Chuyện rượu bia trong chính giới Anh

Có vẻ như giới chính trị gia nói chung không nên uống nhiều - một ly rượu vang trong lễ chiêu đãi chính thức hay vài ly rượu vào ngày nghỉ - không nhiều quá vì có thể ảnh hưởng tới uy tín. Tuy nhiên, tại Anh mọi chuyện có phần khác hơn một chút: mùi rượu cồn song hành với nhiều chính trị gia như là một đặc trưng chẳng khác gì bộ áo vest của họ.

Không thể biết có bao nhiêu quyết định quan trọng được các nhà làm luật Anh đưa ra trong tình trạng có hơi men nhưng trên báo chí cũng không hiếm những thông tin tai tiếng về các đại biểu say rượu. Nhưng giờ đây, “nền văn hóa chính trị rượu bia” của Anh có vẻ bắt đầu thoái trào, khi đương kim thủ tướng ưa thích uống trà hơn và “điểm hẹn” nổi tiếng nhất của các chính trị gia đã đóng cửa vào ngày 21-6 vừa rồi.

Những chính khách “đệ tử Lưu Linh”

Từ cung điện Westminster cho tới nhà hàng Gay Hussar (khu Soho tại London) chỉ mất chừng 25 phút đi bộ. Nội thất tại đây không có gì đặc biệt, cùng với đó là các món ăn theo phong cách Hungary. Điều duy nhất thu hút sự chú ý của thực khách chính là những bức biếm họa cùng ảnh của các chính trị gia và phóng viên nổi tiếng.

Có thể nhận thấy nhiều tấm ảnh lớn có nội dung kiểu như: cựu Thủ lĩnh Công đảng Michael Foot đang vui vẻ trong buổi tiệc tùng nhân dịp 90 năm sinh nhật của mình; Thủ tướng Gordon Brown đẩy cửa ra ngoài tránh chạm mặt với các phóng viên mới vào...

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson với ly bia truyền thống trên tay.

Trong vài tuần gần đây, thông tin về việc Gay Hussar đóng cửa xuất hiện trên khắp các mặt báo của Anh. Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện này lại gây sự chú ý đến như vậy. Đối với người Anh, Gay Hussar chứ không chỉ có Westminster, là nơi tụ tập, gặp gỡ và bàn luận về chính sách của giới thượng lưu, chính trị gia hàng đầu của Anh.

Có nhiều lý do dẫn đến quyết định đóng cửa này. Đầu tiên là chi phí thuê mặt bằng tại khu Soho đã tăng lên đáng kể. Thứ hai, có thể là vấn đề khoảng cách - cần phải chọn địa điểm gần tòa nhà quốc hội hơn để các nghị sĩ có thời gian nhâm nhi trước khi có thể bỏ phiếu thông qua một quyết sách nào đó. Dù có thể tiếp tục tồn tại hay không, nhà hàng phong cách Hungary này đã có một lịch sử rất đáng tự hào.

Khai trương từ năm 1953, Gay Hussar ban đầu chủ yếu là nơi tụ tập của cộng đồng nhập cư Do thái từ Đông Âu, phần nhiều trong số này là các đảng viên cộng sản. Từ những năm 1960, nơi đây là điểm hẹn của các thành viên công đoàn và giới nghị sĩ từ phe Công đảng. Chỉ sau 20 năm, nơi đây đã được mệnh danh là một trong những trung tâm sinh hoạt chính trị của London.

Người ta nói rằng, đây cũng là nơi các đảng viên Bảo thủ xây dựng các kế hoạch trong nội bộ đảng để chống lại Margaret Thatcher và sau này là John Major.

Thủ tướng Winston Churchill của Anh là một người nghiện rượu nặng.

Nguyên nhân sâu xa của việc đóng cửa Gay Hussar có liên quan tới một xu hướng gần đây của chính giới Anh, khi các chính trị gia có phần giảm chuyện rượu bia hơn. Các chính khách hiện đại giờ không còn noi theo những “tấm gương” của các tiền bối như Thủ tướng Winston Churchill, Aneurin Bevan (Phó Chủ tịch Công đảng) hay Roy Jenkins (từng là Chủ tịch Ủy ban châu Âu và là bộ trưởng trong nhiều nội các của Anh).

Còn nhớ ông Churchill từng phải uống đã rượu whisky ngay sau bữa ăn sáng, chưa kể trong ngày vẫn liên tục dùng cả rượu vang, brandy hay sâm-panh. Aneurin Bevan vẫn được mệnh danh là làm việc như một chiếc xe hết xăng khi không có... rượu. Còn Roy Jenkins có tên lóng là “Beaujolais già nua” - tên một loại rượu vang nổi tiếng của Pháp.

