Chuyện thú vị về bản thảo của Nguyễn Hiến Lê

Là một trong những học giả hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và dịch sách. Ông để lại di sản hơn 120 đầu sách với nhiều thể loại như giáo dục, ngữ học, triết học, lịch sử, chính trị... Nhưng đáng chú ý nhất là những cuốn dạy làm người được coi như 'kim chỉ nam' cho việc đối nhân xử thế và xây dựng nhân cách sống.

Bộ sách Nguyễn Hiến Lê tái bản tại Việt Nam

Bộ sách Nguyễn Hiến Lê tái bản tại Việt Nam

Xuất thân trong một gia đình nhà nho ở Ba Vì (Hà Nội), Nguyễn Hiến Lê tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội và được phân công vào làm việc tại Lục tỉnh và sau đó ông đã gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất miền Nam. Theo cô Võ Thị Kim Liên (con nuôi của học giả Nguyễn Hiến Lê) ông chính thức bắt tay vào dịch và viết sách từ năm 1952. Nguyễn Hiến Lê lên Sài Gòn, mở nhà xuất bản và tập trung vào việc xuất bản sách. Hơn 20 năm làm việc, Nguyễn Hiến Lê đã trở thành hiện tượng trong giới nghiên cứu khi ông cho ra hàng trăm tác phẩm sách nghiên cứu, sách dịch trong đó đáng chú ý có nhiều cuốn được đánh giá cao như bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc (dày 1.700 trang - Viết chung với Giản Chi), 3 tập Lịch sử văn minh Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc (dày hơn 2.000 trang - có chú giải và bình luận), Khảo luận Triết học Trung Hoa trước đời Tần, Đại cương triết học Trung Quốc, Ngữ pháp Việt Nam, Chiến tranh và Hòa bình, Sử kí Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách... Đặc biệt 2 cuốn sách dịch Quẳng gánh lo đi và vui sốngĐắc nhân tâm(của tác giả Dale Carnegie) được Nguyễn Hiến Lê dịch đã trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản ngày đó khi liên tục được tái bản, trở thành cuốn sách “gối đầu giường”, “kim chỉ nam” cho rất nhiều người.

Sau năm 1975, Nguyễn Hiến Lê trở về sống tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn đọc và viết sách. Hơn 120 cuốn sách của ông, ông vẫn giữ gìn cẩn thận để mong muốn sẽ truyền cho các thế hệ mai sau. Người được Nguyễn Hiến Lê đặt niềm tin là ông Nguyễn Quốc Thắng - nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ông Nguyễn Quốc Thắng cho biết: “Tôi quen với Nguyễn Hiến Lê từ lâu và cũng có chung sự đam mê về sách nghiên cứu hay sách dạy làm người. Tôi không đam mê danh vọng hay tiền bạc nên Nguyễn Hiến Lê tin tưởng tôi, mong muốn tôi sẽ gìn giữ và phát huy tiếp gia sản của ông”. Ông Thắng kể lúc sinh thời, Nguyễn Hiến Lê rất coi trọng việc tác quyền nên với mỗi cuốn sách ông dịch ông đều viết thư, xin phép tác giả cẩn thận. Với các bản thảo, Nguyễn Hiến Lê luôn đánh máy thành 3 bản, 1 bản gửi nhà xuất bản, bản kia ông giữ riêng và 1 bản ông gửi về quê nhờ người nhà cất giùm. Chính vì thế dù chiến tranh loạn lạc, các bản thảo của ông vẫn luôn được bảo quản rất tốt, thậm chí cả những bức thư ông xin phép các tác giả nước ngoài để dịch sách vẫn còn nguyên vẹn. “Là người gìn giữ gia tài văn hóa của học giả quá cố, tôi vẫn luôn tâm nguyện tìm người đủ tầm và có tâm để phát triển tủ sách Nguyễn Hiến Lê đến độc giả cả nước. Nhưng tới tận bây giờ, tôi mới quyết định sẽ chuyển giao bản quyền của toàn bộ 120 đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê. Theo tôi, các cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê trong bất cứ thời đại nào cũng đều có giá trị, đều xứng đáng là hành trang của mỗi người để làm phương châm sống, để giúp cho thay đổi cuộc đời và đi đến thành công” - ông Thắng cho biết thêm.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đánh giá: “Ðắc Nhân Tâm phù hợp với mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, người đi làm, nhân viên hay sếp... Ðặc biệt, là các chủ doanh nghiệp đang muốn thu phục nhân tâm, thu hút và quản trị người tài. Vì đó là những bí quyết không chỉ giúp thành công mà còn là một trong những nhận thức hình thành nhân cách con người”.

Chân dung Nguyễn Hiến Lê

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/chuyen-thu-vi-ve-ban-thao-cua-nguyen-hien-le-1335443.tpo