Chuyến thăm lịch sử nâng tầm quan hệ Việt Nam - Ai Cập

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long nhận định, chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đến Ai Cập nâng tầm quan hệ song phương, tạo nền tảng tăng cường hợp tác thực chất giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 9.2017. Ảnh: TTXVN

Thưa Đại sứ, quan hệ Việt Nam - Ai Cập có những bước phát triển như thế nào kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao?

- Quan hệ Việt Nam - Ai Cập hiện đại không chỉ tính bằng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1963 - 2018) mà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng từ rất lâu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ai Cập 3 lần. Trong đó, lần ghi dấu ấn đặc biệt nhất là khi Người ghé thăm thành phố Cairo trên đường từ Pháp về Việt Nam năm 1946. Bác Hồ cũng là người mở phòng đại diện thương mại đầu tiên của Việt Nam tại Ai Cập năm 1958.

Trên chặng đường thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1963 cho đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Ai Cập có nhiều dấu ấn. Nhân dân, chính quyền và các nhà lãnh đạo Ai Cập đều dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp, với sự quan tâm, ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Thưa Đại sứ, chuyến thăm Ai Cập của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang có tầm quan trọng như thế nào với quan hệ hai nước?

- Chủ tịch Nước thăm Ethiopia và Ai Cập từ ngày 23 - 29.8. Chuyến thăm Ai Cập mang dấu ấn lịch sử đặc biệt quan trọng, đúng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ai Cập. Chuyến thăm là sự nâng cấp trong quan hệ song phương. Lần đầu tiên một nguyên thủ Việt Nam có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước đến Ai Cập, thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với Ai Cập, đồng thời là chuyến thăm đáp lại chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đến Việt Nam hồi tháng 9.2017.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập năm ngoái, 2 bên đã ký 9 thỏa thuận hợp tác và việc thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đang diễn ra sôi động.

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang lần này, dự kiến hai bên sẽ ký kết một số văn bản hợp tác về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… nhằm tạo nền tảng tăng cường quan hệ hợp tác thực chất Việt Nam - Ai Cập trên các lĩnh vực.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ai Cập

Trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ai Cập cho tới thời điểm hiện nay, Đại sứ hài lòng nhất về lĩnh vực nào?

- Quan hệ Việt Nam - Ai Cập có rất nhiều tiềm năng để phát triển cả về chính trị, kinh tế, văn hóa… Theo tôi, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân là cách thức tốt nhất để nhân dân cũng như chính giới, doanh nhân hai nước có cơ hội trải nghiệm sự độc đáo trong bản sắc văn hóa, tăng cường hiểu biết truyền thống, phong tục tập quán để thông hiểu và tin cậy lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương hiệu quả hơn.

Thời gian qua, hợp tác văn hóa Việt Nam - Ai Cập tương đối phong phú với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, 5 góc đọc sách “Cửa sổ nhìn vào Việt Nam” được mở tại một số thư viện công cộng Ai Cập.

Đại sứ quán cũng tổ chức hàng loạt triển lãm ảnh, tuần văn hóa, ngày văn hóa Việt Nam ở Ai Cập, đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông Ai Cập sản xuất các chương trình truyền hình trực tiếp để quảng bá về đất nước, con người, các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận và chương trình về danh nhân - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua những hoạt động tại Ai Cập, chúng tôi trân quý những người bạn lớn thân thiết, nhiệt thành và thủy chung với Việt Nam như: Giám đốc thư viện công quốc gia từng là Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam hay nữ nghệ sĩ múa rối nước người Ai Cập May Mohab...

Hàng hóa Việt Nam như giày dép, quần áo, thậm chí cả đồ điện tử đang từng bước chinh phục người tiêu dùng Ai Cập. Nhờ thiện cảm với các mặt hàng “Made in Vietnam”, người dân Ai Cập đang ngày càng dành cho Việt Nam nhiều tình cảm tốt đẹp.

Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư giữa hai nước ra sao, thưa Đại sứ? Đại sứ quán đã và có kế hoạch gì để kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường Ai Cập?

- Kim ngạch thương mại hai chiều dao động trong khoảng 350 triệu USD/năm, trong đó Việt Nam xuất siêu là chính. Quan hệ đầu tư Việt Nam - Ai Cập có rất nhiều tiềm năng nhưng thực hiện chưa nhiều. Ai Cập hiện mong muốn doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư vào các khu kinh tế mới. Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động làm cầu nối giữa doanh nghiệp hai nước qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập thị trường của nhau để tăng cường tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại.

HÀ LIÊN (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/chuyen-tham-lich-su-nang-tam-quan-he-viet-nam-ai-cap-626830.ldo