Vào buổi tối một ngày tháng 2-2012, chi nhánh đồn cảnh sát Scotland-Yard nhận được cú điện yêu cầu xử lý một người say xỉn gây lộn xộn tại một quán bar. “Họ gọi chúng tôi vào lúc 10 giờ đêm. Kẻ bị bắt giữ là một người đàn ông chừng 50 tuổi” - một cảnh sát kể với phóng viên như vậy. Vụ hỗn chiến vì say rượu khiến 4 người bị thương này ngay hôm sau đã đồng loạt xuất hiện trên các mặt báo.

Sự kiện trên đã không gây chú ý nhiều như thế nếu như không diễn ra ngay gần Westminster, chính xác là Strangers' Bar, một nơi bù khú truyền thống của các nghị sĩ Anh. Và người gây sự đánh 4 chính trị gia tại đây là Eric Joyce, cũng là một nghị sĩ từ Công đảng. Thủ lĩnh Công đảng khi đó là Ed Miliband đã quyết định khai trừ Joyce, tuy nhiên vẫn lo ngại hệ thống bỏ phiếu trong nội bộ đảng sẽ gây khó dễ vì sợ ảnh hưởng uy tín.

Vụ bê bối của Eric Joyce còn được đánh giá là một trong những nguyên nhân gián tiếp của Brexit.

Theo đánh giá của báo chí Anh, mong muốn loại bỏ Joyce khỏi Công đảng chính là một trong các nguyên nhân dẫn tới quy định về cơ chế bỏ phiếu trực tiếp trong nội bộ đảng này. Những quy định mới này, theo ý kiến một vài chuyên gia, đã giúp cho Jeremy Corbyn trở thành thủ lĩnh tiếp theo của Công đảng. Và nếu Corby - vốn là người không hề ưa chuyện rượu chè - không là người lèo lái, các thành viên Công đảng sẽ ủng hộ nhiệt tình hơn cho phương án Anh ở lại với EU.

Văn hóa rượu bia tại Anh từ trước tới nay vẫn luôn là một trong những đề tài bí ẩn và được bàn luận thường xuyên trên thế giới, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cả trong những... công trình nghiên cứu khoa học. Tính về tỉ lệ sử dụng rượu bia theo đầu người, nước Anh đang đứng vị trí 25 trên thế giới - một công dân nước này tiêu thụ gần 12 lít rượu mỗi năm.

Ngoài ra còn phải kể đến việc chính phủ vẫn hỗ trợ chi phí ăn uống cho các nghị sĩ. Chẳng hạn mỗi pint bia (bằng 0,57 lít) trong quán bar của quốc hội có giá 3,35 bảng, trong khi tại một quán thông thường tại London có giá gần gấp đôi. Thống kê cho thấy, người đóng thuế tại Anh phải chi trả cho nhu cầu ăn uống của chính phủ khoảng 2,7 triệu bảng trong năm 2017, tăng hơn 200 ngàn bảng so với năm trước.

Những tranh luận về chuyện thay đổi văn hóa rượu bia tại Anh đã được nhắc tới từ nhiều năm nay. Một số cho rằng cần có một đạo luật để điều chỉnh mức độ tiêu thụ rượu bia của các công dân, một số khác, trong đó có các nhà xã hội học thì nhận định ý tưởng hạn chế người Anh uống rượu là không tưởng. Chủ đề trên được nhắc tới không chỉ trong nhà bếp, phương tiện truyền thông mà còn có sự tham gia từ lâu của các chính trị gia.

Năm 2005, phe Công đảng của Eric Joyce đã khẳng định, việc hạn chế thời gian bán rượu sẽ chẳng thay đổi được gì - mọi người chỉ đơn giản là ghé vào quán bar nhiều hơn. Khoảng hơn 10 năm sau, Bộ Y tế Anh đi đến kết luận, các công dân không nên tiêu thụ quá 112 gram rượu cồn mỗi tuần.

Lời kêu gọi trên ngay lập tức bị một trong những tờ báo uy tín nhất tại Anh - tạp chí The Economist - phản bác: “Làm sao có thể đề xuất người dân hạn chế chỉ 112 gram rượu cồn mỗi tuần, trong khi bản thân các nhà làm luật tiêu thụ hết chừng đó chỉ trong một bữa”.

Thống nhất về… bia rượu

Nói chung, đa phần các chính trị gia đều không hào hứng gì với đề xuất của các chuyên gia y tế. Còn nhớ trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2015, từng xuất hiện đánh giá vui rằng, chủ đề duy nhất mà phe Bảo thủ và Công đảng có thể thống nhất chính là... bia. Thông thường, trước thời điểm bầu cử, giới nghị sĩ thường rất tích cực quảng bá cho văn hóa bia rượu của mình.

