Chuyện thật về ngày… nói dối

Cũng như một số ngày như tình yêu Valentine hay ngày lễ hội Halloween..., ngày Cá tháng tư đã xâm nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy là sản phẩm của nền văn hóa phương Tây nhưng đã được nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ đón nhận một cách rất sôi nổi…

Cá tháng tư là ngày mọi người có thể thoải mái trêu đùa mà không sợ bị người khác giận

Cá tháng tư là ngày mọi người có thể thoải mái trêu đùa mà không sợ bị người khác giận

Ngày Cá tháng tư, nhằm ngày 1 tháng 4 dương lịch hàng năm hay còn gọi là ngày nói đùa, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước, là ngày mà theo phong tục cũ tại một số quốc gia, bạn bè thường hay bày trò đùa giỡn nhau một cách vô hại về rất nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hay trêu chọc ai đó. Khi xâm nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây, ngày Cá tháng tư đã trở thành một trào lưu được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ yêu thích. Nhưng nguồn gốc và ý nghĩa của nó thì không phải ai cũng biết.

Nguồn gốc ngày Cá tháng tư đang còn là một vấn đề còn gây tranh cãi. Ghi nhận sớm nhất về ngày đùa tháng tư có thể tìm thấy trong tập The Canterbury Tales của nhà thơ Geoffrey Chaucer (1392). Nhiều ý kiến cho rằng ngày Cá tháng tư được bắt đầu từ nước Pháp vào cuối thế kỷ XVI khi mà lịch Julian (lấy tên từ Julius Caesar) được thay thế bởi lịch Gregorian. Trong lịch Julian cũ, năm mới bắt đầu từ 25 tháng 3 và ngày lễ kỷ niệm năm mới thường được tổ chức sau đó 1 tuần (tức là rơi vào khoảng 1 tháng 4) vì tuần có ngày 25 tháng 3 lại vướng vào Holy Week.

Năm 1582, Hoàng đế Charles IX đã ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới về ngày 1 tháng 1. Tuy vậy, do phương tiện liên lạc thời đó còn lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên không phải người dân nào cũng biết có sự thay đổi đó. Nhiều người khác tuy biết lệnh của Hoàng đế Charles IX nhưng vẫn không chấp nhận lịch mới và tiếp tục đón năm mới vào ngày 1 tháng 4. Việc ngoan cố này bị quy là “ngớ ngẩn” và trở thành trò cười cho thiên hạ. Bên cạnh đó, một số người vẫn muốn ăn Tết lần thứ hai bằng cách lừa mọi người nhớ lại rằng 1 tháng 4 mới là ngày lễ kỷ niệm năm mới. Trong ngày đó, người đi lừa thường mời người bị lừa tới các bữa tiệc mừng năm mới không tồn tại trên thực tế. Cũng từ đó, cái tên “Cá tháng tư” hay “ngày nói dối” chính thức xuất hiện.

Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1 tháng 4 dần trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ XVIII). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều nước khác nhau. Nhưng khi tiếp nhận, người dân ở mỗi quốc gia này lại được quy định bằng những thời gian và hình thức khác nhau để trêu đùa gia đình và bạn bè.

Tại Mexico kỷ niệm ngày nói dối vào ngày 28 tháng 12. Đó là một thời khắc buồn trong lịch sử đất nước này vì đúng ngày đó, vua Herod ra lệnh thảm sát trẻ em vô tội. Vì thế, những trò trêu ghẹo chỉ mang tính chất nhẹ nhàng.

Ở Scotland có tới 2 ngày Cá tháng tư. Ngày thứ hai đặc biệt để trêu ghẹo phần sau lưng của mỗi người nên được gọi là “Ngày vuốt đuôi”. Đây được coi là ngày phát sinh của trò đùa “Hãy đá tôi một phát”. Và những người bị lừa được gọi là “gowk”(kẻ ngốc).

Ngày nay, ở Anh người ta gọi những người bị lừa trong dịp 1 tháng 4 là “April Fool” cũng có nghĩa là fool – kẻ ngốc. Một nghiên cứu vào những năm 1950 của nhà nghiên cứu văn học dân gian Iona và Peter Opie, phát hiện ra rằng ở Anh, và ở các quốc gia có truyền thống bắt nguồn từ Vương quốc Anh, bao gồm Úc, các trò đùa chấm dứt vào buổi trưa. Một người mà đùa giỡn sau buổi trưa thì cũng tự là "kẻ ngốc".

Tại Ý, Pháp, Bỉ, và các khu vực nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ và Canada, 1 tháng 4 truyền thống thường được gọi là "Cá tháng tư" (Poisson d'avril theo tiếng Pháp hoặc Pesce d'aprile theo tiếng Ý) và thường được diễn ra suốt ngày. Điều này bao gồm cả cố gắng để lén dán một con cá bằng giấy vào lưng của "nạn nhân" mà không bị phát hiện. Những cá giấy như vậy cũng nổi bật trên nhiều bưu thiếp tại Pháp ngày đầu tháng tư vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Tại Việt Nam, ngày cá tháng tư có lẽ được du nhập vào theo sự du nhập của văn hóa Pháp nên chúng ta cũng gọi ngày này là ngày Cá tháng tư. Vào ngày Cá tháng tư, giới trẻ thường bày ra những trò đùa, những chuyện nói dối tai quái nhưng vô hại để tạo không khí vui vẻ.

Phạm Sinh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chuyen-that-ve-ngay%E2%80%A6-noi-doi-60757