Chuyện phân chia tài sản của 'vua cà phê' Trung Nguyên: Tranh cãi về quan niệm 'của chồng công vợ'

Từ câu chuyện ly hôn của vợ chồng 'vua cà phê' Trung Nguyên, dư luận lại đặt ra câu hỏi: 'Nếu là vợ chồng, phải chăng nên rành mạch tài sản chung ngay từ đầu trước khi tiến tới hôn nhân?'.

Là vợ chồng, tại sao lại không minh bạch tài sản chung?

Vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo là những doanh nhân nổi tiếng tạo thương hiệu cà phê Trung Nguyên và cà phê hòa tan Trung Nguyên (G7). Hôm qua (20/2), TAND TP.HCM mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm việc tranh chấp ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).

Qua những diễn biến trong 2 ngày xét xử, có thể nhận thấy vợ chồng vị đại gia này đã không còn tình cảm và việc họ ly hôn là việc không thể tránh khỏi. Vấn đề tranh cãi trong phiên tòa chỉ là việc phân chia tài sản như nào. Từ đây, dư luận nổ ra cuộc tranh cãi về việc phân chia số tài sản khổng lồ của gia đình này thế nào cho hợp tình, hợp lý, và liệu công sức, sự hi sinh của bà Thảo trong quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn Trung Nguyên sẽ được đánh giá đến mức nào? Và từ đó, vấn đề xoay quanh quan niệm “của chồng công vợ” lại được đưa ra mổ xẻ.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa ngày 20/2.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa ngày 20/2.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia văn hóa PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, sự rành mạch trong tài sản ngay từ đầu của hai vợ chồng là cần thiết trong hôn nhân, bởi khi có sự minh bạch và rõ ràng, thì những vấn đề như xảy ra mâu thuẫn trong hôn nhân sẽ càng dễ giải quyết.

“Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam thì hôn nhân là dựa trên sự tin tưởng và tình cảm trao gửi lẫn nhau, ít khi dựa trên sự minh định của pháp luật, chính vì điều này đã xảy ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến kiện tụng, tranh chấp về tài sản chung, riêng khi hôn nhân tan vỡ. Thực tế mà nói, có rất nhiều vụ ly hôn kéo dài nhiều năm do vướng mắc trong việc phân chia tài sản vợ chồng. Vậy nên, xã hội càng hiện đại thì vấn đề tài sản và tư hữu càng cần phải minh bạch và rõ ràng hơn bao giờ hết”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, khi đã quyết định nên vợ nên chồng thì cần chia sẻ quan điểm về tài chính trong gia đình, quản lý, tạo lập, sử dụng như thế nào cho người bạn đời của mình hiểu. Khi có niềm tin vào cuộc hôn nhân thì rõ ràng dù phân định tài sản như thế nào thì các cặp đôi vẫn tin tưởng vào tình cảm dành cho nhau.

“Theo tâm lý và theo nhu cầu của xã hội, sự lao động và đóng góp về tài sản của mỗi người trong gia đình rất cần được cụ thể. Pháp luật càng minh bạch, rõ ràng bao nhiêu thì càng đảm bảo sự ổn định xã hội bấy nhiêu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Quan niệm “của chồng công vợ” có còn phù hợp?

Bàn luận về câu chuyện minh bạch hóa tài sản vợ chồng trước và trong hôn nhân, PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, người Việt Nam cần học tập nền văn hóa của phương Tây trong câu chuyện tài sản hôn nhân gia đình: “Người Việt Nam ảnh hưởng của nền văn hóa vừa Đông Nam Á, vừa Đông Á, mà đặc trưng là ảnh hưởng nền văn hóa Trung Hoa. Người Việt thường có quan niệm “của chồng công vợ” hay “chồng như giỏ, vợ như hom”. Thời buổi ngày xưa, câu chuyện ly hôn ở Việt Nam rất ít so với thời điểm bây giờ. Đó là vì thời xưa, người ta sống nặng lòng, sống theo kiểu duy tình. Cách sống đó không còn phù hợp với nhịp sống hiện tại”.

“Trước khi đăng ký kết hôn nên công khai chuyện tài sản của chồng, của vợ. Tài sản chung cũng cần biết, để lúc có phải ly hôn cũng cho công bằng, điều này, sẽ càng làm tốt đẹp hơn trong quan hệ vợ chồng”, PGS.TS Lê Quý Đức cho hay.

PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

“Nói về việc tâm lý người Việt có thật sự phù hợp với việc minh bạch và rõ ràng hay không, chúng ta phải biết rằng người Việt sống theo kiểu truyền thống duy cảm, duy tình. Duy cảm, duy tình nói cho cùng đó là sự yêu thương nhau. Nên khi phải dẫn nhau ra tòa, thì duy cảm hay duy tình sẽ không còn tồn tại, mà thay vào đó là sự “duy lý”, bởi mọi chuyện liên quan đến của cải hay con cái sẽ cần sự phân chia từ phía thứ 3. Thế nên, việc ghi nhận tài sản trước khi kết hôn, và trong quá trình chung sống là điều cần thiết và sẽ tốt hơn cho xã hội rất nhiều. Cần thiết nên đặt ra mục tiêu tất cả cách ứng xử nên hướng đến xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-phan-chia-tai-san-cua-vua-ca-phe-trung-nguyen-tranh-cai-ve-quan-niem-cua-chong-cong-vo-a422974.html