Chẳng hạn như tại một khu vực bầu cử, hình ảnh thủ lĩnh phe Bảo thủ khi đó đồng thời là Thủ tướng David Cameron còn xuất hiện trên một loại bia có tên Co-ale-ition Beer - cụ thể trên nhãn loại bia truyền thống này tại Anh có ảnh của Cameron và đối thủ chính trị của ông từ phe Dân chủ tự do Nick Clegg.

Theo các phương tiện truyền thông khi đó, có hơn một ngàn ứng cử viên nghị sĩ quốc hội đã bày tỏ sự ủng hộ với các đồ uống truyền thống và cả Campaign for Real Ale (CAMRA) - một tổ chức của người tiêu dùng Anh ủng hộ phát triển loại bia và quán bar truyền thống của Anh. Có 292 thành viên Công đảng ủng hộ cho các quán bar địa phương và nghề nấu bia, đồng thời tuyên bố họ thường xuyên ghé thăm những địa điểm trên.

Con số thống kê tương tự có 264 thành viên đảng Xanh, 225 thành viên đảng Dân chủ tự do, 160 người phe Bảo thủ ủng hộ cho CAMRA. Đại diện cho hơn 100 thành viên ủng hộ từ đảng Vương quốc Anh độc lập, thủ lĩnh Nigel Farage, còn sắp sếp tổ chức một lễ hội bia tại hạt Kent vào đúng chiến dịch tranh cử của mình.

Biếm họa về David Cameron và Nick Clegg tại một quán bar ở Westminster.

Tuy nhiên cũng phải nhắc tới mặt trái của “phong trào” này. Chuyện rắc rối của các chính trị gia liên quan đến “quá chén” đã trở thành một chủ đề không thể tách rời trong các bài phóng sự về hoạt động của cả hai viện quốc hội. Điển hình như nghị sĩ Bảo thủ Samuel Armstrong bị cáo buộc tội cưỡng hiếp khi say rượu, còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon chẳng ngại... tốc váy một nữ bình luận viên chính trị khi đã có hơi men.

Trên báo chí Anh xuất hiện không ít những lời xin lỗi của các nghị sĩ sau khi không thể có mặt bỏ phiếu vì say xỉn. Một trong những “tấm gương” hàng đầu là nghị sĩ Charles Kennedy của đảng Xã hội dân chủ, người thường xuyên ngất ngưởng trong các kỳ họp, cả khi đang trả lời phỏng vấn truyền hình. Bản thân ông ta là một ví dụ đáng buồn về việc đam mê rượu bia không những làm hỏng thanh danh mà còn là con đường nhanh nhất dẫn... xuống mồ - Kennedy qua đời vào năm 2015 sau khi bị xuất huyết não vì lạm dụng rượu bia.

Đối với các chính trị gia Anh, rượu bia không đơn giản chỉ là phương pháp giải khuây sau giờ làm việc. Các nghị sĩ buộc phải cụng ly trong các quán bar tại Hạ viện để tìm kiếm các mối quan hệ, lôi kéo những người ủng hộ, thậm chí nói xấu đối thủ hay lấy lòng một số phóng viên để họ ủng hộ mình trên báo. Cần nói thêm, các quan bar từ lâu vẫn là “môi trường tác nghiệp” hiệu quả của các phóng viên chính trị nếu muốn tìm kiếm những thông tin quan trọng trong giới chính trị-ngoại giao.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao “văn hóa rượu bia” tại chính trường Anh đang trên đà đi xuống? Đáp án cho rằng các chính trị gia ngày nay quá bận rộn thật ra không thỏa đáng. Bản thân họ chưa chắc đã có được mật độ công việc căng thẳng như những tiền bối vốn thường xuyên uống rượu như Churchill, Bevan hay Roy Jenkins. Việc đương kim Thủ tướng Theresa May thích uống trà hơn cũng như hay né tránh những buổi tiệc rượu cũng không hẳn thuyết phục.

Nguyên nhân quyết định nhất, theo đánh giá của các chuyên gia, chính là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các chính trị gia được đào tạo chuyên nghiệp. Các quán bar trước đây là nơi để công chúng có thể tiếp xúc với những nhà làm luật để bày tỏ chính kiến. Ngược lại, giới nghị sĩ coi đây là nơi lôi kéo, thu phục những người ủng hộ mình. Còn giờ đây trong hàng ngũ của Công đảng hay Bảo thủ đang có một làn sóng mới những ứng viên tốt nghiệp từ các trung tâm đào tạo chính trị đầu não của Anh, vốn không ưa gì chuyện la cà rượu bia.

Chính vì vậy, một số cá nhân “hoài cổ” vẫn nhận định rằng, xu hướng văn hóa mới tại Anh đang tạo ra một khoảng cách lớn hơn giữa tầng lớp chính trị gia ưu tú và người dân mà họ đang phục vụ.

Hồng Sơn (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/chuyen-ruou-bia-trong-chinh-gioi-anh-498314/