Chuyện tình cảm động của nữ TNXP hơn 40 năm đi tìm hài cốt chồng

Chồng tham gia chiến tranh, hi sinh ở chiến trường và bị lạc phần mộ suốt hơn 40 năm, suốt khoảng thời gian ấy, bà Phùng Thị Huệ (SN 1949, ở xóm Hội Tiến, xã Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) quên đi hạnh phúc riêng của mình để lặn lội khắp nơi tìm mộ chồng.

 Bà Huệ quên đi hạnh phúc riêng, một lòng thờ chồng. Ảnh: Sơn Nguyễn

Bà Huệ quên đi hạnh phúc riêng, một lòng thờ chồng. Ảnh: Sơn Nguyễn

Vợ chồng chưa từng “đầu ấp vai kề”

Bà Huệ sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng ven biển. Thời bom đạn, năm 18 tuổi, bà Huệ tình nguyện viết đơn xin gia nhập Đoàn Thanh niên xung phong 557 (C18N5), vượt suối trèo đèo theo dãy Trường Sơn vào chiến trường ở phía Nam Bình Trị Thiên chiến đấu.

Tại chiến trường, bà Huệ đã gặp ông Đặng Xuân Thọ (SN 1945, trú tại thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân). Sau nhiều lần sinh tử có nhau, hai người đã nảy sinh tình cảm, cùng hòa nhịp yêu thương. Họ cùng hẹn nhau khi đất nước được giải phóng sẽ trở về quê xây dựng hạnh phúc. Sau hơn 3 năm vượt qua nhiều sóng gió thăng trầm, được sự đồng ý của hai đơn vị và gia đình hai bên nội ngoại, họ xin nghỉ phép về quê làm hôn lễ.

Sau khi thành hôn, ông Thọ vào miền Nam chiến đấu, còn bà Huệ ở lại phục vụ chiến đấu ở chiến trường các tỉnh Hà Tĩnh và Bình Trị Thiên. Năm 1972, bà Huệ bị thương và được đơn vị cho xuất ngũ trở về địa phương tham gia công tác sản xuất, hoạt động Đoàn, Đội, còn ông Thọ đi học Trường Trung học Hàng Hải (Hải Phòng). Hơn một năm sau, mẹ, em trai ông Thọ bị trúng bom và mất ở quê nhà. Ông đã nghỉ học và tiếp tục lên đường vào chiến trường.

Năm 1974, tin dữ đã giáng lên đầu bà Huệ khi gia đình nhận được giấy báo ông Thọ hy sinh tại mặt trận phía Nam. “Lúc đó tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Bố chồng tôi buồn phiền, sầu não dẫn đến ốm đau, bệnh tật. Là con dâu trong gia đình, tôi đã phụng dưỡng bố chồng từ ăn uống, thuốc men đến sinh hoạt cá nhân”, bà Huệ tâm sự.

Chiến tranh đã cướp đi động lực sống lớn nhất của bà. “Ngày nhận giấy báo tử của chồng là đầu tháng Giêng năm 1974, tôi không tin được sự thật phũ phàng này. Nghe đồng đội kể rằng, giặc đã đánh tan hầm của anh Thọ nên không ai biết rõ thi thể ở đâu. Lúc đó tôi không nghĩ là chồng mình đã hy sinh mà vẫn coi như chồng đang đi bộ đội", bà Huệ rưng nước mắt kể.

Kể từ khi chồng mất, bà Huệ quyết định sẽ một lòng son sắt thủy chung như lúc chồng còn sống dù rằng lúc bấy giờ có nhiều chàng trai trong vùng ngỏ ý muốn lấy bà. Sau đó, bà xin bố mẹ ra ở riêng để thờ chồng và sống bằng những hồi ức năm tháng chiến tranh, bằng tình yêu đầu đời.

