Chuyện phố, chuyện phường: Rác nhà ra…phố (Bài 6)

Cuối năm, ấy là dịp để người Hà Nội dọn nhà đón Tết. Thói quen đã thành lệ bởi ai mà chẳng muốn đón mừng năm mới nhà mình được đẹp, được gọn gàng, được sạch sẽ và nhất là được thay đổi tí chút cho nó có không khí 'tống cựu nghinh tân'. Nhỏ thì thay cái khăn trải giường mà lớn hơn thì sắm bộ bàn ghế mới ngồi cho nó sướng. Chuyện dọn nhà và thay đồ nhẽ ra chẳng có gì phải nói nhưng rồi cũng phải nói bởi đây cũng là dịp để nhà nhà 'thải' những thứ cũ, bỏ những thứ không thích ra khỏi nhà mình và 'đẩy' những thứ đó ra phố.

“Rác nhà” của nhà nào đây?

Mới hôm qua thôi, tôi có việc đứng chờ Ta xi trên hè phố Phan Đình Phùng nên tình cờ nghe được mấy cô, mấy chị công nhân vệ sinh to nhỏ với nhau. Thì ra các cô các chị ấy đang phân công nhau, người thì bổ vào trong khu tập thể gần đó, người thì nhớn mắt “tăm tia” mấy nhà mặt phố chỉ để “truy tìm thủ phạm”. Mà cuộc truy tìm thủ phạm này khởi nguồn từ cái đống bàn ghế giường tủ vứt chồng đống ngay bên cạnh chiếc xe rác, trong khi đó thì chiếc xe rác cũng không “thoát khỏi” cảnh đầy ứ bởi rất nhiều những tấm kính vỡ, những mảnh gỗ các cỡ cùng khá khá gạch vỡ khiến chiếc xe rác không còn chỗ đổ rác sinh hoạt nữa.

Mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh mặt mày nhăn nhó bởi nếu họ không dọn và chuyển những thứ “rác nhà” ấy đi thì họ bị công ty nhắc nhở và bị người hàng phố phàn nàn. Mà dọn và chuyển những thứ “rác nhà” thì nghe như đó lại “nằm ngoài” công việc thường nhật mà họ đã được phân công.

Ảnh minh họa.

Sau một hổi bổ đi tìm “thủ phạm” thì mấy cô, mấy chị công nhân vệ sinh quay về bên chiếc xe rác. Họ hỏi mấy nhà “nghi nghi” nhưng đều nhận được cái lắc đầu quây quẩy. Hỏi nhà này thì được chỉ sang nhà kia. Hỏi nhà kia lại được chỉ sang nhà nọ. Và cuối cùng, mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh hì hục khuân khuân dọn dọn những thứ “rác nhà” nhưng vô chủ ấy lên xe và đẩy đi. Tôi chắc trong lòng mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh ấy buồn, bực và vất vả lắm.

Lại có nhà gọi “đồng nát” đến để mang rác dọn dẹp cuối năm đi vứt. Mấy cô “đồng nát” hăm hở làm ngay. Tưởng họ biết rác để chỗ nào cho hợp thì trái lại họ vứt thẳng ra hè phố. Gia chủ mải trong nhà nên không biết mà xong việc thì xuống tay trả tiền. Mấy cô “đồng nát” nhận tiền xong thì lên xe đạp phóng đi. Công nhân vệ sinh phát hiện ra “rác nhà” đổ linh tinh thì đã muộn. Vào hỏi chính gia chủ thì nhận được câu “Đi mà tìm mấy đứa đồng nát ấy”. Chao ơi. Phủi tay rồi.

Chuyện tưởng như vậy rồi thôi, ai dè chỉ vài tiếng sau mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh ban sáng đẩy xe rác trống không quay lại thì “ôi cha mẹ ơi”, lại không biết là của nhà ai, chất đống bên gốc cây sấu cao lớn, chình ình trên một góc hè là những “rác nhà” mới tỉnh tình tinh. Đến nước đó thì mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh đành nói to một câu cho nó có “Của nhà ai đây?”. Câu hỏi rơi tõm vào thinh không.

Không chỉ nhà nhà tư nhân tranh thủ mấy ngày cuối năm phân công con cháu dọn dẹp nhà cửa và đẩy “rác nhà” của nhà mình ra phố mà các cơ quan, xí nghiệp và cả các công trường xây dựng cũng đua nhau “tăng tốc độ” nếu không kịp hoàn thiện khánh thành thì cũng làm cho gọn gọn để mọi người còn nghỉ mà về quê đón tết. Thế là bao nhiêu là gạch vữa xi măng mảnh gỗ cốt pha phế liệu phế thải ùn ùn kéo nhau chất đống. Dĩ nhiên là việc dọn dẹp những thứ đó đi không ai khác ngoài mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh.
Ai cũng biết cuối năm công nhân vệ sinh là những người vất vả nhất. Họ không chỉ phải dọn rác sinh hoạt những ngày cuối năm đã “tăng trưởng” hơn những ngày bình thường rồi mà còn phải “è cổ” dọn cho bằng sạch những thứ rác mà tôi tạm gọi là “rác nhà ra phố” nữa. Thực đã cực lại thêm cực.

Có cách nào khắc phục?

