Chuyến thám hiểm dãy Trường Sơn của bác sĩ Yersin 133 năm trước

Vào mùa hè năm 1891, Yersin muốn vào Sài Gòn bằng cách vượt qua dãy Trường Sơn, nhưng chuyến đi thất bại vì nhiều lý do.

Nếu như ngày nay Việt Nam1 là quốc gia có độ che phủ rừng thấp nhất Đông Nam Á (dưới 40%), thì điều này không phải lúc nào cũng như vậy.

Vào cuối thế kỷ 19, khi Alexandre Yersin thực hiện những chuyến du hành ở phía Nam dãy Trường Sơn, gần như toàn bộ các vùng lãnh thổ nằm ở độ cao hơn 100 mét so với mực nước biển vẫn còn rừng bao phủ.

Dân tộc Việt (người Kinh) chiếm đa số, hình thành những vùng đông dân cư dọc theo bờ biển và ở các vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, theo nghề trồng lúa nước.

Trong khi đó người Thượng (dân tộc thiểu số)2 3 chiếm lĩnh các vùng núi (ở độ cao từ 300 mét đến trên 2.000 mét), sống bằng nghề làm nương; tổ chức cộng đồng buôn làng gồm vài chục hoặc vài trăm người, thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột. Họ hạn chế tiếp xúc với người Kinh ở đồng bằng đến mức tối thiểu.

Khi Alexandre Yersin đến Đông Dương vào năm 1890, Pháp vẫn đang trong quá trình củng cố quyền lực của mình ở các vùng đồng bằng và châu thổ có người Việt sinh sống, không quan tâm đến những vùng núi và cư dân nơi đây - trong chừng mực những vùng này không tạo mối đe dọa cho dự án thuộc địa của Pháp.

Sách Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương. Ảnh: NXB Trẻ.

Yersin đến châu Á với tư cách là một bác sĩ trên tàu của Messageries Maritimes1. Khi đó, ông được bổ nhiệm vào làm việc trên tàu Volga, tuyến Sài Gòn - Manila (từ tháng 10 năm 1890, cho đến khi tuyến này ngưng hoạt động tháng 4 năm 1891), sau đó, từ tháng 4 năm 1891, trên tuyến Sài Gòn và Hải Phòng.

Trong những lần dừng chân, ông dành thời gian rảnh rỗi để khám phá các thị trấn và làng mạc xung quanh Manila và Sài Gòn. Ông thậm chí còn mua một chiếc thuyền nhỏ để dễ dàng di chuyển đến các khu vực đã được xây dựng gần biển hoặc các vùng đồng bằng.

Ông cũng quan tâm đến kỹ thuật điều hướng thiên văn, và bắt đầu tìm hiểu về cách sử dụng kính lục phân và máy kinh vĩ cũng như trắc địa cho các chuyến thám hiểm trong tương lai của mình.

Chuyến thám hiểm đầu tiên1: Vào mùa hè năm 1891, Yersin thuyết phục thuyền trưởng của tàu Sài Gòn cho ông cập bến Nha Trang để vào Sài Gòn bằng cách vượt qua dãy Trường Sơn, một kỳ tích chưa từng đạt được trước đây!

Ông khởi hành vào ngày 29 tháng 7 và lần đầu tiên đi theo đường Cái quan (QL1 ngày nay) đến cảng Phan rý, từ đó bắt đầu vượt núi. Nhưng ông thất bại vì nhiều lý do: điều kiện thời tiết xấu do gió mùa, người dân không trợ giúp, trang thiết bị không đầy đủ...

Cuối cùng, ông từ bỏ dự định. Vào ngày 10 tháng 8, ông trở lại bờ biển Phan Thiết trước khi về lại Nha Trang bằng thuyền buồm, tại đây ông gặp lại con tàu của mình đang trên đường đi Hải Phòng.

Thế là Yersin bắt đầu say mê vùng đất này và cư dân của nó, đến mức ông xin rời khỏi Messageries Maritimes. Sau đó, ông đã liên lạc với Đại úy Cupet của Phái đoàn Pavie2, lúc đó Đại úy đang làm “Bản đồ toàn vùng Đông Dương”, mà sau này được xuất bản vào năm 1893 trên tạp chí Annales de Géographique - mô tả hành trình 9.000 kilômét, cả đường bộ và đường sông, ở Đông Dương.

Dự án mới của Yersin là khám phá Cao nguyên giữa Biển Đông và sông Mekong, vùng đất chưa ai có thể vượt qua, bất chấp nỗ lực của Đại úy Cupet vào năm 1891 đi từ thị trấn Kratíe của Campuchia. Yersin dường như nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo của Messageries Maritimes, vì chưa đầy một năm làm việc, ông đã được nghỉ phép theo yêu cầu mà dường như không gặp khó khăn gì.

Alexandre Yersin/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-tham-hiem-day-truong-son-cua-bac-si-yersin-133-nam-truoc-post1460071.html