Chuyện tình bi thương của 'nữ chúa rừng xanh' ở Lâm Đồng

Không lấy được người mình yêu, người phụ nữ nguyện một đời không lấy chồng để rồi trở thành 'nữ chúa rừng xanh' huyền thoại của cao nguyên Di Linh.

Huyền thoại “Mọ Kọ”

Từ lâu, tại thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), có một con đường mang tên rất lạ - Mọ Kọ. Đây là con đường được đặt tên theo biệt danh của người phụ nữ K'Ho có cuộc đời nhuốm màu huyền thoại.

Tại địa phương, đặc biệt là với người dân K'Ho ở thôn Đồng Đò (xã Tân Nghĩa, thị trấn Di Linh), Mọ Kọ là niềm tự hào, nữ chúa của núi rừng Di Linh một thời. Những câu chuyện về bà vẫn in đậm trong đời sống người K'Ho nơi đây.

Mọ Kọ là niềm tự hào, nữ chúa của núi rừng Di Linh một thời

Đầu năm mới, PV có dịp gặp gỡ chị Ka Dès (SN 1970) và bà Ka Dês (SN 1956), những người gọi Mọ Kọ là dì ruột. Bà Ka Dês cho biết, Mọ Kọ không phải là tên thật của người dì nổi tiếng. Đây chỉ là biệt danh mà dân làng đặt cho dì.

Một góc thôn Đồng Đò, nơi sinh ra huyền thoại Mọ Kọ của người dân K'Ho ở Di Linh

Mọ Kọ tên thật là Ka Nhòi. Tuy nhiên, bà Ka Dês không còn nhớ chính xác bà Nhòi sinh năm nào. Bà phỏng đoán dì của mình sinh vào khoảng những năm 1912 - 1914 tại buôn Dongr Dor (nay thuộc thôn Đồng Đò).

Không như nhiều đứa trẻ K'Ho cùng thời, ngay từ lúc lọt lòng, Ka Nhòi đã có ngoại hình khác biệt. Bị bạch tạng, bà có nước da, mái tóc, hàng lông mày, lông mi trắng như cước.

Dù không có những nét đặc trưng của người K'Ho tại núi rừng Tây Nguyên, Ka Nhòi cũng không bị dân làng kỳ thị. Bà vẫn lớn lên trong vòng tay của gia đình, buôn làng.

Càng lớn, Ka Nhòi càng khiến dân làng bất ngờ. Không chỉ sở hữu ngoại hình trắng toát kỳ lạ, bà còn nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, siêng năng nhất buôn.

Bà Ka Dês kể: “Lúc mẹ tôi còn sống, bà hay kể về dì Ka Nhòi. Mẹ nói, Ka Nhòi cao, xinh đẹp hơn mọi cô gái trong buôn. Dù không được đi học, bà rất thông minh, hiểu biết nhiều thứ dân làng không biết.

Bà cũng rất khéo tay và chăm chỉ. Bà cắt lúa nương, giã gạo bằng sức với những người đàn ông khỏe mạnh trong buôn. Vì da trắng, tóc trắng, lông mày, lông mi trắng nên dân làng gọi bà là Mọ Kọ. Mọ Kọ dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là 'Bà trắng'”.

Ka Dês cho biết, sinh thời Mọ Kọ nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, siêng năng nhất buôn

Những bậc cao niên của thôn Đồng Đò nhận định, không chỉ xinh đẹp, thông minh, "Bà trắng" còn khác biệt với dân làng ở chỗ nung nấu ý định đánh đuổi giặc Tây. Từ cô gái K’Ho dịu dàng, có mái tóc trắng như cước, “Bà trắng” trở thành nữ chúa rừng xanh, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp.

Tuy nhiên, trước khi trở thành nữ chúa rừng xanh, quy tụ hàng chục nghìn người dân K’Ho, Châu Mạ, Chăm… khắp vùng Đồng Nai Thượng (thuộc xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng ngày nay), Mọ Kọ nổi tiếng với mối tình bi thương.

Nữ chúa kiên định với lý tưởng

Nhiều người cho rằng, chính mối tình bi thương ấy đã tiếp thêm cho Mọ Kọ sức mạnh để biến cô gái K’Ho hiền dịu, thông minh thành nữ chúa kiên định với lý tưởng đánh Pháp. Chị Ka Dès kể, thuở trăng tròn, Mọ Kọ đẹp như ánh trăng rằm.

Mái tóc, làn da của bà khiến biết bao chàng trai trong, ngoài buôn làng mê mẩn. Nhưng Mọ Kọ vốn có tư tưởng khác biệt, chưa “ưng bụng” chàng trai nào. Dù đã đến tuổi lập gia đình, bà vẫn chưa nhờ cậu (người đóng vai trò quyết định trong hôn nhân mẫu hệ của người K’Ho-PV) đi bắt chồng.

