dạy hai con cho tử tế bấy nhiêu. Lúc nào bà cũng khuyên hai con cố gắng học để tự mình vươn lên trong cuộc sống. Hai cô con gái Phương và Ly cũng rất thương mẹ nên học hành chăm chỉ. Cả hai luôn tâm niệm và cầu mong cho linh hồn cha ở nơi chín suối mãi thanh thản, yên vui. Và, hai cô đều đã không phụ công sinh thành của người cha vốn là chiến sĩ giải phóng quân. Hiện, cả hai chị em đều đã thành đạt.

Bà Cẩm Hà kể, khi cô con gái đầu đến tuổi trưởng thành, có bốn chàng trai đến tỏ tình. Trong bốn chàng trai đó có ba chàng lúc nào cũng khoe tiền bạc, nhà cửa đất đai… bà Cẩm Hà đều không ưng mà chọn anh cán bộ Đoàn được cho là nghèo nhất. Anh này nói năng lễ phép, sống giản dị và trung thực. Chàng rể do bà “chấm” là anh Bùi Minh Thạnh, bây giờ làm phó Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Dầu Một. Còn anh con rể thứ hai cũng tên Thạnh (Thanh Thạnh) - học kiến trúc, xây dựng - lấy cô em gái Phương Ly. Chính anh Thanh Thạnh đã thiết kế và xây dựng nên quán Đường Gia với vẻ đẹp hài hòa truyền thống và hiện đại, tạo nên một điểm nhấn văn hóa của thành phố trẻ Thủ Dầu Một hôm nay, vợ anh - Đường Thị Phương Ly - làm giám đốc điều hành và quản lý!

Bà Huỳnh Thị Cẩm Hà rất yêu chồng, còn hai cô con gái Hoài Phương và Phương Ly thì rất kính cha. Khi đặt tên cho quán, cả gia đình đã bàn bạc thống nhất tên là quán Đường Gia để mãi nhớ và biết ơn người chồng, người cha dân tộc Tày - ông Đường Phúc Vạn…

Ông Vạn đi xa đã 29 năm nhưng tình cảm của ba mẹ con bà Cẩm Hà đối với ông vẫn vẹn nguyên như cũ. Ngày 7 tháng 12 hằng năm là ngày giỗ ông Vạn. Ngày thiêng liêng của gia đình năm rồi bà Cẩm Hà và vợ chồng hai cô con gái chỉ mời những người thân trong gia đình. Sau khi cúng giỗ ông Vạn xong cả nhà cùng nhau ra quán Đường Gia. Trước đông đủ anh em ruột thịt bên nội, bên ngoại bà Cẩm Hà nói: Ông Vạn thiêng lắm, đêm trước mỗi ngày giỗ bà lại mơ thấy ông Vạn về. Đêm qua, bà Hà mơ thấy ông về và ngồi trên ghế đọc sách cho mấy đứa cháu nghe. Ông ấy còn dặn dò các cháu học thật giỏi để thành đạt trong cuộc sống sau này…

Bà Cẩm Hà nói về ông Vạn về quán Đường Gia say sưa như kể chuyện cổ tích về một mối tình Bắc - Nam cách trở. Và, một lần nữa, tất cả các thành viên trong gia đình lại cảm thấy như đang được tắm trong con suối của tình yêu và hạnh phúc!

Bình Dương, Xuân Kỷ Hợi 2019

Bút ký của Thuấn Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-o-quan-duong-gia-115129.html