Chuyện ông Thọ 'cứu hộ'

Gần 30 năm nay, bất kể ngày đêm, mưa nắng hay bận việc, cứ nhận tin có người tai nạn, ông Phan Tất Thọ (xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đều vội vàng lên đường đi cứu hộ… miễn phí.

Hơn 1h chiều, vừa ăn vội bát cơm, chưa kịp uống nước, nhận được tin dữ có vụ tai nạn nghiêm trọng giữa 2 xe khách khiến nhiều người thương vong, ông Thọ vội vã lên đường. “Đó là ngày 20/9/2009, trên quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Tiêu Sơn, ô tô 21H-1946 chở 43 học sinh và 5 thầy cô giáo Trường THPT Chu Văn An, xã An Bình (huyện Văn Yên, Yên Bái) đấu đầu với xe khách 21H-2012, hậu quả 5 người chết và 61 người bị thương. Khi tai nạn xảy ra có nhiều người chứng kiến nhưng e ngại kèm lẫn hoảng loạn nên không dám vào hỗ trợ người bị nạn. Dù đã từng đi cứu hộ nhiều vụ tai nạn, nhưng đây là vụ thảm khốc nhất mà tôi chứng kiến, nhưng không mảy may bất cứ điều gì, tôi và những thành viên của đội cứu hộ bắt tay vào cứu chữa người bị thương, bảo vệ hiện trường và khâm niệm cho người chết”, ông Thọ nhớ lại.

Không kể ngày đêm hay mưa nắng, cứ nhận tin có tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay đột quỵ ở quanh vùng là ông Thọ vội chạy đến

Không kể ngày đêm hay mưa nắng, cứ nhận tin có tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay đột quỵ ở quanh vùng là ông Thọ vội chạy đến

Đó chỉ là một trong hằng trăm, hang nghìn ca “phản ứng nhanh” mà ông đã từng tham gia miễn phí gần 30 năm qua. Bên chèn trà ấm dịp cuối năm, được nghe “người hùng” Phan Tất Thọ kể về cuộc đời mình, kể về những chuyến rong ruổi cứu hộ không công, kể về những trăn trở cuộc đời khiến chúng tôi bội phần kính trọng.

Sinh năm 1965 ở xã Tiêu Sơn, từng là bộ đội đóng quân tại đơn vị vận tải thuộc Quân khu 2 và xuất ngũ về quê vào năm 1988. Hơn 30 năm xuất ngũ, cũng là hơn 30 năm ông Thọ cứu hộ người bị tai nạn giao thông, bất kể ngày mưa hay nắng.

“Xuất ngũ trở về địa phương, nhận thấy Quốc lộ 2 là tuyến đường huyết mạch, lưu lượng phương tiện giao thông lớn và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Với kỹ năng của mình, lại nhận thấy việc sơ cứu cứu thời có thể giảm được di chứng, thậm chí là tính mạng cho người gặp nạn, tôi đã tham gia vào công việc cứu hộ lúc nào không hay”, ông Thọ cho biết.

Ông Thọ (mũ cối xanh) trong một lần cứu hộ tai nạn

"Nhiều lúc mưa gió, nửa đêm, nhưng cứ thấy báo có người bị nạn là ông ấy lại bật dậy lao đi nên tôi cũng xót ruột lắm. Nhưng với ông ấy, giúp đỡ mọi người là niềm vui, là việc ý nghĩa, nên tôi cùng các con cũng động viên, ủng hộ để ông ấy phấn khởi", bà Hoàng Thị Sơn (vợ ông Thọ) chia sẻ.

Nhận được sự động viên, chia sẻ của gia đình, ông càng thêm động lực để làm việc thiện mà chẳng màng vất vả hay mong nhận lại gì. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, hình ảnh ông Thọ tất bật sơ cứu người gặp nạn, bảo vệ hiện trường vụ tai nạn đã quá đỗi quen thuộc với người dân quanh vùng nói chung và dọc Quốc lộ 2 nói riêng.

Chứng kiến việc làm mang nhiều ý nghĩa, một số người cũng muốn làm cộng sự của ông Thọ. Vậy là năm 2006, Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn được ra đời với 3 thành viên, một thời gian sau có hơn 10 thành viên thường trực, “trụ sở” ở chính ngôi nhà nhỏ của gia đình ông.