Theo bà Ka Dês, vị trí ngôi nhà này trước kia là nơi gia đình Mọ Kọ sinh sống

Thế nhưng đến một ngày, gia đình bà tổ chức lễ đâm trâu. Nhiều trai tráng đến nhà giúp bố bà dựng cọc nêu. Trong đó có chàng trai tên K'Jéo, người vốn nổi tiếng khỏe mạnh, thông minh, hát hay.

Sau lễ đâm trâu, Ka Nhòi mời K'Jéo ở lại ăn thịt nướng, uống rượu cần. Cả hai ngồi bên nhau suốt đêm cùng ché rượu bên bếp lửa cháy bập bùng.

Khi men rượu làm chếnh choáng, chàng trai mạnh mẽ như cây rừng cất tiếng hát thay cho lời tỏ tình. Ka Nhòi cũng đáp lại bằng những câu hát ngọt ngào. Cả hai say đắm bên nhau đến nỗi quên đêm đã tàn, bình minh đã ló dạng trên đỉnh núi phía Đông.

Trước khi từ biệt ra về, K'Jéo không quên hẹn “đêm ta lại đến” và dặn cô chủ nhà “hãy đợi cửa”.

Từ đêm cùng nhau uống rượu cần, trái tim đôi trai gái như đã thuộc về nhau. Những đêm tiếp theo, cây rừng, sao trời đã chứng kiến tình yêu nồng cháy của hai người.

Không lâu sau, Ka Nhòi phát hiện mình mang thai. Yêu thương, khát khao được chung sống với người mình yêu, bà nhờ cậu đến gặp gia đình K'Jéo để bắt ông về làm chồng. Ngay lúc tràn trề hy vọng, bà lại đón nhận nỗi đau. Gia đình nhà trai không chấp nhận lời cầu hôn của nhà gái và chấp nhận việc sẽ bị phạt vạ.

Chị Ka Dès tâm sự: “Theo luật tục của người K’Ho, quan hệ trước hôn nhân được cộng đồng cho phép. Tuy nhiên, nếu cô gái có thai thì chàng trai sẽ phải lấy cô làm vợ.

Mẹ tôi và người già kể rằng, khi gia đình Mọ Kọ sang nhà người đàn ông bắt chồng thì bị từ chối. Ngoài những nguyên nhân khác, người ta không cưới Mọ Kọ vì chê nhà bà nghèo.

Dù yêu thương Mọ Kọ, nhưng người đàn ông kia không dám cãi lời cha mẹ. Ông nghe theo ba mẹ, từ chối lời cầu hôn của Mọ Kọ và chấp nhận việc bị phạt vạ bằng trâu”.

Nhà của những người gọi Mọ Kọ bằng cô. Những người này mang gen da trắng, tóc trắng, lông mày, lông mi trắng như bà

Cuộc tình bi thương khiến đôi trai gái đau đớn tột cùng. Dù không hứa hẹn, nhưng cả hai đều nguyện một đời không cưới vợ, lấy chồng.

Người cao niên tại Đồng Đò kể rằng, sau khi từ chối lời cầu hôn của bà Ka Nhòi, K'Jéo cũng không chấp nhận bất cứ lời cầu hôn của cô gái nào khác. Không lâu sau, ông đột ngột qua đời. Nhiều người cho rằng, ông vì tương tư mà đổ bệnh rồi từ giã cõi đời.

Trong khi đó, bà Ka Nhòi cũng nguyện không bao giờ bắt chồng nữa. Bà từ chối mọi lời tỏ tình từ những chàng trai trong, ngoài buôn làng. Sau 9 tháng 10 ngày, bà hạ sinh đứa con gái là kết tinh của mối tình bi thương giữa mình và K'Jéo.

Đứa bé không mang những nét trắng toát, kỳ lạ như mẹ mà ngăm đen như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Dẫu vậy, chỉ ít năm sau, bé gái cũng qua đời vì bệnh tật.

Không đến được với người mình yêu, lại hứng chịu nỗi đau mất con khiến Mọ Kọ dành hết tâm trí, sức lực vào việc chống Pháp. Với những phương pháp riêng, bà trở thành nữ chúa rừng xanh, quy tụ dưới trướng hơn 10.000 binh sĩ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Kỳ sau: Phân phát nước thánh, ‘nữ chúa rừng xanh’ tập hợp binh sĩ, lập kế diệt thù

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-tinh-bi-thuong-cua-nu-chua-rung-xanh-o-lam-dong-2250271.html