Quên hạnh phúc riêng để tìm mộ chồng

Bà Phùng Thị Huệ chia sẻ về kí ức nhiều năm đi tìm mộ chồng.

Hằng năm, cứ đến ngày ông Thọ hy sinh và ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, bà Huệ đều làm giỗ cho chồng. Những lúc nhớ chồng, bà lại giở sổ, viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt. “Lúc đầu nhiều người cứ bảo tôi sao không đi bước nữa, ở vậy một mình sau này đau ốm sẽ không có ai lo lắng, chăm sóc nhưng tôi mặc kệ. Mộ chồng chưa tìm được là tôi cứ day dứt trong lòng. Thế là tôi quyết định gom góp tiền đi tìm mộ chồng”, bà Huệ chia sẻ.

Suốt 40 năm, bà Huệ chắt chiu từng đồng lương ít ỏi để tìm hài cốt người chồng. Cũng chừng ấy năm, bà đã hàng chục lần tự mình mò mẫm đi tìm mộ ông. Bà đi khắp Quảng Trị, Khe Sanh, Đồng Nai, Tây Nguyên rồi Tây Ninh, khắp các nghĩa trang Trường Sơn, Việt Lào, Đường 9 và bìa rừng Trường Sơn… nhưng tất cả những nơi bà đi đến đều nhận được những cái lắc đầu.

Đã nhiều lần bà Huệ rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Hễ nghe thông tin ở đâu có thể tìm thấy mộ chồng là bà lại lên đường. Vì kinh tế khó khăn, cứ đầu năm bà lại nuôi hàng trăm con gà, sau đó bán lấy tiền làm chi phí đi tìm mộ chồng. “Bây giờ nếu kể về những nghĩa trang, địa điểm điểm để tìm hài cốt của chồng thì thật sự tôi không thể nhớ nổi. Chỉ biết rằng từ các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… vào Quảng Trị - Tây Nguyên, Nam Bộ… tôi đã từng đặt chân qua", bà Huệ tâm sự.

Với tờ giấy báo tử số 215 do Đại tá Hồ Bá Phúc ký ngày 1/6/1974, ghi vỏn vẹn mấy dòng: “Liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hy sinh ngày 26/1/1973, tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”, bao năm qua, bà Huệ vẫn miệt mài đi tìm mộ chồng. Rồi bao công sức, mồ hôi của bà Huệ cũng đến lúc được đền đáp khi ngày 22/8/2010, tâm nguyện của bà trở thành sự thật. Bà cùng 3 người em của ông Thọ vào đến xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và tìm được mộ ông. Sau đó bà quyết định đưa hài cốt chồng về an nghỉ tại nghĩa trang xã Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân). Đó cũng chính là ngày vui nhất với bà bởi bà đã làm được điều thề nguyện khi giữ trọn tình yêu với người đã khuất.

Cô gái thanh niên xung phong ngày ấy bây giờ đã hơn 70 tuổi, sức khỏe đã dần yếu đi. Nhưng tất cả điều đó không khiến bà bận tâm, vì người đàn bà nhiều năm “tạc hình vọng phu” đã tìm ra hài cốt của chồng.

Nói về trường hợp bà Huệ, ông Trần Song Hương – Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, bà Huệ là trường hợp đặc biệt, dù chồng đã hi sinh lạc mất phần mộ nhiều năm nhưng một mình bà ấy vẫn rong ruổi khắp nơi suốt mấy chục năm để tìm được hài cốt chồng. Bà Huệ đã xây dựng nên tượng đài tình yêu bất tử, đã viết tiếp trang sử vàng của người phụ nữ Việt Nam kiên trung bất khuất. “Vừa qua, bà Huệ được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Mỗi năm đến ngày lễ, Tết, địa phương cũng đến thăm hỏi, động viên bà Huệ”, ông Hương cho hay.

Sơn Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-cam-dong-cua-nu-tnxp-hon-40-nam-di-tim-hai-cot-chong-20190715181050685.htm