Ông Thọ không nhớ chính xác việc ông và các thành viên đã giúp đỡ được cho bao nhiêu người bị nạn. Chỉ nhớ mang máng, phải đến hàng nghìn trường hợp người bị tai nạn, xe hư hỏng đã được ông cứu giúp. Bất cứ khi nào nhận được tin báo có tai nạn giao thông, ông Thọ cùng các thành viên trong đội sẵn sàng đến hiện trường tiến hành sơ cứu, rồi khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện và tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân.

“Nếu chưa liên lạc được với gia đình, thành viên đội cứu hộ giao thông sẽ luân phiên túc trực ở bệnh viện, chờ đến khi liên lạc được và bàn giao lại cho người nhà nạn nhân thì mới yên tâm trở về”, ông Thọ cho biết.

Để đáp ứng công tác cứu hộ, ông Thọ tự dùng tiền túi của mình để mua vật dụng y tế cho đội cứu hộ, tự học các phương pháp sơ cứu. Sau đó, ông thường xuyên tham gia các khóa học sơ cứu và hướng dẫn lại cho các thành viên trong đội để mọi người nâng cao kỹ năng.

Ông Thọ cũng cho biết, đã trở thành thói quen, nên ông luôn quan sát thật kỹ mọi thứ trên đường. Nhiều khi, tình cờ đi ngang qua chỗ có tai nạn giao thông, nạn nhân đã được đưa đi viện nhưng ông vẫn hỏi thăm người dân xung quanh thông tin vụ việc để vào viện xem tình hình, kịp thời giúp đỡ nạn nhân khi cần.

"Nhiều người đi đường thấy đội đang cứu giúp nạn nhân, họ cũng mạnh dạn hơn, phối hợp cùng chúng tôi giúp đỡ. Điều đó làm bản thân tôi và các thành viên trong đội cảm thấy rất tự hào và vô cùng vui mừng", ông Thọ vui vẻ chia sẻ.

Tập huấn cho các thành viên biết cách sơ cứu người gặp nạn

Nhận thấy việc làm ý nghĩa của ông Thọ, năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã hỗ trợ ông xe cứu thương chuyên dụng cùng các trang thiết bị y tế (bình ô xy, cáng, thuốc,…) và luôn đồng hành cùng ông trong suốt quá trình thực hiện nghĩa cử cao đẹp. Cũng từ đó, ông Thọ bận rộn hơn khi ngày càng nhận được nhiều thông tin của những người dân muốn nhờ ông giúp đỡ người bị nạn.

Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, ông Thọ là một người hùng thầm lặng, hết lòng vì cộng đồng, nhất là người không may bị tai nạn giao thông. Ông cũng là điển hình người cựu quân nhân, tỏa sáng phẩm chất người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.

"Từ việc làm nhân văn, ý nghĩa của ông Thọ, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương từ lâu đã đồng hành, quyết định đỡ đầu cho các hoạt động của Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn.

Bên cạnh đó, các thành viên trong đội và thân nhân trong gia đình họ được Bệnh viện tặng thẻ BHYT để yên tâm gắn bó với công việc. Tất cả 11 thành viên trong đội đều được bệnh viện tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu thường xuyên", ông Học cho biết thêm.

Ngoài tham gia cứu hộ tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay đột quỵ, ông Thọ cùng các thành viên trong đội còn tích cực hướng dẫn nhiều người dân biết sơ cấp cứu ban đầu, tuyên truyền, vận động quần chúng chung tay hiến máu nhân đạo, làm công tác xã hội rất tích cực.

Ghi nhận những việc làm hay, hành động đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ông Thọ, những năm qua, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ cùng các cấp, ngành của địa phương đã có những khen thưởng dành cho ông Thọ cũng như Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn.

“Được người dân và nhà nước ghi nhận việc làm của mình, tôi và anh em trong đội rất vui. Nhưng trên hết, những người được giúp đỡ đã thoát khỏi cửa tử, hay những cuộc điện thoại của người nhà và nạn nhân gọi đến cảm ơn mới chính là những món quà giá trị nhất với chúng tôi”, ông Thọ cười hiền.

Hoan Tuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-ong-tho-cuu-ho-5708081.html