Chuyện thứ tự trước sau...

Xếp hàng ở ta là khái niệm mới sinh ra vào thời thuộc địa thì phải. Trước đấy, xem các tấm ảnh cũ hồi đầu thế kỷ vẫn thấy sĩ tử đi thi đứng bên ngoài trường thi khá lộn xộn. Phần thì do văn hóa xếp hàng lúc ấy chưa có.

Phần khác lại là thí sinh được xướng danh gọi vào thi nên xếp hàng là vô nghĩa. Đến thời thuộc địa thì ở những TP lớn mới bắt đầu có việc xếp hàng. Kể cả khi giao dịch với công sở bản địa hay đi xem thể thao, phim, hát…

Xếp hàng là một nét đẹp văn hóa nở rộ nhất vào thời kỳ bao cấp ở các đô thị. Nó gần như là một quy định cho toàn xã hội phải thực hiện. Đơn giản vì thời tem phiếu tất cả mọi người đều phải mua hàng ở mậu dịch quốc doanh. Có thể cấp bậc chức vụ khác nhau thì có những cửa hàng phục vụ riêng. Nhưng ở chính những cửa hàng ấy cũng vẫn phải xếp hàng.

Vợ ông bộ trưởng nọ xếp hàng sau lưng vợ ông thứ trưởng kia mà chẳng có một ưu tiên nào cả. Xếp hàng thứ tự thực sự công bằng là ở sân vận động, rạp hát, nhà ga, bến xe. Ở đấy thì đến ông tướng cũng phải xếp cùng hàng với anh lính quèn.

 Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp (ảnh tư liệu).

Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp (ảnh tư liệu).

Đã có xếp hàng thì cũng có xếp hàng ưu tiên. Lúc ấy duy nhất chỉ có một hàng ưu tiên cho các thương binh từ chiến trường hai cuộc kháng chiến trở về. Thế nhưng vào quãng những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hàng thương binh có khi còn dài hơn cả hàng dân thường.

Tất nhiên các bác thương binh bèn cất tấm thẻ của mình đi và tự động điền mình vào hàng dân thường. Lúc này đã có vài bác thương binh coi việc xếp hàng của mình là một công việc có thu nhập hẳn hoi. Xếp hàng thuê. Xếp hàng thời bao cấp là một động từ không chỉ dành cho người. Nhiều người xếp hàng bằng gạch đá, rá rổ, guốc dép.

Nhiều khi mua được mấy bìa đậu phụ phải đi một chân có dép một chân không mà về. Bọn trẻ con hay bị người lớn xui mang chiếc rá rách của mình đặt vào giữa hàng cho chóng đến lượt.

Mua bán xếp hàng, xem hát xếp hàng, đi lại xếp hàng, khám bệnh xếp hàng. Đến ngay cả đám cưới cũng phải xếp hàng vì cả TP chỉ có vài ba phòng cưới cho thuê mà thôi. Dù cô dâu bụng có vượt mặt rồi thì cũng vẫn xin mời xếp hàng mà chờ. Thế cho nên đã từng có đám cưới cô dâu vượt cạn ngay tại phòng cưới.

Thậm chí ở những ngôi nhà nhiều chủ mà chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất thì cũng xin mời đọc báo xếp hàng. Văn hóa xếp hàng có biểu hiện tan rã từ thời mở cửa 1990 với nền kinh tế nhiều thành phần. Việc đầu tiên là xóa bỏ tem phiếu. Chỉ một thay đổi ấy thôi đã làm bộ mặt xã hội thay đổi thần tốc.

Không còn thấy cảnh rồng rắn xếp hàng ở cả những quán bia hơi. Nơi trước đó có cách xếp hàng chống đầu cơ có lẽ thông minh bậc nhất toàn thế giới. Mỗi người đứng vào hàng sẽ được nhân viên thu tiền đẩy ra cho một chiếc tích kê xâu bằng sợi dây thép kéo dài từ cuối hàng đến chỗ rót bia. Không ai có thể lấy chiếc tích kê ấy ra khỏi sợi dây thép mà mang bán kiếm lời.

Thời mới đổi mới, phương tiện giao thông công cộng cũng tăng tiến thần tốc. Chẳng còn cảnh xếp hàng ở nhà ga, bến xe như trước nữa. Trừ ngày Tết. Thậm chí ra bến xe cũng chẳng cần mua vé trước. Nhà xe sẽ đon đả mời chào, dẫn khách lên xe xếp chỗ chu đáo rồi mới bán vé. Chỉ còn phải xếp hàng ở các rạp hát soát vé vào cửa và các sân vận động mà thôi.

Thực phẩm và nhu yếu phẩm thậm chí còn có thể gọi điện cho người ship đến tận nhà. Quần áo may sẵn và vải vóc đầy chặt trong các cửa hàng trên phố mà vẫn vắng hoe. Nhớ lại cái thời cán bộ công chức được phát phiếu 4 mét vải một năm. Mỗi lần mậu dịch Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền có vải pô pơ lin Nam Định về bán là xếp hàng vòng vèo suốt từ tầng hai xuống mặt đất.

Thế nhưng dân số tăng trưởng quá mạnh. Nhiều ngành phục vụ không đủ đáp ứng nhu cầu. Điển hình như ngành y chẳng hạn. Dù đã có thêm khá nhiều bệnh viện tư nhưng tình hình không vì thế mà thay đổi. Bạn muốn khám bệnh ở Hồng Ngọc ư?

Chắc chắn là phải mất một buổi sáng xếp hàng chờ đợi dù rằng bác sĩ và nhân viên ở đấy đã làm việc hết công suất. Ngành giáo dục cũng là một ví dụ khác. Chẳng cứ là những trường chuyên lớp chọn mà ngay cả trường thực nghiệm thôi cũng đã có năm phụ huynh xếp hàng xin học cho con chen lấn đến sập cả cổng sắt.

Ở Hà Nội, ngạc nhiên thay lại có cảnh xếp hàng ăn phở ở vài nhà hàng phố cổ y như thời bao cấp. Người ăn phở sẽ phải tự bưng bát của mình ra bàn mà ngồi. Không có chuyện phục vụ ở đây. Chẳng khác gì thời bao cấp ở các hàng phở mậu dịch ngày xưa.

Những người Hà Nội cũ nhìn cảnh ấy mà ngán ngẩm lắc đầu. Người Hà Nội mới hơn sẽ cần mẫn xếp hàng chờ đến lượt. Ngạc nhiên nhất là phở ở những hàng ấy cũng không đến nỗi… ngon lắm!

Đã có xếp hàng thì cũng hẳn là sẽ có cảnh chen ngang vô lối. Việc này vẫn diễn ra ở hầu khắp các sân bay, nhà ga, bến xe ngày giáp Tết hoặc sau Tết. Vẫn là câu chuyện của cung không đủ cầu nhưng thật sự khó hiểu là tầm nhìn chiến lược của ngành giao thông vận tải hình như mới ở mức dự báo dưới 12 tháng. Cho nên năm nào cũng xếp hàng về quê ăn Tết là điều người dân dự báo luôn chính xác.

Có thể nói phong thái lịch sự nhường nhịn của người Hà Nội đang đến hồi xuống cấp không? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vì hành vi chen lấn khi xếp hàng cho đến giờ này vẫn chỉ là do những người đang xếp hàng thứ tự phản đối mà thôi.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuyen-thu-tu-truoc-sau-376939.html