Chuyện ở 'xóm trên sông' - Kỳ 3: Ước mơ ngoài tầm với

Lênh đênh trên sông đến vài chục năm, có khi cả đời người, nhưng ước mơ được lên bờ sinh sống đối với người dân ở các xóm nghèo dọc bờ sông lại quá xa vời, bởi có những gia đình cho dù đã qua đến vài ba thế hệ vẫn chỉ biết ước mơ.

Xóm vạn chài dưới chân cầu Nhật Tân

Trên chiếc thuyền nhỏ lắc lư trong tiết trời nồm ẩm, lắc rắc mưa xuân, chị Trần Thị Yến, SN 1991, xóm vạn chài phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) vừa luôn tay quạt đuổi lũ ruồi vừa đưa đẩy chiếc xe để dỗ dành đứa con nhỏ chưa tới 6 tháng.

Chị Yến cho biết, có lẽ đã quen sống ở cái không gian nhỏ hẹp, bồng bềnh từ khi mới sinh ra nên các con của chị cũng không mấy khi mè nheo, đòi hỏi mẹ cho lên bờ hoặc đòi đi chơi như những đứa trẻ khác. Đứa lớn sau giờ đi học về cũng chỉ loay hoay chơi với em, hoặc tự chơi với những đồ chơi ít ỏi chứ hiếm khi lên bờ chơi với các bạn. Ăn - ngủ - chơi - học tập… đều vẻn vẹn trong chiếc thuyền nhỏ. Nhà chẳng có tivi, cũng chẳng có tủ lạnh, đồ điện đắt giá nhất ở đây là chiếc nồi cơm điện.

“Sống ở đây mãi cũng quen, lạnh hay nóng cũng không còn quá khó chịu. Nhưng nước nôi không có nên cũng hạn chế trong sinh hoạt. Điện thì do nhờ người dân trên bờ cho lắp nhờ, nên nếu trời yên nắng đẹp thì còn đỡ, chứ nếu gặp ngày bão thì cũng xác định là khỏi dùng”, chị Yến nói. Chị cũng cho biết, đến mùa mưa bão, có những thời điểm hàng tháng trời người dân ở đây không được dùng điện.

Cũng câu chuyện vất vả, khó khăn, anh Đường (xóm vạn chài, phường Phú Thượng) cho biết, sống ở trên sông ngoài việc vất vả chèo chống qua cơn nước lên, bùn đất khi nước xuống là chuyện bình thường. Thế nhưng, đến mùa mưa bão, người dân cũng không ở lại trên thuyền được, mà phải lên bờ để trú bão. Năm nào cũng có thuyền lật hoặc chìm do bão.

Theo anh Đường, vất vả và nguy hiểm nhất là những khi đi đánh cá ban đêm. Anh bảo, người dân ở đây vì mưu sinh nên cứ tung lưới dọc bờ sông mà bắt cá. Nhưng cũng có gia đình đêm hôm thả lưới, mải mê ra giữa sông, đen đủi có tàu đi qua quẹt phải, cả gia đình người chết, người bị thương là chuyện đã từng xảy ra.

Anh Đường cũng cho biết, bởi khó khăn như thế, nên trẻ con ở bãi sông này cũng không có sân chơi. Có chăng là tung tăng ở mấy con đường đi quanh các ruộng đào, hoặc bờ sông cạn thì lội nước bắt cá… Cũng may lũ trẻ trên sông mặc dù bố mẹ không có thời gian để dạy, nhưng hầu như đứa nào cũng biết bơi nên hiếm gặp tình trạng trẻ đuối nước xảy ra.

Với những người ở xóm vạn chài như anh Đường, việc mua nhà, mua đất là ước mơ quá xa vời

Nhưng có lẽ, nỗi phiền muộn nhất của những người ở các xóm sông này, đó là nỗi lo lắng về sức khỏe. Chị Hiếu, SN 1985, ở xóm vạn chài, phường Phú Thượng cho biết, chị vốn bị bệnh tiền đình, căn bệnh mãn tính ấy hành hạ chị bao nhiêu năm trời và là nỗi lo lớn trong cuộc sống của chị.

“Làm cả tháng được vài ba triệu, cũng chả dư đồng nào để mà tích lũy, nhưng đi viện 1 lần là có khi bay hết cả chục triệu. Nhiều khi còn phải vay mượn để mà chạy chữa”, chị Hiếu thở dài. Bởi theo chị, bệnh của chị hàng năm đều phải vào BV nằm vài ngày.

