Chuyện phía sau tấm ảnh hai cha con người di cư chết đuối ở biên giới Mỹ

Thời báo New York vừa có bài viết giải thích về quyết định đăng tải bức ảnh về hai cha con người di cư chết đuối ở biên giới Mỹ hôm 26/6.

Bức ảnh hai cha con người di cư chết đuối ở biên giới Mỹ trên trang nhất New York Times ngày 26/6

Sau khi Thời báo New York xuất bản tấm hình gây ám ảnh về hai cha con người nhập cư chết đuối bên bờ sông Rio Grande ở phía Mexico, nhiều độc giả đánh giá cao sự chú ý mà bức ảnh mang lại xoay quanh vấn đề nhập cư.

Tuy nhiên, một số đặt ra câu hỏi về quyết định của tờ báo. Chẳng hạn, một bình luận bên dưới bài viết có nội dung: “Tôi hiểu rằng tấm ảnh các bạn đưa ra trong câu chuyện muốn truyền tải thông điệp nào đó, có thể là nỗi đau và bi thương, khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ, buồn bã, từ đó tạo ra thay đổi. Song, tôi cũng phần nào thấy đây là bức ảnh thiếu tôn trọng”.

Để giúp độc giả hiểu về quá trình biên tập, Thời báo New York đã có bài viết khá tường tận. Ít nhất 12 biên tập viên đã bàn bạc về tấm ảnh, đến từ hãng tin AP, vào thứ Ba (25/6) sau khi thấy nó trên mạng xã hội. Sau khi được xác minh, biên tập viên đăng ảnh cùng bài báo đưa tin về nạn nhân, anh Óscar Alberto Martínez Ramírez và con gái 23 tháng tuổi Valeria. Bức ảnh xuất hiện trên trang nhất New York Times hôm 26.

Beth Flynn, Phó Tổng biên tập phụ trách ảnh, cho biết các biên tập viên ra quyết định vì bức ảnh phơi bày những gì đang diễn ra tại biên giới giữa Mỹ và Mexico ngay lúc này. “Quan trọng là độc giả của chúng ta có thể nhìn thấy và hiểu được điều đó”, bà nói.

Bức ảnh khiến cho các biên tập viên nhớ lại về những tấm hình giàu sức mạnh khác như bức ảnh em bé Syria Aylan Kurdi vài năm trước. Theo ông Tom Jolly, biên tập viên phụ trách in ấn của New York Times, nó tạo ra sự chú ý lớn hơn đối với các thảm kịch thế giới.

Một vài trong số các câu hỏi mà biên tập viên đặt ra là sử dụng tấm ảnh trên trang nhất có bị xem là không cần thiết hay không và nó có gia tăng bối cảnh quan trọng cho việc đưa tin về biên giới hay không. Dù Thời báo New York đã viết nhiều về những người di cư thiệt mạng khi cố băng qua Rio Grande, họ chưa có bức ảnh nào có “sức nặng” như vậy.

Họ cũng cân nhắc liệu họ có cảm giác như vậy về tấm ảnh nếu nhân vật trong đó là hai người Mỹ da trắng hay không. Ông Jolly chia sẻ: “Trong trường hợp này, sau gần 2 tiếng thảo luận với những người có nền tảng và quan điểm khác nhau, chúng tôi nghĩ là “có”. Bức ảnh là khoảnh khắc biểu tượng, đại diện cho thứ lớn hơn cả bản thân bức ảnh”.

Theo ông Jolly, một lo ngại nữa là nếu đưa bức ảnh lên trang nhất, liệu nó có giống một tuyên bố chính trị của New York Times không. Tuy nhiên, các biên tập viên đồng ý rằng bản thân bức ảnh có chỗ đứng riêng của nó, phản ánh hiểm họa mà người di cư phải đối mặt tại biên giới, không phải là một quan điểm về vấn đề nhập cư.

Bức ảnh không xuất hiện tại một số vị trí. New York Times có chính sách lâu đời là không dùng hình ảnh thái quá trên các bài đăng mạng xã hội, trừ trường hợp vô cùng đặc biệt.

Sau khi độc giả chỉ trích về bức ảnh các thi thể trong bài viết hồi tháng 1 về cuộc tấn công tại Nairobi, Kenya, các biên tập viên cấp cao trong bộ phận hình ảnh của báo đã đưa ra quy định nội bộ khi xuất bản ảnh nhạy cảm. Biên tập viên “tiêu chuẩn” Phil Corbett tóm tắt quy tắc như sau:

- Biên tập viên phải có đủ thời gian bàn bạc để đưa ra quyết định và tham vấn biên tập viên cao cấp nếu cần thiết;

- Họ nên cân nhắc đến hàng loạt câu hỏi, yếu tố, bao gồm giá trị tin tức của sự kiện; bức ảnh kể câu chuyện nào; tác động đến người thân, người còn sống và cộng đồng; phán xét của biên tập viên có thống nhất bất kể nạn nhân là ai hay sự kiện xảy ra ở đâu.

Họ không bao giờ được xem nhẹ chuyện bàn bạc. Ông Jolly cho rằng những bức ảnh như bức ảnh cha con người di cư không dễ sử dụng. Khi nhìn vào, họ cũng khó tả như bất kỳ ai. Họ không thể sử dụng ảnh mà không suy nghĩ thấu đáo.

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/internet/xa-hoi/chuyen-phia-sau-tam-anh-hai-cha-con-nguoi-di-cu-chet-duoi-o-bien-gioi-my-184631.ict