Dĩ nhiên là có chứ. Đơn cử như công ty vệ sinh bằng kinh nghiệm qua bao nhiêu năm nên đã có những kế hoạch bổ sung. Ví dụ như tăng ca tăng kíp. Ví dụ như tăng người tăng giờ. Đã đành việc tăng ca tăng kíp bao giờ cũng đi kèm với “tăng lương” nhưng để có được đồng tiền tăng thêm đó cái vất cái cực cũng tăng theo. “Mệt lắm bác ạ”. Chị Thu vừa từ trong ngõ đi ra vừa thở vừa nói với tôi như vậy. Chị nói tiếp “Bọn cháu dọn sáng chưa xong thì đến trưa đã đầy ra đấy. Có nhà còn tốt thì nhận ngay rác đấy là của nhà mình. Còn nhà không tốt thì họ xua tay ý như đuổi bọn cháu đi ấy. Làm cái nghề vệ sinh này đôi khi cũng “nhục lắm” bác ạ”.

Tôi rất cảm thông với chia sẻ của chị Thu. Nhưng cảm thông và chia sẻ thôi thì không bao giờ đủ cả. Quan trọng là ý thức của mọi người. Mà khổ quá tại sao tôi cứ phải nói đi nói lại câu “Quan trọng là ý thức” nhỉ? Tôi nhớ hồi cuối năm ngoái, nhà bà Trâm cùng trong khu tập thể với tôi dọn dẹp nhà đón năm mới. Bà Trâm vốn là cán bộ phụ nữ quận nên bà rất thấu hiểu “tình cảnh” của những người phụ nữ công tác ở lĩnh vực “vệ sinh môi trường”. Vậy nên bà Trâm sau khi phân công con cháu người nào vào việc nấy thì dặn dò kỹ lưỡng. Cụ thể là bà Trâm dặn như sau: Các con nhớ để từng thứ rác vào một chỗ ở trước cửa nhà mình. Nhớ là không để thủy tinh vỡ lẫn với rác sinh hoạt. Nhớ để gọn gàng để mọi người còn có lối đi. Để đấy để chiều bà ra gặp mấy cô vệ sinh nhờ mấy cô đem đi hộ. Mình vứt bừa bãi không nên. Ai cũng mệt cả nên giúp nhau đỡ mệt được tí nào hay tí ấy”. Giản dị thế thôi nhưng mà “mát cả ruột”.

Chiều tối hôm đó mấy cô mấy chị công nhân vệ sinh miệng cười, tay làm đến trước cửa nhà bà Trâm để mang những thứ rác thải đi. Họ nhận những đồng tiền thù lao dù in ít nhưng thấy lòng nhẹ nhõm. Nhân chuyện này tôi cũng thấy nên đưa ra vài góp ý với công nhân vệ sinh. Đó là việc các cô các chị cần chủ động hơn với “địa bàn” mình được phân công thu dọn vệ sinh. Đó là việc các cô các chị khỏi cần ý tứ, khỏi cần câu nệ cứ vào thẳng từng nhà, nhất là những nhà đang xây dựng ấy mà “đặt vấn để” thu dọn và vận chuyển “rác nhà” những ngày cuối năm. Chuyện nói thẳng nói thật tuy lúc đầu có thể có người khó chịu nhưng mình cứ nhẹ nhàng mà nói rồi họ sẽ hiểu ra và cộng tác.

Rồi chuyện tổ dân phố, chuyện chính quyền phường cũng tích cực bám địa bàn để đôn đốc, để nhắc nhở và để yêu cầu các hộ gia đình nên phối hợp với công nhân vệ sinh để việc thu dọn rac được thuận tiện, nhanh gọn, sạch sẽ và đôi bên cùng có lợi. Cái kiểu “Gọn nhà mình nhưng không sạch phố sẽ làm cho Thủ đô ta chẳng thể đẹp được”. Tôi rất ấn tượng với bà Nguyễn, bà là cán bộ Mặt trận tổ dân phố tôi ở, bà Nguyễn chốc chốc lại nhào ra cổng khu tập thể. Cứ tưởng bà ra ngóng ai hóa ra là bà ra xem có nhà nào vứt rác dọn dẹp cuối năm không. Nhà nào vứt không đúng quy định là bà biết ngay, bà “tức tốc” tới gõ cửa nhà đó và yêu cầu nhà đó phải “khắc phục”.

Với những cơ quan xí nghiệp công trường xây dựng đã đành đã có những ký kết thu dọn vệ sinh thường xuyên nhưng những ngày cuối năm các cơ quan xí nghiệp hay công trường xây dựng cũng nên “bổ sung” thêm những điều khoản ngoài hợp đồng đã ký. Ví dụ như thông báo trước về số lượng rác thải dịp này sẽ tăng lên dự kiến là thế nào. Ví dụ như có kế hoạch “bồi dưỡng” cho công nhân vệ sinh bởi số lượng rác thải dự kiến tăng thêm đó. Nên nhớ “Vui mình vui người là vui vẻ cả”.

Cuối năm dọn nhà, hy vọng rằng niềm vui đón chào năm mới của từng nhà đừng để nó lại trở thành nỗi vất vả của người khác. Hy vọng rằng niềm vui đón mừng năm mới mà nhà nhà có được sẽ có cả niềm vui cùng nụ cười của công nhân công ty vệ sinh môi trường. Họ xứng đáng được ngợi khen nhất, bởi chính trong lúc chúng ta đầm ấm chung vui gia đình thì họ lại đang “lầm lụi” với chiếc chổi tre, chiếc xẻng hót rác và chiếc xe chở rác lọc cọc đều đặn sáng, trưa, chiều, tối để thu dọn rác cho phố phường sạch đẹp.

Nguyễn Trọng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-pho-chuyen-phuong-rac-nha-ra-pho-bai-6-85918.html