“Nhiều lần đang thả lưới thấy choáng là ngay lập tức tôi phải vào bờ ngay. Vì nếu không xử lý nhanh còn trên thuyền thì cũng không biết chuyện gì xảy ra. Đang cơn tiền đình mà ngã xuống sông thì xác định khó mà có cơ hội sống sót”, chị bảo.

Khó khăn là thế nhưng không có hỗ trợ về y tế, chị cho biết năm trước chị có mua bảo hiểm y tế, số tiền đóng một năm là 850 nghìn đồng. Tuy nhiên chị cũng chỉ mua được một năm, còn năm nay thì không nghĩ đến nữa. “Bệnh của mình có bảo hiểm y tế cũng không giải quyết được nhiều”, chị nói.

Cũng như chị Hiếu, bà Mai, ở xóm Phao, phường Ngọc Thụy, mỗi khi trái gió trở trời đều đau nhức hai cánh tay. Bà kể, có lần bà đi làm ngoài phố bị ngã xe đạp gãy xương. Vào BV, bà đã được các bác sĩ băng bó, chạy chữa… nhưng khi về nhà do thiếu kiến thức về y tế, cũng bởi còn bận trông cháu đỡ con cái nên bà không giữ được. Một thời gian sau mặc dù đã tháo bột nhưng bà vẫn thấy đau và khó chịu, bác sĩ kiểm tra thì phát hiện xương đã bị chệch.

“Thế là cánh tay yếu hẳn, không làm được nhiều như những ngày trước. Giờ có muốn làm cỏ, làm ruộng cũng rất khó khăn. Thế nên lại đành đi nhặt giấy, nhặt rác”, bà Mai cho biết.

Cũng như chị Hiếu, bà Mai cho biết, bà rất sợ đến BV. Việc ốm đau chưa rõ, nhưng cứ đến là mất tiền, mà với cuộc sống đến miếng ăn còn khó khăn thì có bất cứ vấn đề gì xảy ra với sức khỏe đều khiến cuộc sống của những người nơi đây thêm lao đao.

Sống trên sông khó khăn là vậy, tương lai của lũ trẻ cũng mờ mịt là vậy, nhưng ước vọng lên bờ đối với những người dân nghèo nơi bãi sông lại vô cùng xa vời. Chị Yến khi được hỏi về điều này đã than thở, vốn sinh ra chị chẳng phải là người sông nước, nhưng thuyền theo lái gái theo chồng, chị cùng chồng đồng cam cộng khổ trên chiếc thuyền nhỏ hẹp. Lên bờ sống thì ai cũng muốn, nhưng lên đó thì tiền đâu ra để mua đất, làm nhà.

“Cũng có lúc đã tính đến chuyện thuê nhà để con cái sống đỡ khổ, nhưng rồi lại phát sinh thêm chi phí tiền nhà, tiền sinh hoạt… nên có lẽ chúng tôi cũng không dám mơ”, chị Yến cho hay.

Cũng vậy, anh Đường bảo, việc anh được chủ vườn cho ở nhờ trên túp lều giữa vườn đào không lấy phí đã là may mắn rất lớn. Với thu nhập của anh tháng vỏn vẹn 3 - 4 triệu đồng, công việc đánh bắt cá của anh chị cũng chỉ tầm ấy, còn phải nuôi hai đứa con nhỏ đang độ tuổi đi học thì tiền dư hàng tháng còn không có, nói gì đến tích cóp để mà mua nhà, mua đất. “Nếu có công việc cho thu nhập đều vài chục triệu đồng mới có thể hy vọng mua chung cư để mà lên bờ, chứ với tiền của hai người cộng lại không tiêu gì cũng chỉ có mấy triệu bạc thì đến đời nào mới mua được nhà?”, anh Đường than thở.

Có lẽ cũng bởi thế, nên với bà Mai, cuộc sống ba thế hệ của bà đã gắn liền với cái xóm Phao, sự khổ cực cũng trở thành điều quá đỗi bình thường trong cuộc sống của bà. Người ta có nhà cửa trên bờ đó là phúc phận, chứ với cảnh ngày kiếm được 100 - 200 nghìn đồng/ngày như bà, như các con bà thì mong gì đến chuyện lên bờ mà sinh sống. Đến thuê nhà còn chẳng ai dám mơ, nói gì đến chuyện sở hữu mà ung dung lên đất…

(Còn nữa)

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chuyen-o-xom-tren-song-ky-3-uoc-mo-ngoai-tam-voi-323722.html