Chuyện rọc phách bài thi ở các nước láng giềng

Chuyện rọc phách bài thi trong những kỳ thi quan trọng ở Việt Nam đã được áp dụng từ bao giờ không rõ, và như một phép ứng xử phổ biến mà không ai phàn nàn gì. Cho đến khi chuyện rọc và ráp phách nhầm ở tỉnh Quảng Nam khiến nhiều học sinh thi chuyển cấp dở khóc dở cười xảy ra, nhìn lại ta mới thấy việc làm đó tốn nhiều công sức, không giống ai, và phần nào phản ánh sự thiếu sót trong khâu thi cử tại đất nước vốn có truyền thống 'tôn sư trọng đạo'.

Dạo một lượt quanh các nước Đông Nam Á láng giềng thì thấy, cách người ta làm đơn giản hơn nhiều. Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đều có cách làm tương tự: trong các cuộc thi cuối khóa, tốt nghiệp cấp học hay kỳ thi tuyển đại học, bài thi của học sinh chỉ được nhận diện bằng mã số học sinh, hoặc mã số dự thi, tránh để người chấm bài nhìn thấy trực tiếp tên thí sinh, chứ hoàn toàn không có chuyện rọc – ráp phách. Cách làm này, theo tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), là nhằm hạn chế những cảm xúc tâm lý, có thể có ở người chấm bài, trước một cái tên chẳng hạn.

Ở Philippines thì thí sinh cũng viết đầy đủ tên họ lên giấy thi như ở Việt Nam, nhưng chuyện rọc – ráp phách là không có. Anh Fernando D.Antolin Jr., tư vấn cấu trúc các chương trình đào tạo tại Ateneo de Manila University cho hay, người ta tránh sự thiên vị (nếu có) hoặc sự chủ quan của giám khảo bằng hình thức trắc nghiệm cho tất cả các môn thi.

Việc tổ chức thi cử ở các quốc gia láng giềng cũng cho thấy người ta ra sức ngăn chặn hành vi gian lận của thí sinh hơn là lo sợ sự thiên vị của giám khảo. Fernando nói rằng mỗi trường đại học ở Philippines có giấy thi riêng. Anh Nopporn Wong-anan, phóng viên của hãng tin Reuters tại Singapore, thì cho biết ở Thái Lan, các trường đại học không ngừng tăng cường kiểm soát các thủ thuật gian lận của thí sinh trong phòng thi, đặc biệt là trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin. Mặt khác, giấy thi được kiểm soát rất chặt chẽ, có nhiều màu sắc, mã số khiến thí sinh không thể đem giấy từ bên ngoài vào được. Cách thức “rọc – ráp” ở Việt Nam xem chừng rất lạ so với các nước láng giềng.

Mặt khác, để hạn chế sai sót trong quá trình chấm bài và đảm bảo chính xác điểm thi của thí sinh, khâu hậu kiểm cũng rất quan trọng. Ở Singapore, không có các kỳ thi chuyển cấp hoặc tuyển sinh đại học như Việt Nam. Việc tuyển sinh cho cấp tiếp theo được căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp cấp học trước đó. Từ bậc phổ thông cơ sở trở lên, chương trình đào tạo của Singapore được biên soạn theo chương trình đào tạo của Anh quốc và được Đại học Cambridge chứng nhận. Vì vậy, toàn bộ bài thi được đưa sang chấm ở Anh, trừ những môn ngôn ngữ địa phương như tiếng Hoa, tiếng Malai, tiếng Tamil... Sau đó, điểm được chuyển trở lại Singapore, Bộ Giáo dục và các trường sẽ duyệt lại, xem điểm có phù hợp với năng lực học của mỗi học sinh, trước khi công bố rộng rãi đến phụ huynh, học sinh trên nhiều phương tiện.

Riêng với bậc đại học, việc chấm điểm do chính các giảng viên thực hiện. Theo Trần Hoàng Thanh, tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang, bài thi kết thúc môn học thường phải qua 3 người chấm độc lập, gồm 2 giảng viên trực tiếp giảng dạy môn học và chủ nhiệm bộ môn rà soát lại. Phòng đào tạo của trường làm khâu kiểm tra cuối trước khi công bố.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương nói rằng trường hợp xảy ra ở Quảng Nam là khá hy hữu vì khó có chuyện học sinh giỏi lại thi điểm kém. Lẽ ra bộ phận đào tạo của trường đã phải nhận thấy sự bất thường trước khi công bố gây sốc cho phụ huynh và học sinh.

Thục Minh
(VP Singapore)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/chuyen-roc-phach-bai-thi-o-cac-nuoc-lang-gieng-201872.html